Xứng đáng là người công giáo "kính chúa, yêu nước"
(Baonghean) - Cô Lê Thị Sáu hiện là Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Công Thành, huyện Yên Thành, là tấm gương sáng của người giáo dân “Kính chúa, yêu Nước”. Từ khi vào ngành Giáo dục đến nay, cô liên tục là Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, 6 năm là Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, là đại biểu HĐND huyện liên tục 2 khóa, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen.
Cô Lê Thị Sáu bên bàn làm việc |
Cô Lê Thị Sáu sinh ra và lớn lên trong một gia đình giáo dân ở Xứ đạo Ngọc Long, xã Công Thành. Vào ngành năm 1976, đến năm 1979 cô được giao trọng trách làm hiệu trưởng. Ngày đó, cơ sở vật chất của Trường Mầm non Công Thành chưa có gì, phòng học phải mượn nhà dân, nhà kho, lương giáo viên được trả bằng thóc, bằng mỳ hạt, sắn, khoai. Nhưng nhờ lòng yêu nghề, mến trẻ, cô Lê Thị Sáu đã cùng với tập thể Hội đồng nhà trường bám trụ, xây dựng được ngôi trường khang trang, sạch đẹp, có đủ nơi ăn, ngủ, học tập, làm việc cho các cháu và các cô ở cả hai khu vực. Năm 2006, Trường Mầm non xã Công Thành được công nhận là trường chuẩn quốc gia và cũng từ đó trường thành lập chi bộ riêng. Cô Lê Thị Sáu được bầu giữ chức vụ Bí thư chi bộ cho đến nay.
Không chỉ chăm lo việc trường, việc nhà cô cũng cố gắng chu toàn. Cô đã cùng chồng chăm lo cho 4 người con ăn học, trưởng thành. Hiện nay, cháu đầu Lê Thị Giáo, là đảng viên, giáo viên của trường; Cháu thứ hai là Lê Minh Hoàng, công nhân Nhà máy chế biến tinh bột sắn Yên Thành; Cháu thứ ba là Lê Minh Phúc- công nhân lái máy ủi; còn cháu út Lê Thị Lộc cũng theo nghiệp mẹ, tốt nghiệp sư phạm mầm non, nay là giáo viên của trường”.
Tôi hỏi: "Những năm tháng công tác trong ngành Giáo dục, kỷ niệm đẹp nào cô nhớ nhất ?"- Cô tâm sự: "Năm 1986, đi học Trường Mặt trận ở tỉnh, lúc đó cháu đầu mới được 10 tháng tuổi phải mang theo. Những ngày đó, khó khăn không thể tả hết. Một lần, bác Nguyễn Văn Bồng- Chủ tịch Uỷ ban MTTQ huyện Yên Thành vào thăm, tặng cho cháu bé 2 bộ quần áo. Món quà tuy nhỏ nhưng lúc đó quý lắm, nhớ mãi. Song, có thể nói kỷ niệm đẹp nhất, sung sướng nhất, xen lẫn vinh dự, tự hào là năm 1997, tôi được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đó là sự ghi nhận của tập thể, của cấp trên đối với sự cố gắng của mình, để mình có điều kiện tiếp tục phấn đấu, cống hiến".
Về sự việc gần đây ở Nghi Phương (Nghi Lộc), cô nói một cách dứt khoát: "Theo cháu, lương cũng như giáo đã và đang nằm trong cánh tay xã hội, mà đã là xã hội thì phải có kỷ cương, phép nước. Nói cách khác, là phải tuân thủ pháp luật, không thể tách mình ra khỏi xã hội, ra khỏi cộng đồng được...".
Chia tay cô Lê Thị Sáu, tôi thầm cảm phục nữ Bí thư chi bộ, một Hiệu trưởng xuất sắc, thẳng thắn, đã nỗ lực xây dựng Trường Mầm non Công Thành từ chỗ cơ sở vật chất hầu như chưa có gì trở thành một trường đạt chuẩn quốc gia nơi miền quê nghèo. Cô thật sự xứng đáng là tấm gương sáng của người công giáo “Kính chúa, yêu Nước”.
Nguyễn Trọng Hà (Nam Thành - Yên Thành)