Xung quanh việc giới thiệu chữ Thái trên báo Nghệ An
(Baonghean) Từ tháng 6/2012 đến nay, đã có hơn 10 kỳ chuyên trang Dân tộc & Miền núi của báo Nghệ An giới thiệu chữ Thái hệ Lai Tay, chuyên mục “Giữ gìn vốn cổ”.
Chủ trương của BBT Báo khi mở chuyên mục này là nhằm nâng cao ý thức học và sử dụng chữ viết của đồng bào Thái trên địa bàn tỉnh nhà. Từ nhiều thập niên rồi, chữ Thái đã mất đi vị thế của nó trong đời sống văn hóa của các cộng đồng người Thái ở Nghệ An nói riêng, và trên phạm vi cả nước, nói chung. Cùng với chủ trương là sự giúp đỡ, hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo những người quan tâm đến chữ Thái và yêu mến văn hóa Thái, trong đó có một nghệ nhân chữ Thái hệ Lai Tay, ông Sầm Văn Bình (Châu Quang – Quỳ Hợp). Ông Bình đã tỏ rõ niềm vui của mình khi biết báo Nghệ An có dự định mở chuyên mục chữ Thái. Với ông, đó là một sự kiện quan trọng.
Từng tốt nghiệp ngành đóng tàu biển, nhưng niềm đam mê những vốn quý của cha ông đã khiến ông Bình chọn một ngã rẽ, bỏ nghề đi biển trở về làng nghiên cứu và truyền dạy chữ Thái. Ông đã có công thiết kế mẫu font và vi tính hóa thành công chữ Lai Tay. Đã trên 10 năm nay, ông mở được nhiều lớp truyền day chữ Thái Lai Tay tại nhiều địa phương như Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Con Cuông, TP. Vinh. Những lớp học không chỉ thu hút sự quan tâm của cộng đồng người Thái, có nhiều cán bộ miền xuôi biết tiếng Thái cũng đã theo học.
Ông Bình cho biết, việc đưa chữ Thái lên mặt báo sẽ góp phần cho chữ Thái trở lại với cộng đồng và nhiều người sẽ biết đến. Ở Nghệ An, chữ Thái vẫn chưa được giới nghiên cứu quan tâm đúng mức. Thực ra, chữ Lai Tay còn giữ được cách ghép âm và hình thức thể hiện cổ xưa vốn có và chưa bị “cải tiến” như nhiều hệ chữ khác.
Nghệ Nhân Kha Văn Hợi rất đam mê chữ Thái.
Ông Lô Khánh Xuyên, một “ông đồ” chữ Thái ở xã Mường Nọc (huyện Quế Phong) bày tỏ: Hiện đang có nhiều người đến với chữ Thái, đó là nhờ sự nỗ lực của những nghệ nhân truyền dạy, sự vào cuộc của các nhà quản lý ngành Văn hóa, của Truyền thông báo chí, trong đó có báo Nghệ An, giới thiệu những bài dân ca đặc sắc bằng chữ Thái. Hiện ông đang giảng dạy một lớp chữ Thái tại Quế Phong và có một số bài chữ Thái trên báo Nghệ An, được lựa chọn làm tài liệu học tập, tham khảo. Tuy nhiên, theo ông Xuyên thì kho tàng văn học của người Thái vô cùng phong phú, trong đó có mảng ca dao, tục ngữ và những truyện thơ dân gian. Mong rằng thời gian tới, báo Nghệ An sẽ tiếp tục giữ vững lâu dài chuyên mục chữ Thái và giới thiệu thêm nhiều những tác phẩm hay trong kho tàng văn học của người Thái.
Nên tăng cường hơn nữa những tác phẩm văn học dân gian của đồng bào Thái cũng là ý kiến của nhà văn La Quán Miên. Ông tin tưởng, dần dà chữ Thái sẽ được đồng bào đón nhận trở lại và những tác phẩm dân gian như khắp, lăm... thường dễ đi vào lòng người, bởi chúng dễ thuộc, dễ nhớ, lại phù hợp với quan niệm sống của đồng bào. Nhà văn La Quán Miên còn góp ý, nên có một phần phiên âm bằng chữ Quốc ngữ để những người yêu thích nhưng chưa biết chữ Thái có thể đọc qua bản phiên âm này.
Tại huyện Con Cuông, nơi có trên 70% là đồng bào Thái và đã có 2 lớp học chữ Thái, khoảng 70 học viên đã tham gia, nhưng sau một thời gian sau không tiếp xúc với chữ Thái, một số học viên không còn nhớ nữa. Ông Kha Văn Hợi, một nghệ nhân tham gia lớp học tại đây cho biết, chữ Thái xuất hiện thường xuyên trên mặt báo sẽ giúp những học viên này có điều kiện để ôn lại những gì đã học được. Để thực sự giữ gìn được chữ Thái, ngoài cách làm hay như báo Nghệ An, rất cần một hình thức nào đó để chữ Thái luôn hiện diện trong đời sống của dân bản, hình thức CLB học và sử dụng chữ Thái chẳng hạn? Đó sẽ là một cách để thu hút những bạn trẻ vùng cao đến với chữ Thái. Để điều hành những CLB như vậy, đòi hỏi phải có người thực sự tâm huyết với chữ Thái.
Khi chúng tôi viết những dòng này thì tại Quế Phong, một địa phương sự dụng chữ Lai Tay đã rất lâu đời, lại vừa khai giảng một lớp chữ Thái. Học viên phần lớn đều rất trẻ. Trong một chuyến đi gần đây đến huyện Kỳ Sơn, ghé thăm nhà cán bộ Đoàn Lang Thanh Lương. Trước cửa là một tấm bảng học chữ Thái khá lớn. Anh cho biết hàng ngày vẫn học viết chữ Thái để không quên đi một vốn quý của ông cha. Qua sự trân trọng của những bạn trẻ đối với chữ Thái, chúng tôi thêm vững niềm tin về hồi sinh của loại chữ viết độc đáo này!
Vi Văn Chôồng