Xứng danh đơn vị Anh hùng
(Baonghean) - Bằng những nỗ lực, chung sức hành động, khí thế truyền thống Đơn vị Anh hùng, cán bộ, chiến sỹ Đồn biên phòng Tam Hợp đã góp phần quan trọng xây dựng xã Tam Hợp (Tương Dương) từ một địa bàn “điểm nóng”, trở thành “điểm sáng” trên biên cương...
![]() |
Cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Tam Hợp tuần tra bảo vệ bình yên biên cương. Ảnh: Hải Thượng |
Sáng hoặc đêm, hoặc cũng có khi dân bản còn trong giấc ngủ yên bình, cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng Tam Hợp (Tương Dương) lên đường làm nhiệm vụ. Trong màn sương dày đặc, các tổ đội vũ trang phối hợp với lực lượng của nước bạn Lào tổ chức tuần tra song phương bảo vệ biên giới. Còn các tổ đội khác triển khai công tác nắm địa bàn, đến các bản làng giúp đồng bào phát triển sản xuất, chăn nuôi. Công việc của cán bộ, chiến sỹ Đồn BP Tam Hợp hàng ngày diễn ra như thế với khí thế thi đua của đơn vị anh hùng. Trong số các đơn vị được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang của Bộ đội biên phòng Nghệ An (BĐBP), Đồn biên phòng Tam Hợp là tập thể Anh hùng và có cả cá nhân Anh hùng - Liệt sỹ Và Bá Giải.
Đứng chân trên địa bàn biên giới của huyện Tương Dương, đồn BP Tam Hợp là đơn vị quản lý trên 12 km đường biên thuộc địa phận 5 bản của xã Tam Hợp. Với đặc thù là địa bàn có tới 4 thành phần dân tộc sinh sống, địa hình đồi núi bị chia cắt bởi nhiều núi cao, hang động, khe suối. Những năm trước 2002, Tam Hợp là điểm nóng của các tệ nạn xã hội như thuốc phiện, ma tuý, vấn đề di dịch cư, các đối tượng phỉ xâm nhập hoạt động chống phá, lôi kéo một số đồng bào đi theo... Các đối tượng buôn bán ma tuý, phỉ thường qua lại biên giới bằng các đường tiểu mạch và rất liều lĩnh, sẵn sàng dùng vũ khí nóng chống trả lực lượng chức năng. Để giải quyết vấn đề này, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương BĐBP đóng vai trò nòng cốt. Trong chiến dịch KT -02, tiêu diệt phỉ vùng biên tuyến Kỳ Sơn, Tương Dương, đồn BP Tam hợp là một trong những địa bàn trọng điểm. Tuy nhiên, chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm, nơi đây không còn bóng dáng kẻ xấu. Có khó khăn gian khổ, có mất mát hi sinh... nhưng thắng lợi của BĐBP Nghệ An nói chung và của đồn BP Tam Hợp nói riêng là thành quả tất yếu của lòng dũng cảm, trí thông minh của cán bộ, chiến sỹ.
Vào cuối năm 2004, khi chiến dịch đang ở những giai đoạn kết thúc, cùng với lực lượng tăng cường của Bộ chỉ huy BĐBP, đồn BP Tam Hợp đẩy mạnh công tác đấu tranh truy quét phỉ sát biên giới. Trong chiến dịch đó, Trung úy Và Bá Giải - người con của đồng bào Mông đã anh dũng hy sinh. Tấm gương dũng cảm của Và Bá Giải đã thúc dục cán bộ, chiến sỹ đồn BP Tam Hợp vươn lên truy quét bọn phỉ, lập lại bình yên cho các bản làng vùng biên. Ghi nhận chiến công của cán bộ, chiến sỹ đồn BP Tam Hợp, ngày 22/12/2004, Chủ tịch Nước ký phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang” cho tập thể đồn và cá nhân đồng chí Và Bá Giải. “Những năm qua, phát huy phẩm chất của đơn vị anh hùng, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ đồn Tam Hợp luôn ý thức vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, cùng với hệ thống các đồn biên phòng trên biên giới, xây dựng trận tuyến vùng biên, tạo nên điểm tựa vững chắc cho đồng bào các dân tộc…” Thượng tá Ngô Xuân Viết, Đồn trưởng Đồn biên phòng Tam Hợp chia sẻ.
Địa bàn ổn định về an ninh, chính trị nhưng cuộc sống của đồng bào vùng biên vẫn luẩn quẩn trong vòng đói nghèo. Đồng bào các dân tộc ít người thường có tập tục sinh sống, canh tác trên những vùng đất cao, đặc biệt là đồng bào Mông. Thói quen ấy đã bén rễ vào họ từ bao đời nay. Cũng vì điều kiện sống ấy, các dân tộc ít người gặp phải không ít khó khăn: trong việc phát triển kinh tế, trong việc tiếp cận với nền văn minh của thời kỳ công nghiệp hoá và trong cả nhận thức về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Bởi vậy, nhiệm vụ giúp đỡ nhân dân nhanh chóng phát triển kinh tế lại đặt ra cho BĐBP đồn Tam Hợp những thách thức mới. Cùng với chỉ đạo của Đảng uỷ, BCH BĐBP Nghệ An, đồn Tam Hợp triển khai thực hiện chương trình “giúp đồng bào định canh, định cư”. Cấp ủy, chỉ huy đồn đã tích cực tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương vận động người Mông xuống núi, thành lập bản mới ở địa bàn thuận lợi hơn. Để giải quyết được vấn đề này, đồn BP Tam Hợp đã tăng cường cán bộ vận động quần chúng cắm bản để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Sau hơn 1 năm vận động, người Mông ở Tam Hợp đã nghe theo lời của BĐBP và quyết định về bản mới.
Bản mới Huồi Sơn được thành lập vào năm 2005, luồng tư duy kinh tế mới cũng bắt đầu được hình thành từ đây. Để nhân dân bỏ rẫy cao, trồng ruộng nước, đồn BP Tam Hợp lại tiếp tục giúp đỡ nhân dân khai hoang. Diện tích ruộng bậc thang ở Tam Hợp được tăng dần, đồng bào no đủ hơn trước. Từ Huồi Sơn, Phà Lõm, Văng Môn tới bản Phồng (Tam Hợp), ở đâu cũng nhìn thấy những “khuyến nông viên” mang quân hàm xanh, tận tình chỉ bảo cho người dân cách trồng, phát triển lúa nước, nuôi nhốt gia súc, gia cầm. Nhiều gia đình ở Tam Hợp trở thành điển hình làm kinh tế giỏi với xuất phát điểm từ con số 0. Trước những “bước tiến” của bản làng, ông Vi Cảnh Toàn- Chủ tịch UBND xã Tam Hợp cho biết: “Cuộc sống người dân ở Tam Hợp đã bớt nghèo, đỡ khổ rồi. Nhìn lại những ngày tháng gian khổ trước đây, đồng bào thực sự phấn khởi, nhận thức rõ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của bộ đội biên phòng. Mặc dù còn những khó khăn nhất định do địa bàn đồi núi dốc, diện tích lúa nước ít, nhưng bà con đã có ý thức phát triển chăn nuôi, sản xuất theo hướng hàng hóa. Đây thực sự là một khoảng cách khá xa so với trước trong nhận thức và hành động của dân bản. Sự chuyển biến đó, bên cạnh chỉ đạo của cấp ủy Đảng, điều hành của chính quyền, có vai trò to lớn của BĐBP đồn Tam Hợp…”.
Trong phong trào thi đua yêu nước, giúp đỡ nhân dân “xoá đói, giảm nghèo”, BĐBP đồn Tam Hợp tiếp tục trở thành điển hình tiên tiến bởi những nỗ lực trong việc hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân Tam Hợp xây dựng nhà Đại đoàn kết. Với sự vào cuộc của Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, đồn Tam Hợp đã quyên góp kinh phí, huy động hàng nghìn ngày công, giúp dân xây dựng được hơn 50 ngôi nhà Đại đoàn kết cho người nghèo ở trên địa bàn. Cùng đó, phối hợp chính quyền địa phương vận động được 364 hộ gia đình đăng ký vay vốn trên 4 tỷ đồng phát triển kinh tế hộ gia đình, sửa sang nhà cửa kiên cố hơn. Trong tình hình kinh tế vùng biên còn nhiều khó khăn như hiện nay thì sự giúp đỡ của cán bộ chiến sĩ đồn Tam Hợp chính là động lực quan trọng cho đồng bào vững tin vào tương lai... Bây giờ những mùa vụ sản xuất lúa nước của đồng bào các dân tộc ở Tam Hợp đã thành thạo hơn. Bà con khai hoang mọi diện tích có thể để tăng thêm lúa gạo. Còn trên các triền đồi, bên cạnh những đàn gia súc được nhân lên thì những vạt rừng trồng xanh tốt hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập cho kinh tế hộ. Hòa mình vào khung cảnh đó, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Tam Hợp luôn có mặt bảo vệ bình yên cho đồng bào, kịp thời hỗ trợ bà con vươn lên trong cuộc sống. Họ nỗ lực hết mình để xứng danh “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân phong tặng.
Nguyên Nguyên