Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay quốc tế Đà Nẵng

10/08/2012 06:22

Sáng 9/8/2012, Bộ Quốc phòng và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã làm lễ khởi công dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng.

Trước đó, thoả thuận về triển khai Dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng” đã được Bộ Quốc phòng Việt Nam và USAID ký kết vào tháng 5/2011. Mục tiêu của dự án là làm sạch bùn đất ô nhiễm dioxin xuống dưới mức tiêu chuẩn làm sạch của Chính phủ Việt Nam, ngăn ngừa phát tán chất ô nhiễm ra không khí và nước, và bảo vệ sức khỏe cho người dân, các cộng đồng dân cư xung quanh cũng như các cán bộ làm việc trong sân bay. Theo đó, dự án sẽ sử dụng 41 triệu USD là vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hoa Kỳ (do USAID quản lý và thực hiện) và 35 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam (do Quân chủng Phòng không – Không quân thuộc Bộ Quốc phòng quản lý và thực hiện).



Rà bom mìn để xử lý dioxin ở sân bay Đà Nẵng ảnh: Internet

Theo đó, khoảng 72.900 mét khối đất và trầm tích nhiễm dioxin trên tổng diện tích hơn 191.400 m2 tại Sân bay Đà Nẵng (bao gồm Hồ Sen và khu đất ngập, khu vực pha trộn và chuyển tải, khu vực lưu trữ trước đây, mương thoát nước và khu vực trung tâm) sẽ được đào xúc, đưa vào một kết cấu bể chứa tại công trường và hấp giải nhiệt ở nhiệt độ cao (3350C) khiến cho dioxin bị phân huỷ. Đất và trầm tích sau khi xử lý sẽ được đưa ra khỏi kết cấu bể chứa và được kiểm tra để đảm bảo không còn ô nhiễm và sau đó sẽ được sử dụng làm vật liệu san lấp tại chỗ tại sân bay Đà Nẵng.

Với nồng độ ô nhiễm dioxin xác định được tại Sân bay Đà Nẵng là rất cao. Trong đó, nồng độ cao nhất tập trung tại khu vực trộn và nạp hóa chất lên máy bay được cho biết lên đến 17.500 ppt, gấp 17 lần so với tiêu chuẩn cho phép của Hoa Kỳ (1.000 ppt). Bộ Quốc phòng Việt Nam và USAID đã thống nhất công nghệ hấp giải nhiệt trong mố (IPTD, hay còn gọi là xử lý bằng nhiệt) để áp dụng cho xử lý môi trường tại Sân bay Đà Nẵng.

Theo CDM Smith, nhà thầu quản lý và giám sát xây dựng của dự án, khẳng định “Các biện pháp an toàn sẽ được triển khai để bảo đảm môi trường xung quanh. Các biện pháp này sẽ bao gồm việc kiểm soát bụi, nước mưa chảy tràn bề mặt và hơi nước/hơi ẩm thoát ra. Bùn đất sẽ được giữ ẩm để giảm thiểu bụi, dự án sẽ dừng hoạt động khi có gió to, đồng thời chất lượng không khí sẽ được kiểm soát bằng các trạm quan trắc. Nước có tiếp xúc với bùn đất ô nhiễm sẽ được thu gom, giám sát, kiểm tra và xử lý trước khi đưa ra môi trường. Công nhân làm việc tại hiện trường sẽ được giám sát và yêu cầu phải mặc trang thiết bị bảo hộ cá nhân phù hợp. Mọi phương tiện ô nhiễm sẽ được khử nhiễm trước khi đi vào các khu vực sạch”.

Bắt đầu từ tháng 9-12/2012, nhà thầu thực hiện IPTD sẽ huy động và nhập các máy móc thiết bị cho các hoạt động trong năm 2013. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016. Trước đó, Bộ Quốc phòng đã tiến hành rà phá bom mìn tại công trường sân bay Đà Nẵng.

Sau khi dự án hoàn thành sẽ tạo ra 29ha đất sạch sử dụng cho mục đích kinh tế, thương mại, làm mất nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm dioxin cho nhân dân xung quanh khu vực sân bay Đà Nẵng, đồng thời đánh dấu sự phát triển về mối quan hệ hợp tác quốc tế tốt đẹp giữa Chính phủ và nhân dân hai nước Việt Nam–Hoa Kỳ.

Theo Bộ Quốc phòng Việt Nam, Sân bay Đà Nẵng, cùng với các Sân bay Biên Hoà (Đồng Nai) và Phù Cát (Bình Định), được chính phủ Việt Nam xem là những “điểm nóng” dioxin do mức độ tồn dư dioxin cao trong bùn đất từ nhiều thập kỷ qua.


Theo (giaothongvantai.com.vn)-L.T

Mới nhất
x
Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay quốc tế Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO