Xuất khẩu nông, thủy sản: Những tín hiệu vui

28/04/2014 22:52

(Baonghean) - Nghệ An với tiềm năng rộng lớn về đất đai, đã hình thành được nhiều vùng nguyên liệu phục vụ cho chế biến, trong đó có những vùng nguyên liệu phục vụ cho xuất khẩu. Từ tư duy làm nông nghiệp hàng hóa, Nghệ An đã vươn lên để tham gia vào mặt trận xuất khẩu nông sản với nhiều sản phẩm như lạc, chè, đường, cao su, thủy sản kim ngạch đạt trên 100 triệu USD/năm.

Thu mua cá phục vụ xuất khẩu tại cảng cá Lạch Quèn (Quỳnh Lưu).
Thu mua cá phục vụ xuất khẩu tại cảng cá Lạch Quèn (Quỳnh Lưu).

Nghệ An hiện có 20.540 ha lạc, hơn 23.300 ha mía, hơn 20.900 ha sắn, tổng diện tích cà phê 1.269 ha, diện tích dứa quả ha, 5.300 ha vừng. Thủy, hải sản cũng phong phú: Đánh bắt trên 66.000 tấn/năm, nuôi trồng trên 39.000 tấn/năm… Những vùng nguyên liệu đó tuy chưa phải là “vựa” nguyên liệu trọng điểm cho xuất khẩu như ở các tỉnh Tây Nguyên và miền Nam song cũng đã tạo ra nguồn hàng xuất khẩu khá phong phú cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Theo báo cáo của Sở NN và PTNT, năm 2013, sản lượng chế biến nông, lâm, thủy sản đạt khá: đường 100.000 tấn, chè búp khô 12.000 tấn, cà phê nhân khô 984 tấn, cao su mủ khô 6.256 tấn, gỗ xẻ các loại: 25.0003 tấn, chế biến đồ mộc 6000m3, chế biến thủy sản đạt 26.500 tấn, nước mắm quy loại 2 đạt 19 triệu lít, mắm các loại 6.500 tấn, bột cá 3.500 tấn, sản xuất thức ăn chăn nuôi đạt 10.000 tấn, phân bón NPK đạt 160.000 tấn.

Sản lượng phong phú đó đã góp phần tạo ra nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2013 đạt trên 100 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 21 triệu USD, chè khô các loại đạt 10, 6 triệu USD, cà phê nhân khô đạt 1,2 triệu USD, cao su mủ khô đạt 15,6 triệu USD, gỗ chế biến đạt 14 triệu USD và dăm bột giấy đạt 105,8 triệu USD. Quý I năm 2014, kim ngạch xuất khẩu một số sản phẩm tăng mạnh như chè búp khô tăng 44%, sản phẩm bằng gỗ tăng 2,75 lần.

Chè là một mặt hàng nông sản nội tỉnh nhiều năm qua được xuất khẩu khá tốt với 4 đơn vị tham gia xuất khẩu. Thị trường đang được xuất đi là Pakistan, Trung Quốc, Afganistan, Israel, Ba Lan, Nga, Iran, Anh. Công ty TNHH MTV ĐT và PT chè Nghệ An là một doanh nghiệp xuất khẩu chè hàng đầu trên địa bàn, hoạt động xuất khẩu ổn định trong nhiều năm qua, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 đạt 5,6 triệu USD. 4 tháng đầu năm 2014, công ty xuất khẩu được 1.250 tấn chè khô, đạt kim ngạch 1,7 triệu USD, tăng hơn 8% so với cùng kỳ. Công ty xuất khẩu trực tiếp sang Anh, Hà Lan, Ba Lan… trong đó Anh chiếm 70% sản lượng. Những năm qua, công ty này đã tích cực đầu tư thay thế các giống chè cũ bằng những giống chè mới như LDP1, LDP2, Hồng Đỉnh Bạch…, đồng thời xây dựng những vùng nguyên liệu chè sạch để đáp ứng yêu cầu của bạn hàng nhập khẩu.

Ông Hồ Viết An – Tổng Giám đốc công ty đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam cho biết: Chúng tôi vừa là nhà kinh doanh, doanh nghiệp, đồng thời là nhà dân vận, nhà khuyến nông đối với người sản xuất để có được những vùng chè nguyên liệu tốt. Kim ngạch xuất khẩu của chúng tôi xếp thứ 12 trên địa bàn tỉnh. Do thị trường châu Âu khủng hoảng, thị phần xuất khẩu chè của công ty sang châu Âu giảm sút, công ty phải chuyển hướng tăng dần xuất khẩu chè xanh thay cho chè đen trước đây. Trước sản lượng chè đen xuất khẩu đạt 70% nay chỉ còn 50%. Thời gian tới công ty sẽ đẩy mạnh sản xuất chè VietGAP, kiểm soát được quá trình thu hái, phòng trừ sâu bệnh, đồng thời có nguồn nguyên liệu để xuất khẩu chè xanh”. Để có nguồn hàng xuất khẩu đạt chất lượng, Công ty TNHH MTV ĐT và PT chè Nghệ An đã quản lý nghiêm ngặt khâu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo không có dư lượng thuốc trong sản phẩm chè xuất khẩu, hướng dẫn nông hộ thực hiện nghiêm các quy trình từ khâu đốn, sửa tán, chăm sóc thâm canh thu hái đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào.

Đối với mặt hàng thủy sản cũng đạt được những kết quả đáng mừng. Đây đồng thời là nhóm hàng có mức tăng trưởng cao nhất, đạt kim ngạch 21,4 triệu USD năm 2013 với 18.733 tấn. Mặt hàng chủ yếu là bột cá xuất đi Trung Quốc, cá trích xuất đi Lào. Trao đổi về vấn đề xuất nhập khẩu, ông Lê Thái – Giám đốc Công ty CP phân phối thủy sản Xuri miền Trung (Diễn Hùng - Diễn Châu) - đơn vị xuất khẩu hiện đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu thủy sản của tỉnh cho biết: Công ty TNHH chế biến phụ phẩm thủy sản XURI Việt Trung là một trong những doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản trên địa bàn Nghệ An. Công ty hiện có nhà máy công suất 200 tấn cá/ngày, bình quân doanh thu 1,4 tỷ đồng/ngày, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc. Hiện nay để Nhà máy chế biến bột cá ở Diễn Châu đi vào hoạt động, công ty đã nhận được sự hỗ trợ từ phía UBND huyện về các thủ tục hành chính. Công ty mong rằng khi ngành Điện cắt điện cần thông báo trực tiếp với khách hàng, bởi điện rất cần thiết cho chế biến bột cá, ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp.

Nhiều năm qua, để tạo được nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp là kết quả của sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của các doanh nghiệp. Ngành Nông nghiệp đã thực hiện có hiệu quả nhiều đề án, chính sách, thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư vùng nguyên liệu, xây dựng nhà máy, chế biến nguyên liệu. Về thủy sản, ngành đã có chính sách chuyển đổi nghề lộng ra nghề khơi, hỗ trợ đóng mới tài cá, đầu tư cho hạ tầng chế biến điện, giao thông… Trong quy hoạch, đã dành quỹ đất để phát triển các vùng nguyên liệu chuyên canh như sắn, mía, chè, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư vào chế biến xuất khẩu. Tỉnh cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho phát triển nông nghiệp, cây nguyên liệu để xây dựng được những vùng nguyên liệu chế biến khá bền vững.

Không chỉ có chè, sắn, thủy sản… những năm gần đây, tiềm năng từ rừng trồng được khai thác hiệu quả để xuất khẩu. Ngoài mặt hàng gỗ dăm đang đứng đầu kim ngạch với 105,8 triệu USD, tăng 64,7% so với năm 2012, xuất đi Trung Quốc mà mặt hàng nhựa thông cũng được khai thác từ các rừng thông để xuất khẩu đạt kim ngạch cao với 10,4 triệu USD và sản lượng 6.682 tấn. Nhựa thông được xuất đi các nước: Pakistan, Pháp, Thái Lan, Italia, Singapore, Iran, Malaysia…

Mặc dù đạt được những kết quả đáng phấn khởi như vậy, nhưng xuất khẩu nông sản cũng cho thấy những yếu tố chưa bền vững: Hàng chủ yếu xuất đi Trung Quốc (dăm gỗ, thủy sản, bột sắn), trong khi thị trường này chưa thực sự bền vững và thường hay rủi ro. Nguồn hàng xuất khẩu từ địa phương cũng chưa chủ động được cho doanh nghiệp mà nhiều đơn vị còn phải tìm kiếm hàng ở các tỉnh bạn để xuất khẩu như cao su, hạt tiêu, dăm gỗ… Một số doanh nghiệp có nhu cầu về nguyên liệu bông rất lớn để sản xuất sợi dệt may nhưng trong tỉnh chưa đáp ứng được điều này. Ngoài ra, thị trường xuất khẩu thế giới những năm gần đây liên tục có biến động ở nhiều nước do khủng hoảng về chính trị, ví dụ khu vực Ai Cập, Thái Lan, Trung Đông… cũng khiến cho công tác xúc tiến thương mại và tìm kiếm mở rộng thị trường của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng rất nhiều. Doanh nghiệp phải tìm đủ mọi cách để giải quyết đầu ra cho hàng hóa của mình và thu hồi công nợ. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp mong được tỉnh hỗ trợ một cách hiệu quả trong xúc tiến thương mại để có thêm thị trường, bạn hàng.

Hiện nay, Nghệ An đã ban hành Đề án phát triển cây, con chủ yếu, gắn với cơ chế quản lý đất đai, tạo vùng nguyên liệu chế biến phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đó, đề án xác định 9 loại cây chủ yếu là: lúa, ngô, lạc, mía, cam, cao su, chè, cây nguyên liệu và cây dược liệu; 6 con chủ yếu là: trâu, bò, lợn, gia cầm, tôm thẻ chân trắng và ngao bãi triều. Đây là một tín hiệu tốt để doanh nghiệp có thêm thông tin và đầu tư cho nguồn hàng xuất khẩu.

Châu Lan

Mới nhất

x
Xuất khẩu nông, thủy sản: Những tín hiệu vui
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO