Xung quanh việc chọn lớp, chọn trường: Bài cuối- Cần minh bạch chất lượng đầu vào

24/08/2011 09:20

Quan điểm chỉ đạo của Sở GD&ĐT Nghệ An từ nhiều năm nay là không có trường chuyên, lớp chọn. Tuy nhiên để tập trung nâng cao chất lượng mũi nhọn, từ lâu các trường học, nhất là các trường THCS và THPT đã thực hiện việc phân loại học sinh.

Ông Lương Ngọc Sơn - Hiệu trưởng Trường THPT Quỳnh Lưu 1 cho biết: Chúng tôi không thành lập lớp chọn, nhưng cần phải phân loại học sinh để có những phương pháp giảng dạy phù hợp cho từng đối tượng. Chẳng hạn học sinh học ban tự nhiên, có điểm thi cao thì vào lớp A1,A2, số còn lại chia đều ra các lớp. Đối với giáo viên cũng vậy, qua từng năm học dựa theo các tiêu chí đánh giá và phân loại giáo viên xuất sắc, khá, trung bình, rồi dựa vào kinh nghiệm, kỹ năng sư phạm để phân lớp hỗ trợ nhau nhằm nâng cao chất lượng mũi nhọn cũng như chất lượng đại trà".



Một tiết học ở Trường THCS Hưng Lộc (TP. Vinh). Ảnh: Đình Nhật


Với cách làm đó năm học qua nhà trường có 22/28 học sinh đạt giải học sinh giỏi tỉnh, Đặc biệt trong kỳ thi ĐH, CĐ năm 2011 có 9 lượt (8 em) học sinh đạt 27 điểm trở lên trong đó có em Hoàng Xuân Tuấn Anh đậu 2 trường đạt 29,5 điểm và 28 điểm. Và số học sinh này tập trung ở lớp 12A2 do cô Dương Thị Châu Lưu chủ nhiệm.


Phân loại học sinh là sự cần thiết bởi với những học sinh có học lực khá giỏi có một tầm nhận thức nhất định, tương đương nhau, chính vì vậy việc giảng dạy cho chung một đối tượng học sinh sẽ hiệu quả hơn. Cô Minh Hồng, giáo viên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng cho biết: "Lớp chọn chỉ phát huy hiệu quả khi trình độ học sinh đồng đều để giáo viên áp dụng cách dạy với yêu cầu cao hơn các lớp bình thường. Nếu trong một lớp có nhiều trình độ khác nhau thì "làm khó" cho cả giáo viên và học sinh.


Hiệu quả từ việc phân loại theo trình độ học sinh thể hiện rõ qua các kỳ thi học sinh giỏi huyện, giỏi tỉnh, các kỳ thi ĐH,CĐ mà các trường gọi là mũi nhọn. Song trong những năm thực hiện nội dung cuộc vận động, "không để học sinh ngồi nhầm lớp" phân loại học sinh cũng giúp nhiều trường thuận lợi hơn trong việc phân công giáo viên dạy thêm, phụ đạo cả ở nhà và ở trường cho những học sinh yếu kém. Như vậy, việc phân loại học sinh không chỉ thực hiện ở các trường thành phố, đồng bằng những vùng có truyền thống hiếu học mà được hầu hết các trường THCS và THPTtrong cả tỉnh thực hiện. Tuy nhiên nếu các địa bàn miền núi việc tuyển sinh đầu cấp diễn ra nhẹ nhàng, bình lặng thì việc chọn lớp đầu cấp ở thành phố và các thị trấn, thị tứ là điều quan tâm số một của phụ huynh.


Ông Trần Văn Nghệ - Hiệu trưởng trường THPT Cờ Đỏ, Nghĩa Đàn cho biết: "Để được vào học trong các lớp mũi nhọn, học sinh thường phải có kết quả học tập cao, lấy từ trên xuống trong kỳ thi chuyển cấp hoặc khảo sát chất lượng đầu năm. Học sinh đủ điều kiện vào học lớp chọn bằng năng lực thực của mình được nhiều giáo viên và học sinh gọi là "lớp sạch".


Do những ưu điểm nổi bật của lớp mũi nhọn mà nhiều bậc phụ huynh học sinh rất muốn con em mình được vào học trong môi trường lớp đó để được "gần đèn thì rạng". Từ đó, tìm đủ mọi cách để con mình có "chỗ" trong các lớp chọn. Thế mới có chuyện sau khi các trường THPT thông báo điểm chuẩn vào trường thì ban giám hiệu, thậm chí là cả giáo viên trong trường sợ nghe điện thoại, sợ người quen tìm đến nhà để nhờ vả chuyện chọn lớp, xin lớp cho con.


Tuy nhiên trước sức nóng của lớp mũi nhọn vì cả nể, vì thân quen, vì "đối ngoại" nên nhà trường đã "linh động" xếp một số học sinh chưa đủ"chuẩn" vào học lớp chọn. Sự "cạnh tranh" trong môi trường lớp mũi nhọn ở một chừng mực nào đó là động lực để học sinh có thêm ý chí phấn đấu trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng. Nhưng sẽ là áp lực tâm lý đối với những học sinh không đủ năng lực nhưng vẫn bị phụ huynh "ép" vào lớp chọn. Các em gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp nhận khối lượng kiến thức thường có phần "nặng" hơn so với các lớp bình thường. Việc không theo kịp khiến các em tự ti, stress từ đó ảnh hưởng đến tâm lý, kết quả học tập, rèn luyện của bản thân và cả tập thể.


Thiết nghĩ, trong khi ngành Giáo dục đang từng bước nỗ lực hướng đến mục tiêu dạy thực, học thực, chất lượng thực, việc minh bạch hóa chất lượng đầu vào của những lớp mũi nhọn là điều hết sức cần thiết. Nhà trường phải đặt lợi ích của học sinh lên trên hết và có cái nhìn khách quan, công tâm để phân loại những học sinh đạt chuẩn vào lớp mũi nhọn. Bởi, hơn bất cứ nơi nào, môi trường học đường luôn cần sự trong sạch.


Thảo Nhi

Mới nhất

x
Xung quanh việc chọn lớp, chọn trường: Bài cuối- Cần minh bạch chất lượng đầu vào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO