Xuống núi gieo ước mơ

10/12/2013 18:08

(Baonghean) - Dù cái khó, cái nghèo ở miền đại ngàn Kỳ Sơn còn đó, dù đồng bào các dân tộc nơi đây chưa thể chuẩn bị được một cách đủ đầy cho những đứa con thương yêu của mình trong cái mặc, cái ăn; nhưng không vì thế mà họ quên đi ước mơ đổi thay số phận cho con cái của mình.

(Baonghean) - Dù cái khó, cái nghèo ở miền đại ngàn Kỳ Sơn còn đó, dù đồng bào các dân tộc nơi đây chưa thể chuẩn bị được một cách đủ đầy cho những đứa con thương yêu của mình trong cái mặc, cái ăn; nhưng không vì thế mà họ quên đi ước mơ đổi thay số phận cho con cái của mình.

Từ những xã xa xôi nhất của huyện nhà như miền “khát” Huồi Tụ, Keng Đu đến cổng trời Mường Lống… đâu đâu cũng rộn ràng bước chân trẻ thơ cắp sách tới trường. Tạm gác lại những rẫy nương, tạm rời xa gùi rau, ngô, củi; các em còn có việc lớn lao hơn phải làm: đi học. Đi học để xóa cái nghèo cho quê hương, xua đi những nhọc nhằn, lầm lũi vì cơm áo. Chính vì thế mà nhiều bước chân xuống núi, qua đèo không hề mệt mỏi. Phía trước là một tương lai…

l Học sinh khối 6 Trường THCS DTNT Kỳ Sơn thi rung chuông vàng.
Học sinh khối 6 Trường THCS DTNT Kỳ Sơn thi rung chuông vàng.

Cách đây chưa lâu, cô giáo trẻ Lê Thị Lý công tác tại Trường Tiểu học xã Mường Típ kể một câu chuyện nghe phải cười, nghĩ phải lo đến xót: “Ngày đó, mới về trường nhiệm vụ chính được phân công là mỗi sáng sớm đi vô bản gọi học sinh đến lớp. Nếu không thì các em sẽ theo cha mẹ đi lên rẫy; hoặc có đi học thì cũng la cà dọc đường nên giờ học thường phải muộn hơn chừng 30 phút. Có bữa, không tìm thấy một em nào trong bản, cũng chẳng thấy tới lớp trong khi bố mẹ chúng đã mang cặp đi học từ sáng. Lo hoảng lên, chạy ra phía khe suối thì thấy tất cả cặp sách và quần áo vứt chỏng chơ trên các phiến đá, còn đám học sinh đang hè nhau mò rêu, bắt cá dưới suối. Thấy cô giáo, chúng còn cười toe “cô ơi, cá cô ạ”…”. Nhưng đó là chuyện ngày trước. Chuyện không thích đi học bây giờ đã “xưa” rồi.

l Xồng Rê Mi tự học trên lớp.
Xồng Rê Mi tự học trên lớp.

Trên mảnh đất mà sương mây, núi cao, đèo sâu vây bủa bốn bề này cuộc sống đang dần đổi thay nhờ cái chữ. Đồng bào đã nhận thấy sự học quan trọng đến chừng nào. “Vì đơn giản là đứa con được đi học của mình về nhà nấu bát canh ngon hơn, giặt bộ đồ sạch hơn, quan trọng nhất là nghe nó bảo “bám vào rừng mà sống mãi thì không thể giàu lên được nếu không có hiểu biết để áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Bây giờ làm gì cũng cần có kiến thức”. Đó là chia sẻ của người cha Xồng Bá Chá ở xã Na Ngoi có 2 cô con gái là Xồng Rê Mi và Xồng Vi Va đều học ngoài trường huyện. Anh chị đã gom góp, chắt chiu, hy sinh hết mình cho 2 con. Anh phân tích cho con hiểu “Học là con đường đúng đắn và nhanh nhất để có thể làm được những gì mình mơ ước”. Con gái đầu của anh, cô bé Xồng Rê Mi đã xa nhà trọ học từ lớp 3 tại Trường Tiểu học Thị trấn Mường Xén và nay đang học lớp 9. Liên tục nhiều năm liền, Rê Mi là một học sinh xuất sắc. Em ước mơ sẽ trở thành một doanh nhân trong tương lai. Tôi tin em vì đơn giản em có ước mơ và em đang xây đắp nó một cách miệt mài…

Hỏi thăm một bà mẹ người Mông từ bản Huồi Pốc đưa con ra trọ học ở Trường THCS Dân tộc bán trú Nậm Càn “Con gái đang còn bé thế cho nó đi xa chị có lo lắng không?”. Chị bối rối: “Thì cũng không yên tâm lắm nhưng để con đi về vất vả quá, phải cho con đi học bán trú để nó thành cô giáo. Nó nói không bao giờ lấy chồng sớm như mẹ, cũng không đi làm rẫy cả đời như cha”.

Nếu chỉ để lên núi phát rẫy làm nương người ta cần một đôi chân khỏe và một đôi tay dẻo nhưng để lên được những đỉnh núi trí tuệ nhân loại lại cần rất nhiều sự nỗ lực, cố gắng không ngừng. Dẫu giáo dục miền núi còn có khoảng cách so với miền xuôi nhưng tôi tin với nhiều bước chân xuống núi không biết mỏi của những thế hệ học trò hôm nay, các em sẽ tỏa sáng.

Tuệ Vũ

(Trường THCS DTNT Kỳ Sơn)

Mới nhất
x
Xuống núi gieo ước mơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO