Xung quanh việc thu tiền sử dụng mặt bằng an táng tại Nghĩa trang Thị trấn Nam Đàn

15/07/2013 16:29

(Baonghean) - Báo Nghệ An số 9428 ra ngày 21/5/2013, mục “Thông tin đường dây nóng” phản ánh: "Mới đây UBND Thị trấn Nam Đàn ban hành văn bản, trong đó quy đinh mọi người dân có hộ khẩu thường trú tại Thị trấn Nam Đàn khi qua đời muốn an táng tại nghĩa trang Thị trấn thì phải nộp 5 triệu đồng, người địa phương khác thì phải nộp 15 triệu đồng. Mục đích của quy định này là nhằm đóng góp xây dựng nghĩa trang, nhưng theo ý kiến người dân thì điều này là vô lý, bởi đóng góp phải trên tinh thần tự nguyện chứ không thể bắt buộc".

Ngày 13/6/2013, UBND Thị trấn Nam Đàn có Công văn số 10/CV-UBND trả lời Báo Nghệ An như sau:

Thực hiện Quyết định số 3060/QĐ-BNN-XD, ngày 7/10/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng cống Nam Đàn và hệ thống kênh, giai đoạn 1 xây dựng mới cống Nam Đàn 2, tỉnh Nghệ An. Năm 2008, Nhà nước triển khai xây dựng công trình thủy lợi cống Nam Đàn 2.

Trong quá trình triển khai dự án, Nhà nước đã lập hồ sơ, phương án bồi thường GPMB để thu hồi và bồi thường toàn bộ diện tích của Nghĩa trang Thị trấn Nam Đàn thuộc xứ đồng Cồn Nẩy. Sau đó UBND huyện Nam Đàn đã quy hoạch mới Nghĩa trang xứ Cây Dù, xóm 8, xã Nam Thái với tổng diện tích 1,2 ha. Tổng kinh phí đền bù và xây dựng nghĩa trang gần 7 tỷ đồng, được lấy từ nguồn ngân sách của địa phương và nguồn vốn hỗ trợ của huyện. Công trình hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 1/2013. Để tăng cường công tác quản lý của Nhà nước về nghĩa trang, tháng 6/2012, UBND Thị trấn Nam Đàn đã thành lập một tổ soạn thảo xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng nghĩa trang, do đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Nam Đàn làm tổ trưởng.

Quá trình tổ chức soạn thảo và xin ý kiến đóng góp của nhân dân, các tổ chức liên quan đúng quy trình. Sau khi Dự thảo quy chế được soạn thảo xong và được gửi xuống tận 10 khối dân cư để Ban cán sự khối tổ chức họp lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Tiếp thu ý kiến của nhân dân, UBND Thị trấn đã tổng hợp và hoàn thiện Quy chế. Lập tờ trình số 2 ngày 2/1/2013 gửi HĐND Thị trấn về việc thu tiền sử dụng mặt bằng hung táng - cải tạo mồ mả tại nghĩa trang Thị trấn. Tại kỳ họp thứ 5 HĐND Thị trấn sau khi xem xét tờ trình đã thống nhất biểu quyết thông qua bằng Nghị quyết số 04 ngày 9/1/2013 với mức thu:

* Đối với công dân có hộ khẩu thường trú tại Thị trấn Nam Đàn có nhu cầu an táng tại nghĩa trang: Hung táng: 1.500.000đ; An táng 1 lần: 5.000.000đ (Mai táng vĩnh viễn không cải táng); Cải táng: 1.000.000đ

Đối với người không có hộ khẩu tại Thị trấn Nam Đàn có nhu cầu an táng tại nghĩa trang: Hung táng: 10.000.000đ; An táng 1 lần: 15.000.000đ (Mai táng vĩnh viễn không cải táng); Cải táng: 5.000.000đ.

Số tiền thu được UBND Thị trấn quản lý, được sử dụng hạch toán, quyết toán đầy đủ đúng quy định nguyên tắc tài chính hiện hành theo hệ thống sổ sách tài chính. Chi phí cụ thể như sau: Bảo trì sửa chữa nghĩa trang, mua đất, cát để lót mộ, đắp mộ phục vụ chôn cất người quá cố; Chi trả tiền công cho Ban Quản trang, bao gồm quản lý và bảo vệ nghĩa trang, chi tiền hương khói tại nghĩa trang vào các ngày Rằm, mồng Một và các ngày lễ khác theo tập quán của địa phương.

Do thực trạng hiện nay Thị trấn không có đất để quy hoạch nghĩa trang, nghĩa trang mới tại xóm 8, xã Nam Thái chật hẹp, trong lúc đó nhu cầu của cuộc sống ngày càng cao về tâm linh, từ những lý do trên, để bảo đảm về lâu dài, UBND Thị trấn xin ý kiến của nhân dân để đề ra mức thu như trên đối với người ngoài địa phương khi qua đời có nhu cầu được mai táng tại nghĩa trang Thị trấn thì nộp một khoản kinh phí nhất định, nhằm hạn chế người ngoài địa phương, không khuyến khích người ngoài địa phương vào mai táng, còn đối với nhân dân Thị trấn thì mức thu trên là hợp lý được nhân dân đồng tình cao.

Việc công dân phản ánh UBND Thị trấn thu 5.000.000đ cho một lần mai táng là phản ánh chưa đầy đủ: Mức thu 5.000.000đ đối với người có nhu cầu mai táng một lần không cải táng, hình thức mai táng này chiếm diện tích nhiều hơn (gấp 4,5 lần diện tích đất cải táng) nên mức thu 5.000.000đ là hợp lý.

Như vậy, ý kiến công dân phản ánh trên mục Thông tin đường dây nóng tới quý Báo có thể là do chưa thật hiểu rõ tại sao lại đề ra một số mức thu cao. UBND Thị trấn xin làm rõ và mong quý Báo thông tin lại với người đã gửi thông tin tới quý Báo và nhân dân được biết.

Trước hết, Báo Nghệ An chân thành cảm ơn UBND Thị trấn Nam Đàn đã có hồi âm kịp thời từ thông tin đường dây nóng đăng trên báo. Tuy nhiên, Báo Nghệ An cũng xin được trao đổi lại như sau:

Theo quy định tại Khoản 5, Điều 111, Luật Tổ chức HĐND và UBND trong lĩnh vực kinh tế, UBND xã, thị trấn có quyền hạn: “Huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của xã, thị trấn trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện. Việc quản lý các khoản đóng góp này phải công khai, có kiểm tra, kiểm soát và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ theo quy định của pháp luật”.

Và theo Điều 35, Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002 cũng quy định: “Ngoài các khoản thu được phân cấp theo quy định tại Điều 34 của luật này, chính quyền xã, thị trấn, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được huy động sự đóng góp của tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của xã, thị trấn, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo nguyên tắc tự nguyện.

Việc huy động, quản lý, sử dụng khoản đóng góp này phải công khai, có kiểm tra, kiểm soát và bảo đảm đúng mục đích, đúng chế độ theo quy định của pháp luật”; Khoản 3, 4, Điều 27, Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Ngân sách Nhà nước quy định: “3. Khi có nhu cầu huy động sự đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của xã, thị trấn, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Uỷ ban nhân dân lập phương án báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định. 4. Nguồn thu từ các khoản huy động đóng góp tự nguyện được hạch toán thu ngân sách địa phương, được quản lý công khai, có kiểm tra, kiểm soát và bảo đảm sử dụng đúng mục đích, đúng quy chế dân chủ ở cơ sở và hướng dẫn của Bộ Tài chính”.

Mặt khác, theo Điểm b, Khoản 1, Chỉ thị số 24/2007/CT - TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chấn chỉnh việc thực hiện các quy định của pháp luật về phí, lệ phí, chính sách huy động và sử dụng các khoản đóng góp của nhân dân quy định: “Đối với các khoản huy động đóng góp tự nguyện để xây dựng cơ sở hạ tầng, huy động đóng góp mang tính chất xã hội, từ thiện, phải thực hiện theo đúng nguyên tắc tự nguyện. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp không được ra văn bản bắt buộc đóng góp, không được giao chỉ tiêu huy động cho cấp dưới, không gắn việc huy động đóng góp với việc cung cấp các dịch vụ công mà người dân được hưởng.

Chỉ đạo các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp dưới rà soát, bãi bỏ ngay các văn bản huy động đóng góp của nhân dân không đúng quy định trước đây”.

Bên cạnh đó, tại Điều 10, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn cũng quy định: “Nhân dân bàn và quyết định trực tiếp về chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí và các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật.”

Đối với các quy định trên thì UBND cấp xã, thị trấn có thẩm quyền huy động đóng góp của nhân dân để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của xã, thị trấn nhưng phải dựa trên nguyên tắc dân chủ, tự nguyện và thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật, tức là việc huy động đóng góp của nhân dân phải mang tính chất toàn dân trên địa bàn thị trấn và dựa trên tinh thần dân chủ, tự nguyện. Do đó, việc HĐND Thị trấn Nam Đàn ban hành văn bản, trong đó quy định cụ thể mức thu đóng góp tiền sử dụng đất đối với công dân có hộ khẩu thường trú tại Thị trấn Nam Đàn và công dân không có hộ khẩu thường trú tại Thị trấn nhưng có nhu cầu an táng tại nghĩa trang là không đúng quy định về huy động đóng góp của nhân dân để xây dựng kết cấu hạ tầng theo quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân; Luật Ngân sách Nhà nước mà mang tính chất như thỏa thuận mua bán đất an táng giữa chính quyền và người dân có nhu cầu an táng tại nghĩa trang.

Theo văn bản, thực tế thì mức đóng góp tiền sử dụng đất đối với người dân có nhu cầu an táng là khoản thu bắt buộc dẫn đến trường hợp người dân có hộ khẩu thường trú ở thị trấn qua đời nhưng do nghèo hoặc không đủ tiền để đóng góp cho chính quyền chẳng lẽ chính quyền thị trấn lại không cho họ được chôn cất. Nếu không được chôn cất thì người dân phải đi an táng ở đâu?

Mặt khác, theo Khoản 6, Điều 33, Luật Đất đai 2003 thì đất làm nghĩa trang, nghĩa địa thuộc trường hợp được Nhà nước giao đất nhưng không thu tiền sử dụng đất. Vì vậy, HĐND Thị trấn quy định việc thu tiền sử dụng mặt bằng hung táng - cải tạo mồ mả tại Nghĩa trang Thị trấn Nam Đàn là trái với quy định tại Khoản 6, Điều 33, Luật Đất đai 2003.

UBND thị trấn Nam Đàn – Báo Nghệ An

Xung quanh việc thu tiền sử dụng mặt bằng an táng tại Nghĩa trang Thị trấn Nam Đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO