Xung đột gia đình - Vấn đề cần quan tâm hiện nay
Gia đình là tế bào, là nền tảng của xã hội. Sự phát triển cả về vật chất, tinh thần và lối sống của gia đình là dấu hiệu của một xã hội đang từng bước đi lên về mọi mặt. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế, chính trị phải đi đôi với phát triển văn hóa, lối sống dân trí và đạo đức.
Gia đình là tế bào, là nền tảng của xã hội. Sự phát triển cả về vật chất, tinh thần và lối sống của gia đình là dấu hiệu của một xã hội đang từng bước đi lên về mọi mặt. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế, chính trị phải đi đôi với phát triển văn hóa, lối sống dân trí và đạo đức.
Nếu chỉ chú ý đến phát triển kinh tế, khoa học kỹ thuật mà quên đi những giá trịđạo đức thì xung đột, mâu thuẫn xã hội sẽ nảy sinh mà khởi đầu chính là do các cá nhân bị mất phương hướng ngay từ mái ấm gia đình.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến xung đột gia đình, trong đó hai nguyên nhân mang tính tổng quát nhất là từ phía xã hội và bản thân từng gia đình. Về phía xã hội, đó là khi phát triển kinh tế không đi đôi với phát triển văn hoá, giáo dục, đạo đức. Mặt bằng dân trí bị hạn chế, con người thường có những cái nhìn lệch lạc, có sự so sánh hơn thua nhau về những giá trị vật chất, coi trọng vật chất và sự hào nhoáng hơn là những giá trị khác trong cuộc sống. Một khi không thoả mãn nhu cầu vật chất ấy, cá nhân có tâm lý bi quan, và phát sinh những suy nghĩ tiêu cực khác. Lối suy nghĩấy đã vô tình làm cho con người trở nên tự ti bất mãn, cộc cằn và họ thường trút những bực tức, phiền muộn từ phía xã hội vào gia đình, gây ra xung đột mâu thuẫn.
Ngoài ra, do kinh tế phát triển khiến cho cuộc sống càng trở nên tất bật, mọi người ít có thời gian gặp nhau để trò chuyện, trao đổi suy nghĩ, tình cảm hoặc chia sẻ công việc. Không còn sự quan tâm lẫn nhau, không hiểu nhau cũng chính là nguyên nhân dẫn đến những cuộc xung đột trong gia đình.
Về phía gia đình, đó là những bất đồng về quan điểm, sự khác biệt về trình độ học vấn, văn hoá, lối sống, đạo đức, sự cách biệt về thời đại, thế hệ... Việc kết hôn vội vã khi chưa qua tìm hiểu thật sự hoặc kết hôn khi chưa có sự chuẩn bị về mặt nhận thức, hiểu biết về cuộc sống gia đình cũng là nguyên nhân dẫn đến những bất đồng về sau và ly hôn là điều khó tránh khỏi. Bên cạnh đó,mâu thuẫn xung đột có thể xảy ra nếu cha mẹ không quan tâm giáo dục nhân cách cho con cái ngay từ khi chúng mới lọt lòng. Sự yêu thương chiều chuộng trẻ nhỏ một cách thái quá dễ tạo cho chúng thói quen xấu cho đến lúc trưởng thành, khi đó cha mẹ sẽ là người nhận lãnh tính cách, thói quen ấy của con cái.
Vấn đề xung đột gia đình là một hiện tượng phổ biến tồn tại trong mọi xã hội. Không một gia đình nào chưa từng có xung đột. Tuy nhiên, các cá nhân và gia đình, nếu được trang bị nhận thức sâu sắc về mặt đạo đức, tri thức, lối sống thì việc kiềm chế phát sinh mâu thuẫn sẽđược thực hiện dễ dàng và có hiệu quả. Ngược lại, nếu chúng ta không có những nhận thức về cuộc sống, không được trang bị trình độ học vấn tri thức, kỹ năng sống thì việc giải quyết mâu thuẫn xung đột trong gia đình sẽ là điều khó khăn, nguy cơ dẫn đến những trận xung đột nghiêm trọng là điều khó tránh khỏi, dẫn đến tan vỡ gia đình. Do đó, việc giáo dục định hướng lối sống trong gia đình rất quan trọng mà trong đó vai trò của những người cha, người mẹ là yếu tố hàng đầu.
Nguyễn Văn Quế