Xung quanh bài: "Cuộc vận động…" hay kinh doanh trá hình?

29/10/2013 14:59

> Xem bài: 'Cuộc vận động…' hay kinh doanh trá hình ?

Tìm về xóm 1, xã Đặng Sơn (Đô Lương)- một trong những cơ sở tiêu thụ số lượng lớn sữa bột đậu nành Vạn Xuân của Công ty Rồng Vàng sau đợt triển khai hưởng ứng cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh và huyện phát động vào giữa tháng 6/2013. Thời gian triển khai chưa đến một tháng nhưng Chi hội Phụ nữ xóm 1 đã bán được gần 10 thùng với hơn 100 hộp sữa. Bản thân chị Nguyễn Thị Châu, Chi hội trưởng phụ nữ xóm 1 rất vui bởi xóm đã vượt “chỉ tiêu” trên giao, trong khi “mỗi xóm chỉ cần bán được từ 1– 3 thùng. Kết quả này không những giúp cho chi hội có thêm phần trăm hoa hồng mà còn được cộng điểm vào thành tích chung cuối năm”. Chị Châu cho biết: “Chị em chúng tôi mua là để hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, còn chất lượng thì cũng chỉ được biết qua quảng cáo tại cuộc hội thảo do Công ty Rồng Vàng tổ chức ở huyện”.

Theo chị Dương Thị Quý – Chủ tịch Hội LHPN huyện Đô Lương, trong đợt hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Hội LHPN tỉnh triển khai năm 2013, toàn huyện Đô Lương đã bán được gần 7.000 hộp sữa bột đậu nành Vạn Xuân. Chị Quý cho biết: “Khi bắt đầu triển khai, chúng tôi cũng cảm thấy không thoải mái vì hình thức này mang tính chất “thị trường” và không đúng với nhiệm vụ chính trị của Hội Liên hiệp phụ nữ. Nhưng do có văn bản chỉ đạo từ cấp trên và đây là hoạt động nhằm hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nên Huyện hội đã báo cáo với Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện trước khi tổ chức hội thảo và triển khai xuống các xã. Tuy vậy, Huyện hội cũng không đặt ra chỉ tiêu cho các hội cơ sở. Nay đọc bài báo “Cuộc vận động hay kinh doanh trá hình”, tôi cũng giật mình bởi các thông tin về chất lượng sản phẩm sữa trước đây. Sau sự việc này, chúng tôi sẽ thận trọng với các chương trình phối hợp giới thiệu sản phẩm về cơ sở”.

Chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nam Đàn cho biết: Vào giữa tháng 6/2013, Công ty Rồng Vàng có đem các văn bản đến đơn vị để xin tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm. Nhưng do trước đó 2 tháng, Nam Đàn mới triển khai một đợt bán hàng sản phẩm sữa đậu nành Trường Xuân do Công ty cổ phần công nghệ thực phẩm Vinanusoy (có địa chỉ ở số 30, ngõ 155, đường Nguyễn Khang, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội) nên Huyện hội đã từ chối. Chị Hoa cho biết thêm: Công ty Vinanusoy đã tổ chức hội thảo giới thiệu sản phẩm ở huyện 2 ngày, rồi nhanh chóng đưa sữa xuống các xã bán cho chị em được 50 thùng (1000 hộp). Sau đó, Hội Phụ nữ xã Nam Nghĩa phát hiện nhiều sản phẩm bị bong vỏ, ẩm, vón cục nên trả lại. Ngoài ra còn có 4 xã Nam Xuân, Nam Thượng, Nam Kim, Nam Phúc từ chối không mua”.

Chị Lê Thị Vân - Chi hội trưởng Phụ nữ xóm Nam Thung, xã Vân Diên nói: “Chúng tôi không biết chất lượng sữa thế nào, chỉ biết Hội Phụ nữ xã bảo lấy đem về bán. Nhưng nói thật, đã đem về rồi thì dù không bán được cũng khó trả lại lắm. Tôi chỉ lấy một hộp về cho gia đình ăn thử, còn những chi hội trưởng khác lỡ lấy nhiều thì chẳng bán được, mãi gần đây phát lương mới có tiền để trả”. Còn chị Hồ Thị Minh Thúy, Chủ tịch Hội LHPN xã Nam Anh cho biết: “Dân có mấy ai mua, chủ yếu là cán bộ lấy thôi”. Chị Nguyễn Thị Nhân – Chủ tịch Hội LHPN xã đưa ra lý do để từ chối không nhận sữa Trường Xuân là: “Năm ngoái, ban dân số cũng đem sữa đậu nành Vạn Xuân về nhưng bán không được, trước đó, Hội Cựu chiến binh cũng triển khai cho anh em trong chi hội nhưng chẳng có người mua. Do vậy, khi thấy thêm một sản phẩm sữa không có thương hiệu, chúng tôi không dám nhận. …”.

Trao đổi về việc Hội Phụ nữ các cấp từ tỉnh đến huyện, xã yêu cầu các chi hội tiêu thụ sản phẩm sữa đậu nành Vạn Xuân - một sản phẩm không có mặt trên thị trường bản lẻ, như là một hoạt động hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho rằng: “Đúng là có sự khác nhau về mặt chủ trương giữa Công văn số 64/CV-BTV ngày 20/5/2013 của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh và Công văn số 865/CV – ĐCT ngày 14/9/2012 của đoàn chủ tịch Hội LHPN Việt Nam khi mà văn bản của Hội LHPN tỉnh lại đưa vào nội dung cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhưng đó chỉ là “tai nạn” trong văn bản (!?). Còn về việc Hội Phụ nữ Diễn Châu giao chỉ tiêu xuống các chi hội là không đúng tinh thần chỉ đạo. Với tinh thần tiếp thu và kịp thời sửa chữa những sai sót, thời gian tới, Ban Thường vụ sẽ họp và xem xét lại vấn đề này”.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trả lời phỏng vấn:

[audio(287)]

Năm 2013 không phải là năm đầu tiên sản phẩm sữa Vạn Xuân của Công ty Rồng Vàng được giới thiệu tại Nghệ An. Trước đó, từ năm 2009, thông qua các đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân và cả ngành Giáo dục, Công ty Rồng vàng cũng triển khai bán hàng với hình thức tương tự, dưới danh nghĩa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, nhưng số lượng sản phẩm tiêu thụ được không cao so với đợt triển khai của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh. Sữa đậu nành Vạn Xuân không phải là sản phẩm duy nhất được tiêu thụ thông qua kênh “phân phối” của Hội Phụ nữ các cấp mà còn có sản phẩm sữa đậu nành Trường Xuân (như ở Nam Đàn). Điểm khác là sữa đậu nành Vạn Xuân được sự giới thiệu của Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh, còn sữa Trường Xuân đến tiếp thị trực tiếp ở Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện.

Mỹ Hà – Minh Quân

Mới nhất
x
Xung quanh bài: "Cuộc vận động…" hay kinh doanh trá hình?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO