Xử lý tồn tại trong khai thác khoáng sản qua các kỳ họp HĐND chậm

14/07/2014 17:50

(Baonghean.vn) - Chiều 14/7, tiếp tục kỳ họp lần thứ 11, khóa XVI, các đại biểu HĐND tỉnh làm việc và thảo luận tại các tổ.

Toàn cảnh thảo luận tổ 1
Toàn cảnh thảo luận tổ 1

Tại tổ 1 – tổ đại biểu đại diện cử tri miền núi gồm các huyện: Kỳ Sơn, Quỳ Châu và Quế Phong, các đại biểu HĐND tỉnh đã cùng thảo luận, bàn bạc về các vấn đề liên quan trực tiếp đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống đồng bào khu vực miền núi phía Tây Nghệ An.

các đại biểu HĐND tổ 1
các đại biểu HĐND tổ 1

Mở đầu buổi thảo luận, bà Cụt Thị Nguyệt – đại biểu huyện Kỳ Sơn đề nghị Sở Nội vụ, Sở GD-ĐT cần quan tâm sớm giao chỉ tiêu biên chế cho Trường dân tộc nội trú huyện Kỳ Sơn để chuẩn bị cho năm học mới. Theo bà Nguyệt, đến thời điểm này khi năm học mới chỉ còn hơn 1 tháng nữa nhưng trường vẫn chưa ổn định biên chế. Nếu tình hình tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến công tác giáo dục địa phương. Bên cạnh đó, hiện nay địa bàn Kỳ Sơn có 17 trường học bán trú. Tuy vậy, do đặc thù của địa bàn, địa hình học sinh bán trú ở Kỳ Sơn học tập và sinh hoạt như một nội trú. Các trường đều phải tổ chức bếp ăn tập thể và thuê người phục vụ, nấu nướng.

Để duy trì hoạt động này lâu nay huyện phải bỏ kinh phí thuê người. Về lâu dài sẽ không ổn vì Kỳ Sơn là huyện miền núi nghèo, nguồn thu hạn chế không đủ khả năng nếu tình trạng nói trên kéo dài. Cũng tại buổi thảo luận, bà Cụt Thị Nguyệt cũng đề cập đến vấn đề cử tri thị trấn Mường Xén phản ánh. Đó là giá nước sinh hoạt tăng quá cao so với đời sống của bà con. Trong khi đó công trình nước sinh hoạt ở địa bàn Mường Xén (Kỳ Sơn) được đầu tư nguồn vốn của nước ngoài và đây là hệ thống nước tự chảy chứ không giống như khu vực đồng bằng đô thị. Chính vì vậy, việc tăng giá nước từ 2000 đồng/m3 lên trên 5.700m3 như hiện nay là không phù hợp, tác động xấu đến đời sống của người dân.

Ông Lang Văn Chiến - Đại biểu HĐND khu vực bầu cử huyện Quỳ Châu - Tổ trưởng tổ 1 phát biểu tại thảo luận
Ông Lang Văn Chiến - Đại biểu HĐND khu vực bầu cử huyện Quỳ Châu - Tổ trưởng tổ 1 phát biểu tại thảo luận
Ông Lữ Đình Thi - Đại biểu huyện Quế Phong phát biểu
Ông Lữ Đình Thi - Đại biểu huyện Quế Phong phát biểu

Tham gia thảo luận tổ, ông Lữ Đình Thi – đại biểu thuộc khu vực bầu cử huyện Quế Phong cho rằng, đối với địa bàn miền núi nhiều mô hình kinh tế đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tỉnh đã có nhiều cơ chế hỗ trợ giống, cây, con để các địa phương mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế. Đối với huyện Quế Phong đề án trồng cây chanh leo đã góp phần thay đổi đời sống kinh tế cho bà con. Tuy nhiên UBND tỉnh và ngành nông nghiệp nên có cớ chế ưu đãi đối với các hộ trồng chanh leo. Bởi lẽ, để triển khai mô hình trồng chanh leo, các hộ phải đầu tư hệ thống giàn cột bê tông, lưới. 1 ha chanh leo phải đầu tư trên 200 triệu đồng. Vì vậy, mô hình trồng chanh leo không thể cùng một mức hỗ trợ như cam, quýt.

Cũng trên địa bàn huyện Quế Phong, theo phản ánh của đại biểu Lữ Đình Thi, lâu nay tình trạng xe quá khổ, quá tải đã và đang gây ra nhiều bức xúc cho bà con cử tri. Trong khi đó, chính quyền địa phương không đủ thẩm quyền để kiểm tra các doanh nghiệp, công ty khai thác vận chuyển vận chuyển khoáng sản. Thực tế cho thấy, hệ thống giao thông ở Quế Phong và các huyện lân cận đã bị xuống cấp. Tình trạng sẽ trở nên nghiêm trọng nếu các ngành chức năng không có giải pháp khắc phục. Cũng liên quan đến vấn đề khai thác quặng, khoáng sản, đại biểu Lữ Đình Thi đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát. Nhiều công ty, doanh nghiệp đã hết thời hạn giấy phép khai thác nhưng không có đơn vị nào thực hiện việc hoàn thổ trả lại mặt bằng, hiện trạng cho địa phương.

Về vấn đề này ông Lô Xuân Vinh - đại biểu huyện Quế Phong cho rằng, mức độ xử lý tồn tại trong hoạt động khai thác khoáng sản qua các kỳ họp HĐND còn chậm. Hầu như kỳ họp nào cũng đề cập đến nội dung này. Thực tế cho thấy nhiều công ty, doanh nghiệp giấy phép đã hết hạn khai thác nhưng vẫn hoạt động trá hình. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành giải quyết dứt điểm.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lâm - Giám đốc CA tỉnh Nghệ An phát biểu
Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lâm - Giám đốc CA tỉnh Nghệ An phát biểu

Đối với vấn đề tái định cư cho các hộ dân thuộc các công trình xây dựng, đặc biệt là đối với công trình thủy điện, ông Phan Đức Đồng – Đại biểu HĐND khu vực huyện Quỳ Châu cho biết: Công trình thủy điện bản Mồng có diện tích 2876 ha, có trên 1.100 hộ dân nằm trong diện phải di dời. Vấn đề cử tri và chính quyền địa phương lo lắng là công tác tái định cư. Theo đó, ông Phan Đức Đồng đề nghị HĐND, UBND tỉnh làm việc với BQL dự án kiểm tra, khảo sát để thực hiện tái định cư tại chỗ, phù hợp với phong tục, tập quán, sinh hoạt của người dân.

Đồng tình với quan điểm này, một số đại biểu cho rằng: Nhiều huyện miền núi lâu nay đã và đang vướng mắc trong công tác tái định cư. Như trường hợp Công trình thủy điện bản Vẽ, nguồn điện đã hòa mạng nhưng việc định cư cho các hộ dân vẫn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp. Chính vì vậy, các địa phương có công trình thủy điện nếu có quỹ đất nên đề xuất đơn vị chủ đầu tư thực hiện tái định cư tại chỗ. Vì qua thực tế cho thấy việc di chuyển vừa không phù hợp với tập quán, sinh hoạt của các hộ tái định cư vừa gây khó khăn cho các địa phương tiếp nhận.

Ông Lô Xuân Vinh - Đại biểu huyện Quế Phong phát biểu
Ông Lô Xuân Vinh - Đại biểu huyện Quế Phong phát biểu

Một vấn đề dành được sự quan tâm thảo luận của các địa phương miền núi, đó là việc bố trí công việc trong các ngành cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Lô Xuân Vinh – Phó ban Dân tộc tỉnh, Đại biểu huyện Quế Phong cho rằng, công tác bố trí con em miền núi trong các cơ quan, đơn vị địa bàn đang đi theo hình chóp. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì đến một thời điểm nào đó nó thắt lại không còn phát triển nữa. Vấn đề ở đây không phải là cục bộ địa phương, nhưng cũng cần có ưu tiên cho cán bộ dân tộc thiểu số vì những đặc thù của địa bàn. Nhiều đại biểu cũng đồng tình và đề nghị HĐND tỉnh cần có nghị quyết riêng về vấn đề này.

Đào Tuấn-Đức Anh

Xử lý tồn tại trong khai thác khoáng sản qua các kỳ họp HĐND chậm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO