Xử lý rác thải nông thôn ở Diễn Châu

27/10/2014 11:20

(Baonghean) - Trước đây, do lượng rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhiều lại không được thu gom, nên địa bàn huyện Diễn Châu có nhiều điểm nóng ô nhiễm môi trường. Để khắc phục, huyện chỉ đạo 32 xã xây dựng bãi rác thải tập trung, tổ chức thu phí vệ sinh môi trường và hình thành các tổ thu gom, vận chuyển rác, với số lượng rác thải thu gom bình quân đạt 83%.

Phân loại rác thải sau thu gom ở xã Diễn Bích (Diễn Châu).
Phân loại rác thải sau thu gom ở xã Diễn Bích (Diễn Châu).

Xã Diễn Thọ có chợ Nho Lâm là đầu mối bán sỉ cho các xã cụm phía Nam Diễn Châu, người dân qua lại nhiều, lượng rác thải lớn. Mặt khác, do mật độ dân cư đông, nên yêu cầu thu gom xử lý rác thải đặt ra rất cấp thiết. Tuy nhiên, khó khăn là ngân sách xã không có để đầu tư. Vì vậy, xã đã tổ chức họp dân và HĐND xã thông qua mức huy động đóng góp mỗi hộ 30.000 đồng/năm, được gần 7 triệu đồng; đồng thời, xã trích ngân sách hỗ trợ. Nhờ vậy, từ năm 2004, Diễn Thọ đã được xây bãi rác với diện tích 2.000m2, tổng kinh phí đầu tư hơn 11 triệu đồng. Lúc đầu, UBND xã đứng ra thu phí rác thải và lập tổ thu gom, nhưng được một thời gian, phương án này nảy sinh bất cập. Vì tổ thu gom trực thuộc UBND xã nên không phát huy được vai trò tự quản của các xóm.

Thậm chí, do tâm lý cục bộ, “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, có khi người xóm này vứt rác sang xóm kia, dẫn đến phát sinh mâu thuần giữa các khu dân cư. Chính vì vậy, xã đã giao cho các xóm thu phí, trả công thuê người thu gom đưa rác về bãi rác tập trung, xã chỉ đôn đốc giám sát. Các xóm chỉ phải trích nộp 10% kinh phí môi trường lên xã để trả công cho người phân loại, xử lý và vật tư (xăng dầu, dung dịch để xử lý môi trường) tại bãi rác tập trung. Lượng rác thải trên địa bàn xã gần 200m3/tháng, nhưng do được chủ động phân loại và xử lý, nên số lượng được hạn chế. Là người đề xuất và đưa ra kế hoạch xây bãi rác tập trung, ông Đặng Quang Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Thọ cho biết: “Trước khi đưa ra lịch thu gom rác 10 ngày/lần như hiện nay, xã đã tính toán, nếu mỗi tuần lấy rác 2 - 3 lần, người dân sẽ phải nộp phí cao hơn mức hiện tại là 40.000 đồng/hộ/năm. Do đó, người dân phải có ý thức trong việc xả rác và cần phân loại rác tại gốc nhằm hạn chế lượng rác thải”. Đi trên đường làng sạch sẽ, ông Đoàn Văn Bé, Xóm trưởng xóm 2, xã Diễn Thọ phấn khởi: “Từ ngày có bãi rác tập trung và ngày giờ thu gom rác, đường làng ngõ xóm sạch hẳn. Từng đoạn đường đều giao cho các đoàn thể xóm phụ trách, theo dõi, nên xóm cũng không phải nhắc nhở nhiều. Việc thu phí vệ sinh môi trường cũng đơn giản hơn, chỉ cần xóm thông báo là người dân đều chấp hành đầy đủ”.

Các xã vùng biển như: Diễn Bích, Diễn Kim, Diễn Ngọc… cũng có bước chuyển lớn về công tác xử lý rác thải và đảm bảo vệ sinh môi trường. Điển hình là xã Diễn Bích, trước năm 2012, là địa điểm bức xúc nhất về rác thải, từ dọc đường xóm cho đến đầu cầu Diễn Kim, bờ đê… rác túi lớn, túi nhỏ vứt ngổn ngang, thậm chí có cả xác súc vật, gây ô nhiễm môi trường. Tình trạng trên buộc cấp ủy, chính quyền xã phải vào cuộc. Trên cơ sở yêu cầu, chỉ đạo của huyện, xã Diễn Bích đã đăng ký xây dựng mô hình “dân vận khéo” về vệ sinh môi trường với huyện để tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức, bỏ thói quen vứt rác bừa bãi; đồng thời, tìm biện pháp quy hoạch chợ tạm, chợ cóc và đầu tư bãi rác tập trung trên địa bàn xã. Đến nay, sau gần 3 năm triển khai, Diễn Bích đã hoàn thành khu chợ khá khang trang, đưa các hộ từ chợ tạm dọc đường liên xã vào họp, góp phần đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Về bãi rác, sau 3 năm chuẩn bị và huy động (từ 2011 đến 2014), mức thu 40.000 đồng/lao động/năm, Diễn Bích xây dựng được công trình bãi rác thải tập trung hợp quy hoạch, với diện tích trên 4.000m2, trị giá 670 triệu đồng. Ông Nguyễn Viết Mãn - Bí thư Đảng ủy xã Diễn Bích phấn khởi: “Từ tháng 6/2014, khi bãi rác tập trung đi vào hoạt động, 8/8 xóm đã thành lập tổ thu gom, mỗi tuần lấy rác 2 lần vào thứ Ba và thứ Bảy. Hiện nay, xã đã giao cho xóm thu lệ phí rác thải từ 15.000 - 20.000 đồng/hộ/năm, xã chỉ thu 10% để chi phí tại bãi rác tập trung, toàn bộ để lại xóm làm chi phí thu gom. Hiện nay, lượng rác thải hàng ngày rất lớn, mỗi ngày gần 2 tấn, nên xã đang phải tiếp tục xem xét phương án để bãi rác sử dụng được hiệu quả”. Không chỉ đầu tư bãi rác thải tập trung, được sự hỗ trợ của các hội đoàn thể, người dân các xã Diễn Bích, Diễn Ngọc, Diễn Kim… đã mạnh dạn vay vốn làm các công trình phụ hợp vệ sinh. Đến nay, đã có trên 60 - 70% số hộ dân các xã biển trên đều có công trình phụ hợp vệ sinh. Nhờ thế, chất lượng vệ sinh môi trường trong khu dân cư đã được cải thiện đáng kể, tuyến đê biển xã Diễn Bích và Diễn Kim từng là điểm nóng về rác thải, thì nay đã trở thành đường đi bộ mát mẻ, sạch sẽ.

Sau 3 năm triển khai Đề án kèm theo Quyết định số 16 “Nhân rộng mô hình thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải vệ sinh môi trường trên địa bàn”, 32/39 xã trên toàn huyện Diễn Châu đã có bãi rác thác tập trung và hình thành các tổ thu gom rác vận hành tương đối tốt. Còn 7 xã chưa có bãi rác là Diễn Nguyên, Diễn Phúc, Diễn Xuân, Diễn Trường, Diễn Tân, Diễn Lợi, Diễn Kỷ là do chưa quy hoạch được quỹ đất và bố trí được kinh phí hoặc đang trong quá trình xây dựng… Ông Ngô Đình Tưu - Phó phòng Tài Nguyên - Môi trường huyện Diễn Châu cho biết: Từ khi có Đề án 16, mặc dù huyện có khó khăn về ngân sách, nhưng để động viên, khuyến khích các địa phương, xã nào xây dựng được bãi rác trên 500m2 đảm bảo quy chuẩn, ngoài hỗ trợ giao đất, huyện hỗ trợ thêm 50 triệu đồng; hàng năm, hỗ trợ thêm về thùng rác, xe đẩy… nên các xã đã tích cực hơn. Đến nay, tình hình môi trường và xử lý rác thải trên địa bàn đã được cải thiện cơ bản.

Tuy vậy, từ tìm hiểu thực tiễn xây dựng và vận hành các bãi rác tập trung của các xã, chúng tôi nhận thấy, cùng với việc xây dựng hạ tầng, các xã cần hướng dẫn phương án tập kết rác sao cho khoa học, tiến tới có biện pháp phân loại để xử lý tại chỗ, vừa giảm thiểu ô nhiễm và nâng được công suất chứa của bãi rác. Thực tế cho thấy, bên cạnh các xã Diễn Thọ, Diễn Kim… sau khi rác về bãi tập trung và chủ động phân loại, xử lý, thì vẫn còn một số xã, xe chở rác vào bãi đổ bừa bãi, không theo quy hoạch, khu vực mà phó mặc cho tổ thu gom… Số lượng thu gom rác thải bình quân toàn huyện đạt 63%, cao hơn cùng kỳ 8%, nhưng vẫn còn lượng rác nữa chưa được thu gom, bởi vậy Diễn Châu cần quyết liệt hơn trong công tác này. Diễn Châu cũng chưa xây dựng được bãi rác tập trung của huyện, và chưa có giải pháp xử lý rác tiên tiến, khoa học. Mô hình “dân vận khéo” trong xử lý môi trường ở Diễn Châu cần được khuyến khích và làm tốt hơn.

Nguyễn Hải

Mới nhất

x
Xử lý rác thải nông thôn ở Diễn Châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO