Xuất khẩu gỗ dăm đứng đầu về kim ngạch
(Baonghean) - Hàng năm, người dân khai thác khoảng 518.000 m3 gỗ nguyên liệu và chủ yếu phục vụ chế biến dăm gỗ. Cùng với đó, một số doanh nghiệp đã tổ chức trồng rừng, thu mua, chế biến khối lượng lớn gỗ dăm ở các tỉnh khác để xuất khẩu và dù nỗ lực để tăng sản lượng đáp ứng cho các đơn hàng xuất khẩu, nhưng chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu tiêu thụ gỗ dăm tại Trung Quốc.
Nghệ An chỉ có 2 doanh nghiệp trồng rừng, chế biến và xuất khẩu gỗ dăm (Công ty TNHH Thanh Thành Đạt và Công ty LD trồng & sản xuất nguyên liệu giấy), nhưng năm 2013 đã mang về kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh ta tới con số 105,8 triệu USD, chiếm tỷ lệ gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả tỉnh. Sản lượng gỗ dăm xuất khẩu ngày càng tăng đã tạo nên niềm tin cho người dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển nghề trồng rừng nguyên liệu.
Chế biến nguyên liệu gỗ dăm phục vụ xuất khẩu của Công ty Thanh Thành Đạt tại Thị xã Hoàng Mai. |
Đại diện Công ty TNHH Thanh Thành Đạt cho hay: “Để đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu thụ gỗ dăm xuất khẩu, ngoài liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, Công ty đã đầu tư 10 nhà máy chế biến gỗ dăm ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Thanh Hóa, cùng với đó mua đội tàu vận tải sông biển để vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất khẩu… Với sự tập trung đầu tư đồng bộ vào lĩnh vực này, doanh nghiệp hiện nay đã chủ động được sản xuất, kinh doanh và luôn đáp ứng được những hợp đồng xuất khẩu lớn”. Sự đầu tư phù hợp với thị trường đã từng bước nâng cao năng lực của doanh nghiệp trên thị trường xuất khẩu gỗ dăm, năm 2013, Công ty TNHH Thanh Thành Đạt xuất khẩu hàng hóa đạt giá trị hơn 96,8 triệu USD và là đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực xuất khẩu của khối doanh nghiệp địa phương. Hay tại Công ty LD trồng & sản xuất nguyên liệu giấy Nghệ An cũng là đơn vị có kinh nghiệm trong lĩnh vực trồng, chế biến và xuất khẩu gỗ dăm, năm 2013 đơn vị xuất khẩu gỗ dăm đạt gần 9,3 triệu USD.
Ông Nguyễn Danh Hải - Trưởng phòng KH-KD Công ty TNHH MTV Cảng Nghệ Tĩnh cho biết: “Phần lớn các sản phẩm gỗ dăm chế biến tại Nghệ An đều được các doanh nghiệp xuất khẩu qua Cảng Cửa Lò. Để phục vụ tốt cho các doanh nghiệp xuất hàng qua đây, Cảng Cửa Lò luôn tạo điều kiện thuận lợi về bến bãi, phương tiện, thiết bị… để bốc xếp hàng nhanh. Chính vì vậy, trong 3 tháng đầu năm 2014, Cảng Cửa Lò đã có hơn 75.000 tấn gỗ dăm thông qua cảng, trong đó doanh nghiệp Thanh Thành Đạt là 40.000 tấn và Công ty LD trồng & sản xuất nguyên liệu giấy là gần 35.000 tấn”. Do vận chuyển gỗ dăm cần những tàu có trọng tải lớn, nhưng hiện nay tại Cảng Cửa Lò luồng lạch ra vào cảng thường xuyên bị bồi lắng và chưa được nạo vét, nâng cấp kịp thời đã ảnh hưởng đến công tác vận chuyển hàng hóa, nhất là xuất khẩu gỗ dăm. Bởi còn khó khăn như vậy, nên có không ít doanh nghiệp ái ngại khi xuất khẩu hàng hóa qua Cảng Cửa Lò. Công ty Thanh Thành Đạt vẫn thường xuất hàng thông qua cảng của một số tỉnh lân cận (như Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Quảng Bình).
Từ đầu năm 2014 đến nay, xuất khẩu dăm gỗ vẫn rất khả quan và phần lớn mặt hàng này đều xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo thống kê của Sở Công Thương, trong quý I-2014, các doanh nghiệp trong tỉnh xuất khẩu gỗ dăm đạt gần 190.000 tấn, trong đó phần lớn là sản lượng của Công ty TNHH Thanh Thành Đạt xuất khẩu thông qua địa bàn Nghệ An và các tỉnh lân cận với giá trị hàng hóa đạt 17,4 triệu USD.
Ông Nguyễn Tiến Lâm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: “Do nhu cầu mua gỗ dăm để chế biến, sản xuất giấy của Trung Quốc là rất lớn và cùng với đó là tại Đài Loan, Hàn Quốc… cũng có nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này với số lượng lớn, nên thị trường xuất khẩu sản phẩm gỗ dăm tương đối ổn định. Tuy nhiên, một vấn đề hiện nay là các doanh nghiệp mới chỉ xuất khẩu gỗ dăm nguyên liệu, vì vậy trong thời gian tới cần đầu tư chiều sâu lắp đặt, mua sắm các thiết bị, công nghệ chế biến hiện đại để nâng cao giá trị của hàng hóa”. Trong những năm qua, mặc dù gỗ dăm là mặt hàng xuất khẩu đứng đầu ở Nghệ An, nhưng rõ ràng vẫn chưa được đánh giá cao về giá trị, bởi mới chỉ dừng lại ở xuất khẩu thô. Thị trường chủ yếu là Trung Quốc nên giá cả rất bấp bênh.
Hoàng Vĩnh