Xung quanh việc GPMB giai đoạn 2 Cụm công nghiệp Yên Thành - Bài cuối: Đồng thuận vì lợi ích chung

06/08/2015 08:23

(Baonghean) - Như đã đề cập, trong thực hiện GPMB phục vụ Dự án mở rộng nhà máy may xuất khẩu nằm trong Dự án xây dựng cụm công nghiệp thị trấn Yên Thành (giai đoạn 2), những chính sách đền bù hỗ trợ và việc giải quyết kiến nghị đối với 8 hộ dân xóm 4, Thị trấn Yên Thành đã đúng quy định của pháp luật và phù hợp tình hình thực tế. Thế nên, các hộ dân, nhất là cán bộ, đảng viên cần sự chia sẻ vì lợi ích chung của huyện, của tỉnh và chính con em mình…

TIN LIÊN QUAN

Trong các buổi đối thoại và qua nhiều văn bản thông báo, kết luận, Hội đồng GPMB huyện Yên Thành đã nhiều lần trả lời, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của 8 hộ dân. Gần đây nhất, sau cuộc đối thoại với các hộ dân chưa bàn giao mặt bằng vào ngày 13/5/2015, tại Thông báo Kết luận số 230/TB-UBND ngày 15/5/2015 của Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành - ông Phan Văn Tuyên, về một số nội dung liên quan đến việc thực hiện dự án xây dựng cụm công nghiệp Thị trấn Yên Thành giai đoạn 2 đã một lần nữa giải đáp các vấn đề băn khoăn, thắc mắc của người dân về cơ sở pháp lý để thực hiện dự án, cơ sở thu hồi đất và thẩm quyền thu hồi đất; cơ sở áp giá bồi thường hỗ trợ; việc công khai hồ sơ GPMB, chủ trương, chính sách… Tuy nhiên, đến thời điểm này 8 hộ dân vẫn không thống nhất bàn giao mặt bằng.

3 đảng viên trong 8 hộ dân là ông Phan Văn Thắng, Phan Trùng Dương và bà Nguyễn Thị Hiếu còn cho rằng “Chúng tôi là người dũng cảm cùng quần chúng tích cực dám đấu tranh bảo vệ đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước. Hiện nay, chúng tôi đang tiếp tục đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng về đất đai khi người khác xâm phạm”(??). Và mặc dù không chịu bàn giao mặt bằng, bị chính quyền địa phương áp dụng hình thức kiểm điểm bắt buộc và ban hành quyết định vi phạm hành chính cưỡng chế thu hồi đất, tham gia khiếu nại tập thể, đưa các thông tin không có chứng cứ gây dư luận xấu và tạo hoài nghi trong nhân dân, cản trở việc triển khai giải phóng mặt bằng cụm công nghiệp theo chủ trương của Nhà nước, bị đưa ra kiểm điểm trước chi bộ, nhưng nguyên Trưởng phòng Thống kê huyện, ông Phan Văn Thắng vẫn tuyên bố: “Tôi không vi phạm 19 điều đảng viên không được làm”.

Ông còn trích dẫn điều 1 trong bản quy định 19 điều cấm (nói, làm trái hoặc không thực hiện Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của Đảng; làm những việc mà pháp luật không cho phép) để khẳng định “căn cứ vào các quy định trên tôi chưa mắc khuyết điểm nào cả”. Vị nguyên Trưởng phòng Thống kê huyện còn lý lẽ rằng “Trong 19 điều cấm đảng viên không được làm, chúng tôi không thấy quy định riêng về chủ trương, chính sách của địa phương. Do vậy, lấy điều này mà quy kết chúng tôi mắc vào Điều 1 theo quy định 19 điều cấm đảng viên không được làm là chưa hợp lý, chưa đúng”.

Khi chúng tôi (P.V) đặt câu hỏi rằng: Theo quy định của pháp luật, công dân có quyền tố cáo, tuy nhiên, phải có chứng cứ. Ở đây, các ông tố cáo mà không có chứng cứ. Là đảng viên, tại sao chỉ nghe "dư luận nói” mà vin vào đó gây cản trở, không bàn giao mặt bằng? Ông Phan Văn Thắng đã trả lời: Tôi cũng nghĩ vậy nên cũng đã nói với họ chỉ nên làm đơn khiếu nại thôi, chúng tôi cũng chỉ vì cái chung!...

Suy nghĩ của các đảng viên như ông Thắng, ông Dương, bà Hiếu và 5 hộ dân kia là vậy, thế nhưng, cán bộ và nhiều người dân xóm 4 lại có cách nghĩ hoàn toàn khác. Ông Phan Vân, nguyên Bí thư Chi bộ xóm 4 cho biết: Phần lớn người dân ủng hộ dự án và không đồng tình với các trường hợp còn gây cản trở. Bằng chứng là trong tổng số 143 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án đến thời điểm này chỉ có 8 hộ không chịu ký nhận hồ sơ. Đối với riêng Chi bộ xóm 4 có 30 đảng viên thì có 27 đảng viên đồng thuận ký nhận hồ sơ, chỉ còn 3 đảng viên chưa ký nhận, buộc huyện phải kiểm điểm là ông Phan Văn Thắng, Phan Văn Dương và bà Nguyễn Thị Hiếu. “Đảng viên không chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước là phải kiểm điểm, mức độ nặng nhẹ thế nào còn tùy cấp ủy cấp trên xem xét. Vừa rồi chi bộ chúng tôi đã đưa ra kiểm điểm nhưng các đảng viên này cho rằng họ không vi phạm. Họ nói, họ đấu tranh vì dân, nhưng thực tế chỉ vì lợi ích bản thân họ, dân chẳng được gì cả…” - ông Vân nói.

Ông Trần Văn Hùng, Xóm trưởng kiêm Bí thư Chi bộ xóm 4 cũng khẳng định: Dự án mở rộng nhà máy may xuất khẩu giai đoạn 2 đem lại lợi ích thiết thực không chỉ cho địa phương mà còn tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho chính người dân (Hiện nay, trong xóm 4 có 17 người đang làm việc tại nhà máy và còn một số người đang đi học nghề để khi nhà máy mở rộng sẽ xin vào làm việc), vì vậy hầu hết bà con đồng tình ủng hộ. Hơn nữa đất nương mạ bị thu hồi của các gia đình diện tích cũng không lớn, một khẩu 1 - 2 thước đất so với việc con em được tạo việc làm ngay tại quê hương thì có đáng gì; mà trong số 8 hộ chưa nhận tiền có những hộ là cán bộ, công chức nhà nước về hưu, điều kiện kinh tế không khó khăn... Khi hỏi về vấn đề ô nhiễm môi trường, ông Hùng cho hay: “Đã là cụm công nghiệp thì ít nhiều gì cũng ảnh hưởng, nhưng cũng ở mức độ cho phép, vì người ta cũng chỉ chuyên về may xuất khẩu, không đến mức độ gây hậu quả nghiêm trọng như một số hộ trên phản ánh”.

Còn ông Phan Văn Tài có con dâu là chị Võ Thị Đào đang làm việc tại Công ty TNHH MLB Tenegry thẳng thắn bày tỏ: “Tôi thấy cán bộ, đảng viên chưa chịu nhận tiền hỗ trợ, đền bù để bàn giao mặt bàng là không đúng. Giá cả đền bù là căn cứ trên quy định của Nhà nước, ai dám làm sai? Trẻ cậy cha, già cậy con, ai chả mong cho con cháu có việc làm gần nhà để đỡ đần cha mẹ, như gia đình tôi, trước đây con trai với con dâu đi làm công nhân may ở tận Thái Bình vất vả, nay được về làm ở ngay tại địa phương cả nhà phấn khởi, an tâm hơn nhiều...”.

Khi nói về 8 hộ chưa bàn giao mặt bằng, chị Hà Thị Phượng (xóm 4) cũng bày tỏ rằng: “Những người đó không biết họ nghĩ như thế nào mà ứng xử như vậy. Họp nhiều, bàn nhiều rồi,... Tôi nghĩ vì tương lai con em, đừng nên cản trở, cả tập thể đồng thuận sao mình không theo? Hơn nữa dự án nhà máy may được mở rộng sẽ tạo thêm việc làm gần nhà cho con em, lợi ích nhiều đường!…”.

Không biết 8 hộ dân và đặc biệt là những cán bộ, đảng viên như ông Thắng có thấy chạnh lòng không khi nghe các ý kiến trên. Và lẽ nào họ quên rằng đã là cán bộ, đảng viên thì phải chấp nhận hy sinh, thiệt thòi, đi trước, về sau, phải là tấm gương cho quần chúng noi theo? Thực tế việc không chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách bàn giao mặt bằng của họ đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án thu hút đầu tư của huyện, của tỉnh, quyền lợi của người dân địa phương nói chung trong vấn đề việc làm và nâng cao thu nhập. Xa hơn là làm xấu đi hình ảnh của địa phương, của Nghệ An trong mắt nhà đầu tư nước ngoài... Nói chung, khó có thể chấp nhận cái “tinh thần đấu tranh” tự nhận của họ cũng như ý thức trách nhiệm công dân, vai trò đảng viên của họ.

Thiết nghĩ, các hộ dân, nhất là đảng viên chưa bàn giao mặt bằng ở xóm 4, Thị trấn Yên Thành cần phải hiểu rõ: Hiện nay, việc trải thảm đỏ cho các nhà đầu tư để hiện thực hóa Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị đang được các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở thực hiện rốt ráo, nhằm thay đổi diện mạo của các địa phương nói chung, tỉnh nhà nói riêng. Để làm được điều này, rất cần sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, bao gồm cả người dân huyện lúa Yên Thành để chia sẻ với nhà đầu tư và các cấp chính quyền trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế. Mặt khác, Dự án mở rộng nhà máy may xuất khẩu nằm trong Cụm công nghiệp Yên Thành giai đoạn 2 triển khai là nhằm mục đích tạo điều kiện thu hút đầu tư. Qua đó giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy sự phát triển KT-XH của huyện Yên Thành nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung, nên không thể áp dụng mức giá theo thỏa thuận như đối với các dự án đô thị thương mại mà căn cứ vào Điểm d, Khoản 3, Điều 62, Luật Đất đai năm 2013 thì dự án xây dựng cụm công nghiệp thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất.

Giá đất là do UBND tỉnh phê duyệt trên cơ sở điều tra khảo sát của đơn vị tư vấn và đề xuất của Hội đồng thẩm định giá của tỉnh, không có chuyện UBND huyện tự định giá. Vì vậy, một khi các cấp chính quyền đã trực tiếp đối thoại, giải đáp những kiến nghị, đảm bảo quyền lợi chính đáng theo đúng quy định của pháp luật, thì vì lợi ích chung trong đó có lợi ích của chính con em mình, người dân cần sớm đồng thuận để đẩy nhanh tiến độ của dự án, tránh sự lãng phí về đất đai, nguồn vốn. Bởi dự án sớm đi vào hoạt động, tạo việc làm cho con em trên địa bàn là mong muốn của rất nhiều người dân xóm 4, Thị trấn Yên Thành nói riêng, người dân huyện Yên Thành nói chung. Theo quan sát của chúng tôi (P.V) tại hiện trường, thì toàn bộ diện tích thuộc phạm vi mở rộng Dự án nhà máy may thuộc Cụm công nghiệp Yên Thành đã gần như hoàn thiện khâu san lấp mặt bằng, xây tường bao quanh chỉ trừ một vài ô nhỏ của các hộ chưa bàn giao mặt bằng? Lẽ nào chỉ vì “cái lợi trước mắt” và những đòi hỏi không đúng quy định của pháp luật mà những hộ dân này vô tình trở thành rào cản đối với sự phát triển của địa phương và đánh mất cơ hội việc làm của chính con em mình?

Để giải quyết vấn đề, về phía lãnh đạo huyện Yên Thành cũng xác định cần phải nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng cụm công nghiệp để đảm bảo môi trường đầu tư, làm việc với lãnh đạo nhà máy may giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm do chất thải sinh hoạt; tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, trường hợp cố tình chây ỳ, không đồng thuận thì áp dụng biện pháp cưỡng chế, bảo vệ thi công theo đúng quy định để đảm bảo tính tôn nghiêm của pháp luật. Đối với cán bộ, đảng viên vi phạm những điều đảng viên không được làm, không chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thì đương nhiên cần xử lý nghiêm theo quy định của Điều lệ Đảng. Về phía nhà đầu tư cũng cần phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong giải quyết các vấn đề về môi trường; tạo điều kiện giải quyết việc làm cho lao động địa phương, ưu tiên con em tại địa bàn đứng chân, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.



Nhóm P.V

Mới nhất

x
Xung quanh việc GPMB giai đoạn 2 Cụm công nghiệp Yên Thành - Bài cuối: Đồng thuận vì lợi ích chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO