Xử lý rác thải nông thôn: cần giải pháp đồng bộ
(Baonghean) - Thu gom và xử lý rác thải, cải thiện môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay, rác thải nông thôn đang trở thành vấn đề thách thức trong công tác bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của nhiều địa phương trong tỉnh.
(Baonghean) - Thu gom và xử lý rác thải, cải thiện môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, hiện nay, rác thải nông thôn đang trở thành vấn đề thách thức trong công tác bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của nhiều địa phương trong tỉnh.
Rác thải trở thành vấn nạn
Đi dọc các xã ven biển của huyện Diễn Châu như Diễn Hùng, Diễn Hải, Diễn Kim, Diễn Bích, Diễn Thành, Diễn Thịnh… chúng ta dễ dàng nhận thấy rác thải tràn ngập khắp nơi. Đất chật, người đông, hàng ngày lượng rác sinh hoạt mà người dân các xã này thải ra là rất lớn và hầu hết vứt bừa bãi ở các bãi đất trống, kênh mương, đặc biệt là tuyến đường bê tông ven biển qua lại giữa các xã. Nhiều người tham gia giao thông qua tuyến đường này đều bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối của rác. Bãi biển du lịch Diễn Thành, cùng lạch Thơi, lạch Vạn, Cảng cá Diễn Ngọc… rác thải ứ đọng, gây tắc nghẽn dòng chảy.
Những bãi rác ngày một lớn lên, kéo dài dọc bờ biển không chỉ gây mất mỹ quan thôn xóm mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước, không khí, gây nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Ông Lê Văn Thuận – Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Diễn Châu cho biết: “Từ năm 2011, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND huyện ban hành nhiều văn bản đề nghị các xã tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường, xử lý tình trạng người dân đổ rác thải bừa bãi, đồng thời xây dựng bãi rác thải tập trung riêng. Tuy nhiên, do ý thức gìn giữ môi trường của người dân còn nhiều hạn chế, các cấp chính quyền cũng chưa thực sự vào cuộc nên tình hình vẫn chưa được cải thiện”.
Rác thải tràn ngập ra cả QL7 (đoạn gần Thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn) |
Còn tại huyện Quỳnh Lưu và Thị xã Hoàng Mai, dọc sông Mai Giang, lạch Quèn, bờ biển, bãi ngang, đâu đâu cũng thấy rác. Mặc dù một số xã có điểm tập kết rác nhưng chỉ trong một thời gian ngắn đã quá tải. Không chỉ các địa phương ven biển mà ở các xã Quỳnh Văn, Quỳnh Tân, Quỳnh Thạch, Quỳnh Hậu, Quỳnh Hồng, Thị trấn Cầu Giát… rác thải cũng “có mặt” khắp mọi nơi. Vì không có một hướng dẫn, quy định cụ thể về xử lý rác của các cấp chính quyền địa phương nên rác nhà nào, nhà ấy tự xử lý theo cách riêng của mình. Và cách xử lý thông dụng là vứt xuống bất cứ chỗ nào có thể vứt được. Nhà nọ thấy nhà kia đổ được thì mình cũng tham gia và kết quả là những bãi rác tự phát hình thành và mở rộng cả về diện tích lẫn chiều cao.
Điển hình là tại dốc Ngạn nằm giáp ranh giữa hai xã Quỳnh Văn và Quỳnh Tân, một bãi rác tự phát được hình thành cách đây hơn một năm, giờ đã cao gần đầu người, ruồi nhặng, chuột, bọ sinh sôi, nảy nở. Ông Hồ Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu cho biết: “Mặc dù hiện nay, bãi chôn lấp rác thải Ngọc Sơn rộng hơn 5 héc ta đã đi vào hoạt động, mỗi ngày thu gom khoảng 30 - 40 tấn rác thải nhưng cũng không đáp ứng được yêu cầu, vì theo ước tính thì mỗi ngày trên địa bàn toàn huyện thải ra khoảng 80 - 100 tấn rác sinh hoạt. Tình hình rác thải nông thôn hiện nay trên địa bàn huyện trở nên bức xúc”.
Về các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, câu chuyện rác thải nông thôn đang là vấn đề bức bách. Dễ dàng nhận thấy trên tuyến đê tả Lam chạy dọc theo các xã Hưng Lĩnh, Hưng Long, Hưng Khánh, Hưng Lam, Hưng Nhân… rác ngập ngụa, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Ông Nguyễn Văn Thưởng, ở xã Hưng Long cho hay: “Để thuê xe chở rác, hàng tháng mỗi nhân khẩu phải đóng 3.000 đồng. Tuy nhiên, cứ 10 ngày mới có xe lên dọn một lần nên rác chất đống gây ô nhiễm nghiêm trọng, các hộ sống gần bãi rác phải đóng cửa kín mít suốt ngày để tránh mùi hôi thối xộc vào nhà”.
Là một trong những huyện miền núi có tiềm năng du lịch lớn nhất tỉnh ta, nhưng hiện nay, Con Cuông vẫn chưa có bãi chôn lấp rác thải. Không có dịch vụ thu gom, rác được người dân đổ khắp nơi. Dọc tuyến Quốc lộ 7, đoạn qua thị trấn hoặc dưới các chân cầu, rác và đất đá chất thành từng đống. Ông Nguyễn Huy Chương – Trưởng phòng VHTT Con Cuông cho hay: “Vừa rồi huyện đã phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển du lịch huyện Con Cuông giai đoạn 2013 - 2015” mà trọng tâm là phát triển du lịch sinh thái. Nhưng để thực hiện hiệu quả đề án thì một trong những vấn đề cần giải quyết gấp rút, đó là rác thải sinh hoạt. Mặc dù dân số của huyện không đông nhưng về lâu dài, nếu không có bãi chôn lấp, xử lý thì rác tràn ngập khắp nơi, ảnh hưởng đến môi trường du lịch. Tuy nhiên, cái khó vẫn là kinh phí xây dựng một bãi rác chôn lấp tập trung, có quy mô”.
Bể rác gia đình của người dân xã Hưng Tiến |
Nhiều mô hình thu gom rác hiệu quả
Trong lúc nhiều địa phương đang lúng túng xử lý rác thải thì một số xã đã có cách làm hay, sáng tạo nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường một cách tốt nhất. Điển hình là xã Nam Xuân, một trong những xã chuyên canh rau màu của huyện Nam Đàn. Trước đây, cũng như nhiều địa phương khác, vấn đề rác thải trở nên nhức nhối khi người dân có thói quen xả rác bừa bãi bên bờ kênh, ven ruộng, ao hồ… gây mất mỹ quan thôn xóm và ô nhiễm môi trường. Để khắc phục tình trạng này, năm 2012, UBND xã Nam Xuân đã xây dựng bãi chứa rác tập trung, trên diện tích 1.500m2, với tổng vốn đầu tư trên 140 triệu đồng. Xã còn hỗ trợ xây mới 1.532 hố rác 2 ngăn cho các hộ dân (chiếm 95% số hộ); xây dựng 166 bể bê tông chứa rác thải, đặt ở những vị trí thuận lợi, bên cạnh các trục đường chính dẫn ra đồng để tiện cho người dân bỏ những chai lọ, vỏ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trong quá trình sản xuất nông nghiệp.
Các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân không vứt rác, xác súc vật xuống ao, hồ, kênh mương, có ý thức tự giác thu gom, xử lý các loại vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng vào bể gom rác. Sau khi thu gom rác tại các bể, các xóm cử người chuyển số rác thải này về bãi tập kết rác của xã để tiêu hủy. Ông Nguyễn Sỹ Tân ở xóm 4, xã Nam Xuân cho biết: “Từ khi các bể gom rác thải được xây dựng, các cánh đồng, đường làng ngõ xóm trở nên sạch hơn, những xích mích liên quan đến rác cũng không còn”.
Một mô hình thu gom ở xã Hưng Tiến (Hưng Nguyên) được đánh giá mang lại hiệu quả cao. Với hơn 700 hộ, 3.100 nhân khẩu, mỗi ngày lượng rác mà người dân Hưng Tiến thải ra là khá lớn, khoảng từ 3-4 tấn. Trong khi xã chưa có bãi rác tập trung, cũng chưa có các dịch vụ thu gom rác, để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường do rác, từ năm 2008, các hộ dân ở Hưng Tiến có cách làm khá hiệu quả là xử lý rác tại gia. Mỗi gia đình đào các hố chứa rác hoặc có điều kiện hơn thì xây các bể chứa rác, rác được thu gom vào các hố, bể và được phân loại ngay tại nguồn. Số rác thải dễ phân huỷ được chôn lấp làm phân bón tận dụng trong sản xuất; những loại rác thải không phân huỷ được như chai lọ thủy tinh, nilon, nhựa …được gom lại và tập kết một nơi xã đã quy định. Sau 5 năm triển khai thực hiện, mô hình xử lý rác thải tại gia của nông dân Hưng Tiến đã đem lại cho xã một diện mạo mới. Trong khi các địa phương khác, nhất là vùng giáp ranh giữa xã này với xã khác, lượng rác thải tràn ngập, không thể kiểm soát nổi thì ở Hưng Tiến, đường làng ngõ xóm phong quang sạch sẽ, môi trường sống được cải thiện đáng kể.
Ngoài những mô hình do chính quyền phát động, với sự vào cuộc của các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là phụ nữ, việc thu gom, phân loại rác thải ở một số địa phương đã được thực hiện khá tốt. Như ở xã Tân Phú (Tân Kỳ), từ tháng 8/2011, Hội Phụ nữ xã đã thành lập Câu lạc bộ "Phân loại rác tại nguồn và hạn chế sử dụng túi nilon". Tham gia câu lạc bộ, chị em đều được cán bộ Hội Phụ nữ xã tập huấn và trang bị kiến thức về việc phân loại và xử lý rác sao cho đúng cách. Đến nay, câu lạc bộ thực sự tác động tích cực đến ý thức của chị em. Hầu hết các chị em trong xã đã sử dụng các dụng cụ như làn, giỏ... thay thế túi nilon khi đi chợ; biết phân loại rác trong gia đình, trở thành những tuyên truyền viên tích cực vận động các thành viên trong gia đình và bà con lối xóm cùng tham gia.
Còn tại Đô Lương, dưới sự chủ trì của hội phụ nữ các cấp, tổ thu gom rác thải ở từng thôn, xóm được thành lập, mỗi hộ gia đình tự nguyện nộp mỗi tháng 4.000 đồng để trả cho đội thu gom. Ngoài ra, 2 ngày cuối tuần được xem là ngày vệ sinh môi trường của các xóm. Chị em tiến hành quét dọn đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, tập kết rác thải sinh hoạt ra đầu ngõ để đội thu gom chở vào bãi rác tập trung của xã. Đến nay, toàn tỉnh đã có hàng chục CLB “Phụ nữ với môi trường”; hàng trăm tổ phụ nữ “Tự quản thu gom rác thải”… Từ những mô hình này, các cấp hội phụ nữ đã góp phần nâng cao ý thức cho hội viên và cộng đồng cùng vào cuộc bảo vệ môi trường; từng bước hình thành thói quen và hành vi văn minh, từ đó góp phần hoàn thiện các tiêu chí về nông thôn mới.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Từ hiệu quả các mô hình trên, có thể thấy, ở đâu chính quyền địa phương và các đoàn thể tích cực vào cuộc thì ở đó ý thức vệ sinh môi trường của người dân được nâng cao, hạn chế được tình trạng xả rác bừa bãi gây ô nhiễm trên diện rộng. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều xã chưa thực sự quan tâm tới công tác vệ sinh môi trường cũng như quản lý việc thu gom, xử lý rác thải nông thôn. Do đó, theo ông Hồ Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, các xã cần chỉ đạo các xóm thực hiện công khai các quy ước về vệ sinh môi trường, có biện pháp xử phạt các hộ vi phạm, đồng thời để cho các hộ dân giám sát lẫn nhau, cùng vận động nhau thực hiện bảo vệ môi trường. Mặt khác, trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các xã cần dành một diện tích nhất định làm nơi tập kết thu gom rác và trong phạm vi thôn, xóm cần bố trí chỗ đổ rác; hợp đồng với HTX môi trường hoặc công ty dịch vụ môi trường ở địa phương thu gom rác vô cơ chở đi xử lý ở bãi rác của huyện, tỉnh”.
Còn ông Đặng Anh Dũng – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Chương thì cho rằng: “Hàng tuần, các địa phương nên tổ chức "Ngày vệ sinh môi trường" để tổng dọn vệ sinh, làm sạch môi trường xung quanh, nhất là đường làng, ngõ xóm, những nơi có nhiều rác thải phải được thu gom chở về nơi xử lý. Ngoài ra, trong công tác thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, các huyện nên xây dựng vài xã điển hình; mỗi xã nên xây dựng vài xóm điển hình; mỗi xóm nên xây dựng một số gia đình điển hình để nhân ra diện rộng. Trong việc xem xét công nhận gia đình văn hóa, xóm văn hóa cần xem xét nghiêm túc tiêu chí về vệ sinh môi trường. Các đoàn thể cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức về sinh môi trường cho các hội viên, xem giữ gìn về sinh môi trường là một tiêu chí để đánh giá, xếp loại chi hội, hội viên cuối năm”.
Ông Hồ Sĩ Dũng - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết: Chúng ta dễ dàng nhận thấy chính quyền và các đoàn thể nhiều địa phương còn lúng túng trong công tác bảo vệ môi trường nói chung, thu gom, xử lý rác thải nói riêng. Việc tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ môi trường cũng như đề ra các biện pháp kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vứt rác bừa bãi còn hạn chế. Nhiều địa phương đã đưa vấn đề giữ gìn vệ sinh môi trường là một trong những tiêu chí để bình xét danh hiệu gia đình văn hóa nhưng hình như khi xét duyệt thì lại “quên” mất tiêu chí này. Một số địa phương đã quy hoạch được bãi đổ rác chung nhưng việc vận chuyển rác trong từng khu dân cư đến bãi rác cũng là vấn đề nan giải khi không có xe chuyên dụng để vận chuyển rác thải. Đó là chưa kể nhiều điểm tập kết rác được tổ chức chưa đúng quy hoạch, gây ô nhiễm cục bộ. Trong khi đó, công tác xã hội hóa thu gom, xử lý rác thải cũng chưa được thực hiện tốt: chưa hình thành các cơ sở thu gom rác thải tư nhân; việc thu phí vệ sinh môi trường ở các vùng nông thôn còn gặp nhiều khó khăn… Một số huyện như Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Tân Kỳ… đã có các đơn vị dịch vụ thu gom rác thải nhưng việc thu gom rác mới chỉ thực hiện được ở thị trấn và các xã lân cận.
Theo Quyết định số 494/QĐ – UBND.ĐTXD ngày 4/2/2013 của UBND tỉnh về việc phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đó, từ nay đến năm 2015, toàn tỉnh phấn đấu xây dựng được 15 khu xử lý chất thải rắn tập trung; đến năm 2020 là 15 khu. Như vậy, thời gian tới, các huyện chưa có bãi chôn lấp rác thải rắn sinh hoạt, nếu đã được phê duyệt dự án, cần khẩn trương xây dựng và đưa vào sử dụng; nếu chưa lập dự án cần đẩy nhanh tiến độ lựa chọn địa điểm, lập dự án đầu tư xây dựng; Để khắc phục khó khăn về mặt kinh phí, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần có chính sách xã hội hóa để thu hút cá nhân, tổ chức tham gia công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn toàn tỉnh.
Hiện tại đã có một số công ty, tập đoàn trong và ngoài nước có dự án đầu tư vào các địa phương trong vấn đề xử lý chất thải rắn sinh hoạt và đã được UBND tỉnh phê duyệt, như Công ty Costruct của Ý đầu tư tại Thị xã Thái Hòa; Công ty cổ phần Tiến Thịnh tại Quỳnh Lưu; Công ty cổ phần Trung Việt tại Hưng Nguyên… Đây là tín hiệu vui cho hoạt động xử lý rác thải rắn nói chung và rác thải nông thôn nói riêng. Hy vọng rằng với sự vào cuộc đồng bộ, tích cực của các cấp chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, vấn đề rác thải nói riêng và vệ sinh môi trường nói chung ở các vùng nông thôn sẽ được cải thiện, người dân yên tâm hướng đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.
Minh Quân - Triều Dương