Xuân về trên đỉnh Huồi Mới

24/01/2014 14:42

(Baonghean) - Một ngày áp Tết Nguyên đán, theo chân các đoàn viên Chi đoàn UBND huyện Quế Phong, chúng tôi đặt chân đến bản Huồi Mới 1, xã Tri Lễ (Quế Phong) và được chứng kiến niềm vui của đồng bào Mông vùng biên viễn. Đất trời vào Xuân, lòng người phơi phới, tất cả như hòa chung một nhịp đập thiêng liêng...

Khoác tặng áo ấm cho trẻ em Huồi Mới 1
Khoác tặng áo ấm cho trẻ em Huồi Mới 1

Cuối năm, công việc đã bộn bề, phố phường đã chộn rộn nhưng khi một người bạn thông báo Chi đoàn UBND huyện Quế Phong tổ chức vào bản Huồi Mới 1 tặng quà, chúng tôi vội soạn sửa hành trang ngược rừng lên vùng “đất Quế”. Thị trấn Kim Sơn nhộn nhịp hơn ngày thường. Chợ vùng cao Tri Lễ đã bày bán những cành đào hé nụ, nhiều cành đã đơm hoa. Cùng với đó là đặc sản gà đen, lợn đen, khoai sọ được bà con gùi ra bán ngày một nhiều. Bù Chồng Cha thời điểm này sương không còn dày đặc, nắng tươi đã bắt đầu sưởi ấm núi rừng để cây cối đâm chồi nảy lộc và trổ hoa. Đi qua các bản Tà Pàn, Minh Châu, bản Cắm, bản Đôn, thấy đồng bào Thái, Mông và Khơ mú đang tất bật cho việc chuẩn bị đón Tết. Bà con đang dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh thôn bản để đón một cái Tết thật sự vui tươi.

Chi đoàn UBND huyện Quế Phong đã quyên góp và vận động các nhà hảo tâm ủng hộ được 20 triệu đồng. Số tiền này được dùng để mua áo ấm, dép, bánh kẹo cho các em học sinh và một ít đồ quần áo cho người lớn. Đường vào Huồi Mới 1 còn lắm khó khăn, trắc trở nên số quà này được gần 30 đoàn viên vận chuyển bằng xe máy. Đoạn đường từ bản Đôn đến Huồi Mới 1 khoảng 5km nhưng không thể kể hết những gian nan, vất vả. Vốn trước đây là một lối mòn dùng để đi bộ mới được bà con san, đào đủ để đi một chiếc xe máy. Nếu gặp xe máy chạy ngược chiều thì một trong hai xe phải dừng lại và nép sát mép để nhường đường cho xe kia chạy qua rồi mới tiếp tục hành trình.

Đoàn xe chở quà tết men theo con đường nhỏ uốn quanh sườn núi, một bên là núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm. Ngồi sau, chúng tôi nhiều phen “thót” tim vì chiếc xe chồm lên như muốn hất tung người xuống đất. Lỳ Bá Chà - cán bộ Mặt trận xã Tri Lễ được xem là “thổ công” nên nhận nhiệm vụ dẫn đường và chở nhà báo. Nhà Chà trước đây cũng ở Huồi Mới 1, sau đó chuyển xuông khu tái định cư Minh Châu. Vì thế, với anh đường về Huồi Mới 1 là đường về nhà, mọi con dốc, khúc cua, ngọn suối Chà đều thông thuộc. Với kinh nghiệm đường rừng, Chà yêu cầu mỗi thành viên trong đoàn phải luôn giữ đúng khoảng cách 30-50m, đề phòng mỗi lúc lên dốc đi sát sẽ dễ đụng nhau hoặc làm mất đà, xe sẽ rất khó chạy tiếp. Lỳ Bá Chà chia sẻ: “Thời điểm này đang là mùa khô nên việc đi lại con dễ. Chứ sang mùa mưa rồi thì đường trơn và lầy lắm, có khi cái xe nó không chịu nghe lời ta đâu”.

Sau hơn 1 giờ đồng hồ đánh vật cùng “ngựa sắt” trên đoạn đường đèo dốc hiểm trở, chúng tôi lên được đỉnh một ngọn núi cao. Từ đây nhìn xuống, thấy trung tâm xã Tri Lễ như một bức họa nhiều màu sắc, trong đó màu xanh của núi rừng, của bản làng là gam màu chủ đạo. Những thửa ruộng bậc thang no nước, đang chờ ngày bà con nông dân gieo cấy. Đi tiếp chừng 10 phút, bản Huồi Mới 1 hiện ra với mái ngói sa mu cổ kính ẩn hiện thấp thoáng trong làn sương núi. Những vườn đào đã bắt đầu thi nhau khoe sắc, những giò phong lan cũng đã hé những chùm hoa. Bà con Huồi Mới 1 ra đón đoàn từ đầu bản cùng nụ cười vui tươi, phấn khởi, những cái nắm tay thật chặt thể hiện sự gần gũi, thân tình.

Tranh thủ lúc mọi người đi ngắm hoa đào, hoa lan, chúng tôi trò chuyện cùng Bí thư chi bộ Và Gà Vừ. Được biết, Huồi Mới 1 có tổng số 64 hộ với gần 400 nhân khẩu. Bản nằm cách đường biên 3 km, cách bản của Lào chỉ 5km. Bao đời nay, đồng bào Mông ở Huồi Mới 1 gắn bó với núi rừng và nương rẫy. Nói cách khác, núi rừng đã nuôi sống người dân Huồi Mới 1. Gần đây, bà con đã tích cực khai hoang được 33 ha ruộng nước, góp phần tăng thêm nguồn lương thực, cái đói đang dần được đẩy lùi. Nhờ đó, bà con đã yên tâm sinh sống, không còn tình trạng di dịch cư tự do.

Đồng bào Mông ở Huồi Mới 1 vẫn còn lưu giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống. Điều này thể hiện trước tiên qua kiến trúc nhà ở. 100% nhà cửa, kể cả trường tiểu học, mầm non và trạm biên phòng ở đây đều được lợp và thưng bằng ván sa mu. Và hàng rào ngăn cách từng nhà cũng không có thứ gì khác hơn ván gỗ sa mu. Đây cũng là điều dễ hiểu, vì cây sa mu ở núi rừng biên giới khá sẵn. Hơn nữa, đường vào Huồi Mới 1 lắm gian nan, gập ghềnh nên không thể vận chuyển các loại nguyên vật liệu khác vào tận bản. Cùng với mái ngói sa mu, đồng bào Mông ở đây còn giữ được tiếng khèn dìu dặt, giữ được làn điệu cự xia, lù tẩu và điệu xòe Mông. Tất cả các thành viên của bản đều có trang phục cổ truyền để mặc vào các dịp lễ tết.

Trai gái bản Huồi Mới 1 hát mừng mùa Xuân
Trai gái bản Huồi Mới 1 hát mừng mùa Xuân

Để đón Xuân Giáp Ngọ, hầu hết các gia đình đã chuẩn bị đầy đủ các thứ cần thiết. Từ nếp, lá dong để gói bánh đến gà, lợn và quần áo mới cho lũ trẻ. Ít ngày nữa, bản sẽ tổ chức hội thi làm bánh giày, thi ném pao và chọi bò. Bí thư Và Gà Vừ nói thêm, cũng như đồng bào Mông khắp cả nước, trước đây người Mông ở Huồi Mới 1 ăn tết vào độ tháng 12 dương lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong, khi thóc lúa đã nằm trong bồ. Thời gian gần đây, nghe theo lời vận động của Đảng và Nhà nước, bà con Huồi Mới 1 đã ăn Tết Nguyên đán cùng với cả nước. Điều này thể hiện tinh thần đoàn kết và thống nhất.

Trong ánh nắng chan hòa, ấm áp, buổi lễ phát quà tết cho học sinh và người dân Huồi Mới 1 đã bắt đầu. Trước tiên, đoàn phát áo ấm cho các em học sinh mầm non, rồi thứ tự từ lớp 1 đến lớp 9. Các bạn trẻ thường ngày tiếp xúc với máy tính và xử lý các loại văn bản, nay họ hồ hởi vượt chặng đường 40 km đầy gian nan, vất vả để được trực tiếp chọn và khoác cho các em nhỏ người Mông chiếc áo vừa nhất. Ánh mắt họ ánh lên niềm vui, sự chia sẻ. Anh Lưu Văn Hùng - Phó Bí thư Chi đoàn cho biết: “Quế Phong là một huyện nghèo, đặc biệt là các bản làng nằm dọc biên giới. Địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu lại khắc nghiệt nên cuộc sống của đồng bào, nhất là các em nhỏ luôn phải chịu thiệt thòi. Vì vậy, Chi đoàn chúng tôi đã thống nhất phát động anh em đoàn viên và vận động các nhà hảo tâm ủng hộ để bà con có một cái tết ấm hơn và vui hơn”.

Còn đoàn viên Nguyễn Thương Thương chia sẻ: “Lên đây, nhìn thấy các em nhỏ vô tư, hồn nhiên, chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa ở vùng trung tâm, mình thật sự xúc động. Từ đó, muốn làm những việc thật sự có ý nghĩa để đem lại niềm vui cho các em”. Và trong ánh mắt trẻ thơ khi được khoác vào chiếc áo ấm xinh xinh, chúng tôi đọc được cả niềm vui, háo hức và cả sự biết ơn. Đúng như lời phát biểu của Bí thư chi bộ Và Gà Vừ: “Xin cảm ơn tấm lòng của các anh chị trong Chi đoàn, các anh chị đã đem niềm vui, sự ấm áp đến với bản làng. Bà con chúng tôi rất vui mừng, có cảm giác như mùa Xuân ở Huồi Mới 1 đến sớm hơn...”.

Giữa trưa, sương mây tan hết để nhường chỗ cho ánh nắng ngập tràn. Nam nữ thanh niên Huồi Mới 1 bắt đầu cất lên lời ca, tiếng hát và điệu xòe mê đắm. Họ khoác trên mình bộ trang phục truyền thống sặc sỡ với nhiều hoa văn, họa tiết thể hiện sự khéo léo của những bàn tay những người đã dệt nên. Lời hát của những thiếu nữ Mông tha thiết, vang ngân và lôi cuốn. Tiếng khèn của các chàng trai lúc vang xa, lúc dìu dặt tựa như tiếng chim rừng gọi bạn. Đứng giữa bản làng với những ngôi nhà sa mu cổ kính, giữa vườn đào đang khoe sắc, giữa tiếng hát dặt dìu và bên những thiếu nữ Mông tràn đầy sức sống, chúng tôi như lạc chân đến một bản Mông đúng vào ngày hội lớn. Đó là ngày hội Xuân, cả bản tưng bừng trong tiếng hát, với trò chơi ném pao thật duyên dáng và không thể thiếu được chén rượu ấm nồng. Tiếng hát đã gọi đàn chim rừng về cùng góp vui, gọi đàn bướm trắng về xòe cánh bên nụ đào chớm nở, gọi hơi ấm lan tỏa khắp bản làng. Ở đây, con người và thiên nhiên có mối giao hòa thắm thiết, lòng người và đất trời như cùng chung một nhịp điệu - đó chính là nhịp điệu mùa Xuân.

Trên đỉnh Huồi Mới, cơn gió tràn về đã đỡ phần buốt lạnh, con suối qua bản đã mát lành, hương rừng bắt đầu lan tỏa, nhạc rừng đã cất lên và lòng người đã ngập tràn, phơi phới niềm vui. Bỗng, một thiếu nữ cất lên lời bài hát “Xuân về trên bản Mông” thật hợp ý, hợp tình, hợp cảnh: “Kìa mùa Xuân sáng tươi đang về núi cao/ Ta cất lên tiếng ca lên ngàn hoa về ngợi ca vui nương ngàn/ Hoa đào nở cánh nhìn Xuân đang về a lê.../ Nhịp nhàng cánh thoi gió đưa lời ca/ Rì rào suối reo lúa ngàn xanh thắm/ Kìa trong nắng vàng tiếng kèn lá đưa/ Tiếng ngàn chim hót mùa Xuân tươi về/ Dập dìu cành hoa đón bao lời ca/ Đường rừng khắp nơi cánh dù phơi phới/ Kìa bao cánh xòe nô đùa với hoa/ Gió ngàn chim hót lời ca đi về/ A! Lại về mùa Xuân tươi sáng/ Ta hát ca pì nà a a ai dô a ai dô”. Tiếp đến là bài hát “Gặp nhau giữa rừng mơ”, “Em gái H’ Mông”... với giai điệu rộn ràng, vui tươi, phản chiếu niềm vui, sự háo hức của trai gái Mông khi mùa Xuân đến.

Mùa Xuân trên đỉnh Huồi Mới có nhịp điệu và sắc màu riêng khiến ai đặt chân đến đây cũng bồi hồi, say đắm. Đã đến lúc đoàn rời Huồi Mới 1 để trở về. Phía trước là chặng đường gian nan, nhưng không một ai tỏ ra ái ngại, vì họ đã góp phần mang hơi ấm mới đến với bà con vùng biên viễn.

Công Kiên

Mới nhất

x
Xuân về trên đỉnh Huồi Mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO