Xử lý nợ đọng thuế: Tìm thuốc "đặc trị"

08/04/2014 17:51

(Baonghean) - Đến tháng 2/2014, nợ thuế trên toàn tỉnh đã hơn 886 tỷ đồng, trong đó nợ ở Văn phòng Cục quản lý 460 tỷ đồng, ở các Chi cục thuế quản lý nợ 426 tỷ đồng. Nhiều Chi cục nợ thuế lớn như Chi cục thuế Vinh, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai... Nếu không có giải pháp mạnh, nợ thuế dự báo còn gia tăng. 

(Baonghean) - Đến tháng 2/2014, nợ thuế trên toàn tỉnh đã hơn 886 tỷ đồng, trong đó nợ ở Văn phòng Cục quản lý 460 tỷ đồng, ở các Chi cục thuế quản lý nợ 426 tỷ đồng. Nhiều Chi cục nợ thuế lớn như Chi cục thuế Vinh, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai... Nếu không có giải pháp mạnh, nợ thuế dự báo còn gia tăng.

Nợ thuế tăng cao

Chúng tôi đến Công ty CP xây dựng Tiến Lực (Thành phố Vinh) - đơn vị đang “đội sổ” về nợ đọng thuế ở Chi cục Thuế Vinh với 3,2 tỷ đồng. Giám đốc công ty - ông Lê Trung Chính phân trần: Trong số nợ đó nợ gốc chỉ là 1,8 tỷ đồng, tuy nhiên do chưa có tiền nộp tiền thuế nên tiền phạt đã tăng lên như vậy. Năm 2013, công ty này không nộp đồng thuế nào, nhưng năm 2012 đã nộp được 2,6 tỷ đồng tiền thuế. Điều đó cho thấy công ty có doanh thu cao. Lý giải về việc năm 2013 không nộp thuế, ông Lê Trung Chính cho biết: Khách hàng của công ty còn nợ trên 20 tỷ đồng nên công ty không có tiền nộp thuế. Trong năm 2014 sẽ đôn đốc khách hàng thu hồi công nợ để nộp thuế cho Nhà nước.

Cán bộ Chi cục Thuế Vinh trao đổi với cán bộ Công ty TNHH Tiến Lực về nợ thuế
Cán bộ Chi cục Thuế Vinh trao đổi với cán bộ Công ty TNHH Tiến Lực về nợ thuế

Cũng là ngành Xây dựng và nợ đọng thuế, Công ty TNHH Vinh Hợp ở Thành phố Vinh hiện nợ thuế 631 triệu đồng, trong đó có 130 triệu đồng tiền phạt. Từ 2013 đến nay, công ty chưa nộp được đồng thuế nào, chỉ nộp 2 triệu đồng môn bài. Qua phân tích các số liệu trong báo cáo tài chính của công ty cho thấy: Công ty này đã ứng được 5 tỷ đồng từ các công trình, tuy nhiên vẫn chưa nộp thuế hết trong phần doanh thu đó. Ông Trần Duy Doạt - Giám đốc công ty phân trần rằng, mặc dù là giám đốc công ty nhưng ông vẫn phải đi xe máy lên Quế Phong làm công trình, vẫn còn nhiều vất vả, phía chủ đầu tư nợ nhiều. Tuy nhiên, theo cán bộ Chi cục Thuế Vinh cho biết: Công ty có biểu hiện dây dưa nộp thuế. Bởi thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, công ty chỉ nộp hộ cho khách hàng, bởi vậy, nếu thời gian tới công ty không nộp, Chi cục sẽ đình chỉ hóa đơn.

Phòng khám Cựu chiến binh quân y TP. Vinh, một trong những đơn vị nợ thuế dây dưa.
Phòng khám Cựu chiến binh quân y TP. Vinh, một trong những đơn vị nợ thuế dây dưa.

Công ty sản xuất giấy An Châu - đơn vị đang nợ thuế trên 3 tỷ đồng, đáng buồn số nợ này kéo dài từ năm 2002. Đến doanh nghiệp này, quang cảnh đập vào là nhà xưởng cũ kỹ, chưa được nâng cấp, cải tạo, dây chuyền sản xuất Trung Quốc được đầu tư đã lâu. Số liệu báo cáo của công ty cho thấy năm nào cũng thua lỗ tiền tỷ. Ví dụ năm 2012, công ty lỗ 1,3 tỷ đồng, nguyên nhân do trả lãi vay ngân hàng 1,362 tỷ đồng, bên cạnh đó do hàng hóa khó bán, tồn kho. Điều khó hiểu là tại sao năm nào cũng thua lỗ mà doanh nghiệp vẫn tiếp tục sản xuất và doanh số bán hàng khá cao (năm 2012, công ty đạt doanh thu 8,88 tỷ đồng). Không biết đến bao giờ công ty này mới trả được hết nợ thuế. Mới đây, công ty làm đơn kiến nghị Chi cục Thuế Vinh tạo điều kiện tối đa cho công ty duy trì hoạt động. Chi cục Thuế Vinh cũng đã nhiều lần mời doanh nghiệp lên để cam kết nộp thuế và công ty cam kết trả nợ thuế 50 triệu đồng/tháng, song số tiền đó chỉ bằng tiền phạt và tiền thuế phát sinh mới. Bởi vậy, số nợ cũ vẫn “dậm chân tại chỗ”.

Đến 28/2/2014, nợ thuế ở Thành phố Vinh là 196.933 triệu đồng, nợ thuế tăng nhanh theo từng tháng. Một trong những lý do khiến nợ ở chi cục này tăng cao là công tác quản lý nợ gốc những năm trước còn buông lỏng, nhiều khoản nợ lâu năm nhưng không được xử lý, một số doanh nghiệp nợ dây dưa song chưa có biện pháp thu nợ hiệu quả. Như ở Công ty CP Y tế phòng khám đa khoa Cựu chiến binh quân y (Thành phố Vinh) đang nợ thuế 383 triệu đồng nhiều năm nay. Nguyên nhân được các bác sỹ ở đây cho biết: Phòng khám liên doanh với một công ty lập thành Công ty CP Y tế Phòng khám đa khoa Cựu chiến binh quân y thành phố, nhưng đến nay số thuế này công ty không chịu nộp. Liên lạc với công ty này chúng tôi được biết “Giám đốc đang đi vắng”. Công ty CP Công nghệ chế biến rác Môi trường xanh ở Đông Vĩnh - Thành phố Vinh hiện đang nợ thuế 1,69 tỷ đồng mặc dù vẫn đang chế biến rác, Công ty CP Hương Trà nợ thuế 1,17 tỷ đồng, HTX Đại Huệ nợ 2,1 tỷ đồng, DNTN Phước Thủy nợ 1,3 tỷ đồng, DNTN Sơn Hà nợ thuế 1,2 tỷ đồng, Công ty CP XD công trình và thương mại 747 nợ 1,4 tỷ đồng... Theo báo cáo của Chi cục Thuế Vinh, nợ thuế lớn trên 1 tỷ đồng có gần 20 doanh nghiệp và hàng trăm doanh nghiệp nợ thuế trên 90 ngày. Một số doanh nghiệp thay đổi địa chỉ nhưng không báo cho cơ quan nhà nước.

Năm 2013, Chi cục Thuế Vinh đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ thuế và cưỡng chế nợ thuế, thu được 22,6% tổng số nợ có khả năng thu tính đến thời điểm 31/12/2013 là 34 tỷ đồng. Trong đó bằng biện pháp quản lý nợ là: 23 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là: 11 tỷ đồng. Tuy nhiên có thể thấy nợ thuế đang là gánh nặng đối với Chi cục Thuế Vinh. Nguyên nhân nợ thuế ở Chi cục Thuế Vinh tăng nhanh, theo ông Hoàng Phạm Quảng - Đội trưởng Đội Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế cho biết: Do các chính sách của Nhà nước thay đổi như giảm, giãn, gia hạn, kê khai theo quý… cho nên thu được nợ cũ nhưng lại phát sinh nợ mới. Nền kinh tế suy thoái DN sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả thấp, Ngân hàng siết chặt việc cho vay vốn nên không vay được vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và luân chuyển vốn. Các DN kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng chưa được Nhà nước chi trả vốn đầu tư từ ngân sách đầy đủ dẫn đến nợ thuế lớn kéo dài. Bên cạnh đó, đúng vào Tết Nguyên đán nên các DN tập trung kinh phí chi trả tiền lương, thưởng tết cho công nhân và phục vụ chi tiêu trong dịp tết nên không có tiền trả nợ thuế. Các ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc thu hồi vốn vay nên lượng tiền mặt trên thị trường khan hiếm. Các DN bị cưỡng chế qua tài khoản nhưng ngân hàng bao giờ cũng ưu tiên trích nộp tiền nợ vay quá hạn trước tiền thuế.

Hiện nay, ngoài Chi cục Thuế Vinh, một số chi cục thuế cũng nợ đọng lớn như Nam Đàn 16 tỷ đồng, Hoàng Mai hơn 20 tỷ đồng, Quỳnh Lưu 18,7 tỷ đồng, Thị xã Thái Hòa 17,9 tỷ đồng. Theo tin từ Cục Thuế, nợ thuế toàn tỉnh đến 28/2/2013 là hơn 886 tỷ đồng, tăng 77% so với tháng 1/2014. Một trong những biểu hiện dễ thấy nhất là doanh nghiệp lớn nợ cũng lớn và rất khó thu. Nếu những doanh nghiệp vừa và nhỏ thường xuyên được đôn đốc thu nợ thuế, thường xuyên nhận được các thông báo mời lên làm việc với cơ quan thuế và thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ dễ hơn thì doanh nghiệp lớn lại vẫn chưa có biện pháp mạnh để “trị” căn bệnh “nợ thuế”. Đứng đầu các doanh nghiệp nợ thuế lớn phải kể đến các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản như Công ty TNHH Tổng Công ty Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt - Lào nợ 29 tỷ đồng, Công ty CP Xây dựng Vinaconex 16 nợ 13 tỷ đồng, Công ty CP Xây dựng số 9.1 nợ 12 tỷ đồng, Công ty CP Tổng Công ty Xây lắp dầu khí 14 tỷ đồng, Chi nhánh Công ty ĐT và TM Minh Khang - Thành An Minh nợ 4,9 tỷ đồng, Công ty CP ĐT PT nhà Hà Nội nợ 10,7 tỷ đồng... Tiếp đến là các doanh nghiệp xây dựng như Phú Nguyên Hải nợ 2,1 tỷ đồng, Công ty Bách Việt nợ 1,5 tỷ đồng, Công ty CP nạo vét và xây dựng đường biển II nợ 4,7 tỷ đồng, Công ty CP Công trình Giao thông và thương mại miền Trung nợ 4,9 tỷ đồng...

Mặc dù Cục Thuế đã đăng tải danh sách các doanh nghiệp nợ đọng lớn lên các phương tiện thông tin đại chúng song dường như các doanh nghiệp này “vẫn bình chân như vại”. Một số doanh nghiệp bán đất, cho thuê mặt bằng kiếm lời, chiếm dụng tiền lương, bảo hiểm của người lao động nhưng không nộp thuế, một số khác mặc dù khách hàng đã nộp tiền cho chủ đầu tư để mua đất, song vẫn nợ tiền sử dụng đất của Nhà nước dai dẳng trong nhiều năm. Ngoài việc hướng dẫn người nộp thuế (NNT) thực hiện các thủ tục gia hạn, miễn, giảm thuế, Cục Thuế cũng đã đẩy mạnh thu nợ thuế bằng nhiều biện pháp. Trong đó nhiều biện pháp cho thấy hiệu quả như mời doanh nghiệp lên làm việc; phạt chậm nộp, ban hành các quyết định cưỡng chế nợ thuế bằng biện pháp trích tiền qua Tài khoản tiền gửi của người nộp thuế, kê biên tài sản, thu nợ qua bên thứ 3, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng… Cục cũng đã phối hợp với một số cơ quan chức năng để điều tra nợ đọng thuế, khởi tố một số đơn vị, tuy nhiên, các doanh nghiệp nợ lớn không nộp được là bao. Một số DN khi cán bộ thuế đến thể hiện không hợp tác, “đi vắng” liên tục.

Những hạn chế trong công tác quản lý nợ

Trong công tác thu nợ thuế và quản lý nợ, lãnh đạo các chi cục thuế cho biết: Công tác thu thập, xác minh và kiểm tra thông tin để xác định tính trung thực, hợp pháp tài sản NNT để áp dụng các biện pháp cưỡng chế còn gặp nhiều khó khăn. Công tác thu thập, xác minh và kiểm tra thông tin qua các bước để thực hiện một biện pháp cưỡng chế tốn nhiều công sức và thời gian, chi phí. Đặc biệt là khi có sự thay đổi về Luật Quản lý thuế được áp dụng từ ngày 1/7/2013. Công tác phối hợp với các tổ chức, ngân hàng để cung cấp thông tin tài khoản khi có quyết định cưỡng chế còn chậm, tài sản hầu hết đã thế chấp tại ngân hàng nên khi kê biên xong cũng khó bán tài sản đã kê biên để thu tiền nộp vào ngân sách. Ví dụ hiện nay Công ty Xây dựng 757 ở địa chỉ 161/01 đường Trường Chinh, phường Lê Lợi, TP. Vinh (MST 290057231) bị Chi cục Thuế Vinh cưỡng chế nợ thuế nhưng việc bán tài sản để thu hồi nợ rất khó và trải qua nhiều thủ tục.

Khi thu được một phần nợ mới thì nợ cũ lại phát sinh làm cho nợ thuế tăng cao. Quy định cho phép một số doanh nghiệp kê khai thuế 3 tháng một lần cũng khiến nợ tăng bởi đến đầu quý mới nhưng doanh nghiệp không nộp thuế khiến cho nợ mới tăng. Việc phối hợp trong công tác thu nợ giữa các bộ phận chưa nhịp nhàng, đặc biệt là các đội kiểm tra thuế với đội quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế.

Một nguyên nhân nữa khiến nợ thuế tăng nhanh đó là việc gia hạn thuế GTGT trong năm 2013 đến hạn nhưng nhiều đơn vị vẫn không nộp; có nhiều đơn vị xây dựng gặp khó khăn về vốn xin gia hạn nhưng hồ sơ không đầy đủ theo chế độ quy định nên không được giải quyết. Ở Chi cục Thuế Vinh, các khoản nợ kéo dài trên 5 năm, 10 năm, một số doanh nghiệp xin “xoá nợ” nhưng hồ sơ bị thất lạc, còn thiếu sót và không đủ cơ sở pháp lý cho việc đề xuất xoá nợ, khoanh nợ chưa được xử lý.

Thu nợ là công việc khó khăn, hàng năm đã giao chỉ tiêu thu nợ đến từng cán bộ, từng đội thuế nhưng chưa gắn chỉ tiêu thu nợ với tiêu chí thi đua khen thưởng cũng như bình xét lương hàng tháng, quý. Ông Trần Đình Thành - Chi cục phó Chi cục Thuế Nam Đàn cho biết: Nợ thuế của Nam Đàn hiện còn 16 tỷ đồng, hạn chế trong công tác thu nợ thuế hiện nay có thể nói đến là sự phối hợp giữa cơ quan thuế và các phòng, ban, ngành của địa phương chưa cao, các đội thuế chưa vào cuộc quyết liệt. Thời gian tới, Chi cục Thuế Nam Đàn đang tham mưu cho huyện thành lập Ban chỉ đạo thu nợ và chống thất thu thuế, đồng thời tiếp tục phân loại nợ, thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc nợ, cưỡng chế nợ.

Chất lượng công tác Quản lý nợ, số nợ, tuổi nợ thiếu quan tâm của các đội thuế dẫn đến còn một số khoản nợ thiếu đôn đốc và theo dõi. Một số biện pháp các chi cục đã triển khai nhưng khi không thực hiện như thông báo về địa phương, lên loa phóng thanh nơi DN đóng trụ sở. Nợ xấu tăng quá nhanh, còn bí và khó xử lý nhất là các doanh nghiệp ngừng, nghỉ, bỏ kinh doanh không theo Luật DN còn nợ lớn mang theo hoá đơn.

Nợ cao còn do một số phòng ban và các Chi cục Thuế thực hiện chưa triệt để các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế. Chi cục Quỳ Châu, Yên Thành, Anh Sơn, Con Cuông thực hiện biện pháp cưỡng chế đối với các đối tượng cần phải cưỡng chế rất ít.

Việc thu nợ thuế sẽ không hiệu quả nếu thiếu sự vào cuộc của chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan. Thực tế cho thấy ở địa phương nào, huyện, thị xã nào mà công tác phối hợp sát sao, quyết liệt thì số nợ thuế không cao, ngược lại nơi nào thiếu sự vào cuộc của chính quyền, các ngành; bên cạnh đó lãnh đạo các chi cục thiếu kiên quyết, thiếu trăn trở, đẩy mạnh các biện pháp của Cục giao thì nợ ngày càng tăng.

Mặc dù có quan điểm cho rằng nhiều DN hiện đang khó khăn, tài sản đã cầm cố ngân hàng, nợ lương người lao động nên không nộp được thuế. Tuy nhiên, có thể thấy, nếu nắm chắc thông tin, nắm chắc nguồn thu, tăng cường kiểm tra ở doanh nghiệp thì vẫn thu được nhiều hơn số thuế mới phát sinh. Có một thực tế là nhiều doanh nghiệp 3 năm rồi vẫn chưa được thanh, kiểm tra. Bên cạnh đó, khắc phục các tồn tại nêu trên ngành Thuế phải có chế tài mạnh thì công tác thu nợ mới có tiến triển.

Bài, ảnh: Châu Lan

Mới nhất
x
Xử lý nợ đọng thuế: Tìm thuốc "đặc trị"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO