Xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị bưng bít thông tin sự cố VietJet

26/06/2014 14:32

Kiểm điểm rõ và xử lý trách nhiệm những đơn vị và cá nhân liên quan. Khiển trách trực tiếp Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam vì báo cáo thông tin chậm.

Chiều 25/6, tại cuộc họp về sự cố máy bay của Công ty cổ phần Hàng không VietJet Air đưa khách đi Đà Lạt nhưng hạ cánh xuống Cam Ranh, Khánh Hòa chiều 19/6, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Sự cố của VietJet Air vừa qua là vi phạm hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bay. Vì vậy, tất cả các cơ quan có liên quan, các doanh nghiệp phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, rút ra được bài học từ sự việc này.

Kiểm điểm và làm rõ tránh nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan

Tại cuộc họp, thay mặt Lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ trưởng gửi lời xin lỗi đến người dân, xin lỗi đến hành khách vì để sự cố trên xảy ra. “Nếu Cục Hàng không Việt Nam làm kiên quyết hơn sau khi thanh tra và khuyến cáo về hoạt động điều hành bay của VietJet, thấy không đủ điều kiện phải dừng không cho bay hoặc thấy đủ điều kiện nhưng hàng ngày vẫn kiểm soát chặt thì làm sao xảy ra việc này được?” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng giao cho Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu chủ trì họp lại với các cơ quan, đơn vị liên quan như Cục Hàng không VN (HKVN), Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam, các doanh nghiệp…, kiểm điểm rõ và xử lý trách nhiệm những đơn vị và cá nhân liên quan. “Khiển trách trực tiếp Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam vì báo cáo thông tin chậm, có hiện tượng bưng bít thông tin. Đã phát hiện VJA còn chưa tốt đã khuyến cáo nhưng không có chế tài cụ thể. Tổ chức phối hợp trên một cảng hàng không chưa tốt, còn hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.” - Bộ trưởng yêu cầu.

Bộ trưởng cũng giao Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu chỉ đạo từ vụ việc này rút kinh nghiệm, bổ sung ngay vào Luật Hàng không đang sửa đổi để quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý Nhà nước, trách nhiệm của các doanh nghiệp, của các cơ quan liên quan đối với vấn đề an toàn hàng không; đồng thời rà soát lại quy trình cấp phép, quy trình đào tạo, bồi dưỡng về an toàn hàng không trên cơ sở tôn trọng tuyệt đối quy trình của ICAO.

Bộ trưởng đề nghị Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam họp kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị và cá nhân có liên quan.

VietJet Air phải xử lý nghiêm khắc các cá nhân có liên quan

Bộ trưởng đề nghị VietJet Air phải xử lý nghiêm khắc các cá nhân có liên quan, đặc biệt là người điều phối; nghiêm khắc xử lý các cá nhân, đơn vị liên quan bưng bít thông tin; Song song đó, Hãng cần tăng cường đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh nghề nghiệp cho đội ngũ nhân lực của mình.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục HKVN làm việc với tất cả các hãng hàng không để rút kinh nghiệm. Báo cáo rút kinh nghiệm và xử lý trách nhiệm chậm nhất phải hoàn thành vào 5/7.

"Phải báo cáo sớm để Bộ GTVT báo cáo chính phủ và nhân dân để Chính phủ, nhân dân thấy sự công khai, cầu thị của Bộ GTVT, của ngành Hàng không và của các doanh nghiệp" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Sự cố nghiêm trọng về khai thác

Báo cáo tại cuộc họp, Cục trưởng HKVN Lại Xuân Thanh cho biết, chiếc tàu bay được lập kế hoạch đi Đà Lạt bị hỏng kỹ thuật nên VietJet Air đã quyết định đổi một chiếc máy bay khác (có kế hoạch đi Cam Ranh) để thay thế. Mọi thủ tục bay, đưa khách lên máy bay được triển khai theo kế hoạch mới thay đổi. Tuy nhiên, tất cả các bộ phận khác liên quan đến điều hành bay của chuyến bay vẫn giữ theo kế hoạch bay cũ.

Vì thế, máy bay được triển khai đi Đà Lạt nhưng vẫn được phi công hướng về sân bay Cam Ranh. Sự cố chỉ được cơ quan chức năng phát hiện khi máy bay cách sân bay Cam Ranh 5 dặm.

Ông Thanh đánh giá, đây là sự cố khai thác nghiêm trọng và tiềm ẩn nguy cơ uy hiếp an toàn bay. Cả hệ thống và từng bộ phận đều có sai sót.

Tại cuộc họp, đại diện điều hành bay của VietJet cũng nhận lỗi trước hết của Hãng. Cụ thể, tổ bay chưa thực hiện đúng các quy định về chuyến bay của Cục Hàng không và hãng. Theo quy định của Hãng, trước khi bay, tổ bay phải họp trước chuyến bay để bàn bạc. Tuy nhiên, tổ bay không thực hiện được việc thông báo cho nhau, phi công nắm kế hoạch bay đi Cam Ranh, còn tiếp viên vẫn triển khai phục vụ cho khách đi Đà Lạt.

Đánh giá chung về an toàn, an ninh trong chuyến bay này, đại diện của Hãng cho rằng, về an ninh không xảy ra bất kỳ tình huống an ninh nào đe dọa; dù chuyến bay chưa trực tiếp gặp các vấn đề an toàn (vì phi công điều khiển đi Cam Ranh, xăng cấp cho máy bay đi Cam Ranh), tuy nhiên, Hãng thừa nhận với đánh giá của Cục là có nguy cơ uy hiếp an toàn bay.

Trước đó, ngày 19/6, Cục Hàng không Việt Nam nhận được báo cáo tàu bay A320 mang số đăng ký quốc tịch VN-A692 của Công ty cổ phần Hàng không VietJet Air thực hiện chuyến bay VJ8575 theo chặng bay Hà Nội - Cam Ranh. Tuy nhiên, toàn bộ hành khách, hành lý và hàng hóa được chuyên chở trên chuyến bay VJ8575 lại có hành trình trên vé đi Đà Lạt.

Ngay khi sự cố xảy ra, VietJet Air đã liên hệ với Cục Hàng không đề nghị cấp phép bay bổ sung mang số hiệu VJ 8575D để vận chuyển toàn bộ hành khách, hành lý và hàng hóa của chuyến bay VJ8575 đến Đà Lạt. Chuyến bay bổ sung mang số hiệu VJ 8575D đã hạ cánh tại Đà Lạt lúc 21h50 phút.

Cục Hàng không VN xác định đây là sự cố khai thác bay nghiêm trọng nên ngày 20/6 đã ra quyết định thành lập nhóm điều tra nhằm xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan./.

Theo vov

Mới nhất
x
Xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị bưng bít thông tin sự cố VietJet
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO