Xuân về trên bản Cỏ Noong

14/02/2015 13:06

(Baonghean) - Từ thành phố Vinh, chúng tôi vượt gần 200 cây số đến với bản Cỏ Noong, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong. 9h sáng, bản làng vẫn chìm trong những đám mây bồng bềnh trên đỉnh đồi xanh hun hút. Nhưng một ngày mới của dân làng thì đã bừng tỉnh từ lâu, bước chân chúng tôi rộn ràng men theo nhịp xe cửi, dệt vải của các bà, các chị, âm thanh kẽo kẹt mỗi lúc nghe càng rõ và gần hơn…

(Baonghean) - Từ thành phố Vinh, chúng tôi vượt gần 200 cây số đến với bản Cỏ Noong, xã Mường Nọc, huyện Quế Phong. 9h sáng, bản làng vẫn chìm trong những đám mây bồng bềnh trên đỉnh đồi xanh hun hút. Nhưng một ngày mới của dân làng thì đã bừng tỉnh từ lâu, bước chân chúng tôi rộn ràng men theo nhịp xe cửi, dệt vải của các bà, các chị, âm thanh kẽo kẹt mỗi lúc nghe càng rõ và gần hơn…

Đón chúng tôi, ông Lô Văn Hà - Trưởng bản Cỏ Noong nắm tay thân tình: “Phấn khởi lắm, bản Cỏ Noong vừa được UBND tỉnh ký quyết định công nhận làng nghề dệt truyền thống, vì thế mà xuân này bà con vui mừng lắm, càng yêu thêm cái nghề gắn bó với bà con dân bản bao nhiêu năm nay”. Người dân ở bản Cỏ Noong chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, nghề chính là sản xuất nông nghiệp với hoạt động trồng lúa nước, trồng rừng và chăn nuôi.

Cũng như người Thái ở các địa phương khác, bà con bản Cỏ Noong cũng đã biết dệt vải thêu thùa từ lâu. Cụ bà Lô Thị Nhân (75 tuổi) khoe với chúng tôi tấm vải vừa dệt xong: “Để có được tấm vải như thế này thì kỳ công lắm. Bây giờ nguyên liệu để dệt có thể mua ở chợ chứ ngày xưa bà con trong bản phải trồng bông, sau khi thu hoạch, qua nhiều công đoạn mới có được con bông để kéo sợi. Kéo sợi phải thật đều, thật khéo thì sợi chỉ mới mịn và đẹp được. Cũng chẳng biết cái nghề này có từ lúc nào, cái thời ngày xưa đói ăn đói mặc, người Thái tự tìm lấy cách mà sinh tồn. Rồi khi Đảng và Bác Hồ cho con chữ, đời sống ấm no hơn. Phong tục người Thái luôn phải có những tấm vải tự thêu dệt để làm vật sính lễ trong ngày cưới. Con gái cứ tầm 6 - 7 tuổi là các bà các mẹ đã truyền dạy cho cách se chỉ, quay sợi rồi, đến tầm 10 tuổi đã biết dệt thành thạo. Lúc đó, cứ thời gian rảnh là chị em vào dệt, có những hôm bận ngày mùa thì đêm về chong đèn lên để dệt cho đến tận đêm khuya”.

Chị Lương Thị Hồng (bản Cỏ Noong, Mường Nọc, Quế Phong) miệt mài  bên khung cửi.
Chị Lương Thị Hồng (bản Cỏ Noong, Mường Nọc, Quế Phong) miệt mài bên khung cửi.

Vải thổ cẩm của người Thái có nhiều màu sắc rực rỡ, những hoa văn được trang trí sinh động với nhiều chi tiết hoa lá, chim muông, mang nét gần gũi, thân thuộc của núi rừng. Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của thiên nhiên và hoạt động sinh hoạt thường ngày, người Thái mô phỏng các hình ảnh đó lên những tấm vải dùng làm váy, chăn đệm, khăn piêu… phục vụ cuộc sống sinh hoạt của bà con dân bản. Không có bất kỳ một khuôn mẫu nào cho những họa tiết trang trí trên tấm vải, tất cả đều nhờ vào bàn tay khéo léo và sự sáng tạo của mỗi người phụ nữ.

Người Thái quan niệm tấm vải có đường dệt đều tay, màu sắc hài hòa là tiêu chí để đánh giá người con gái dịu dàng, nết na. Bởi vậy mà mỗi cô gái đều dồn mọi tâm tư, tình cảm và tâm huyết lên tấm vải mà mình thêu dệt. Nếu để ý kỹ có thể thấy những họa tiết trang trí có sự khác nhau giữa các cô gái trẻ và những người lớn tuổi. Các cô gái thường thêu những đường nét hoa văn uốn lượn, màu sắc tươi tắn, cảnh thiên nhiên đầy mơ mộng, hữu tình, tràn trề nhựa sống, còn các bà các mẹ thường ưa gam màu trầm với đường thêu chắc chắn, đối xứng nhau, gợi nên chút gì đó ưu tư và những chiêm nghiệm về triết lý sự đời. Song tất cả những đường thêu dệt đó đều ẩn chứa mong ước ngàn đời của người Thái về vạn vật sinh sôi, cuộc sống no ấm, yên bình, hòa hợp trường tồn cùng thiên nhiên đất trời giữa đại ngàn sâu thẳm.

Về bản Cỏ Noong, dân bản vẫn thường nhắc đến câu nói quen thuộc của người Thái “Nhinh dệt phại, chai xan he”, nghĩa là “gái dệt vải, trai đan chài”. Dường như nghề dệt đã ăn sâu vào máu thịt của người Thái, trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, bà con vẫn giữ lưu giữ bản sắc đó, tạo nên nét độc đáo trong bức tranh văn hóa chung của người Việt. Không chỉ mang nét đẹp văn hóa truyền thống, nghề dệt thổ cẩm ngày nay còn là một hình thức sản xuất giúp bà con dân bản cải thiện kinh tế. Khách thập phương, đặc biệt là du khách nước ngoài vẫn thường trầm trồ khen ngợi những đường thêu dệt bằng tay khéo léo, tài hoa trên chiếc khăn piêu hay chiếc váy, chiếc túi vải thổ cẩm của người Thái. Bởi vậy, giờ đây, người dân bản Cỏ Noong không chỉ dệt vải để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt trong cuộc sống hằng ngày mà còn đem bán cho nhiều nơi khác. Đôi bàn tay khéo léo hay lam hay làm của người con gái Thái đang dệt nên những tấm thổ cẩm được chuyển đi khắp cả nước.

Gặp chúng tôi khi vừa đi giao hàng về, chị Sầm Thị Nguyệt vui vẻ nói: “Chị thường xuống hợp tác xã Hòa Tiến (Quỳ Châu) để lấy nguyên liệu về dệt vải, xong thành phẩm thì mang xuống đó họ tiêu thụ và đưa đi xuất khẩu. Bà con bây giờ dệt vải lấy tiền công, không phải lo nhiều về tiền mua nguyên liệu và nơi bán”. Theo chị Nguyệt, nếu không bận mùa màng thì bình thường chỉ khoảng 1 tuần là chị đã dệt xong 10 sải vải thô, công đoạn thêu họa tiết thì mất nhiều thời gian hơn, đòi hỏi sự nhanh nhẹn, khéo léo và sáng tạo của người làm.

Cuối tháng 12/2014, bản Cỏ Noong được UBND tỉnh ký Quyết định công nhận làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống, bà con dân bản vui mừng khôn xiết, hy vọng về một nền văn hóa được bảo lưu đến tận muôn đời sau. Anh Lô Minh Tùng, cán bộ văn hóa xã Mường Nọc chia sẻ: “Bản Cỏ Noong được công nhận làng nghề truyền thống là niềm vinh dự lớn cho chính quyền địa phương và bà con dân bản. Điều này giúp cho sản phẩm của bà con làm ra khẳng định thương hiệu, giúp việc tiêu thụ dễ dàng hơn. Quan trọng hơn nữa là giá trị văn hóa được bảo lưu và giữ gìn”. Trong nền kinh tế hàng hóa hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm dệt may thủ công với các kiểu dáng, mẫu mã bắt mắt, tiện dụng thì việc lưu giữ những giá trị truyền thống như nghề dệt thổ cẩm mang lại nhiều ý nghĩa. Vào lúc bà con nông nhàn, việc đồng áng xong xuôi, các lớp học được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tổ chức, mời những nghệ nhân dệt vải truyền dạy kinh nghiệm cho chị em phụ nữ trong bản. Nét đẹp văn hóa cứ thế được lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Chúng tôi tạm biệt Cỏ Noong khi mặt trời đã sáng bừng trên đỉnh núi, hoa đào, hoa mơ khoe sắc cả 1 góc trời. Những ngày Tết đã cận kề, các cô gái Thái xúng xính trong những tấm váy áo thổ cẩm sặc sỡ sắc màu, đung đưa theo tiếng khèn, tiếng sáo dập dìu của trai bản.

“Em xe sợi thành vóc hoa dâu

Em dệt cửi thành gấm vân chéo

Em dệt tơ thành đóa hoa vàng

Người các bản, các phường muốn khóc

Đều ước ao được em thêu khăn….”

Phương Thảo

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Xuân về trên bản Cỏ Noong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO