Y án tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc

07/05/2014 16:30

HĐXX cho rằng cần áp dụng hình phạt cao nhất mới có tính răn đe và tuyên tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc.

Sau gần 7 ngày nghỉ nghị án, 14h ngày 7/5, HĐXX phiên tòa theo trình tự phúc thẩm đã tuyên án đối với 9 bị cáo trong vụ án “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Chủ tọa phiên tòa là ông Nguyễn Văn Sơn - Thẩm phán TAND Tối cao cùng 2 thẩm phán Nguyễn Đức Nhuần và Phạm Thị Minh Thu.

9 bị cáo được đưa ra xét xử đã có mặt tại tòa. Có 16 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, trong đó Dương Chí Dũng có 3 luật sư, Mai Văn Phúc có 2 luật sư bào chữa.

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm ngày 7/5
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm ngày 7/5

Tham dự phiên tòa còn có đại diện của các Bộ, ngành như: Bộ Tài Chính; Cục Đăng Kiểm; Bộ GTVT, Ngân hàng Hàng hải, nhân chứng, nguyên đơn dân sự và những người có nghĩa vụ liên quan.

Tại phiên tòa cấp phúc thẩm, đối với 2 bị cáo có vai trò chủ chốt của vụ án là Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, đại diện VKS Tối cao đề nghị giữ nguyên mức án tử hình. Đối với các bị cáo thuộc nhóm Hải quan, VKS đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Trước đó, sau phiên tòa cấp sơ thẩm, 9/10 bị cáo trong vụ án tham nhũng ở Vinalines đã có đơn kháng án xin giảm nhẹ hình phạt, trong đó 2 bị cáo Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc có đơn kêu oan.

Tại bản tuyên án chiều nay, về tội danh “Cố ý làm trái…”, HĐXX xét thấy, việc Vinalines phê duyệt nhà máy sửa chữa tàu không đúng với phát triển ngành, không đúng với chỉ đạo của Chính phủ… Trách nhiệm trực tiếp và xuyên suốt thuộc về Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, các bị cáo khác có trách nhiệm liên đới.

Khi mua ụ nổi 83M, các bị cáo đã không thực hiện quy định của luật đấu thầu. Đối với văn bản của Chính phủ về chỉ định thầu mà các luật sư đưa ra, thì đấy là chỉ định thầu một số hạng mục xây dựng… của dự án, chủ tọa Nguyễn Văn Sơn khẳng định.

Khi chưa có đầy đủ chứng từ đầy đủ, các bị cáo vẫn ủy nhiệm chi số tiền 9 triệu USD để đưa ụ nổi 83M về Việt Nam…

Với những lý do đưa ra trong bản kết luận, HĐXX khẳng định: Các lý do kêu oan và chỉ nhận tội thiếu trách nhiệm là không có cơ sở chấp nhận.

Thiệt hại của các bị cáo trong vụ án gây ra là gần 367 triệu đồng. Việc truy tố tội “Cố ý làm trái…” là không oan.

Đối với tội “Tham ô tài sản”, HĐXX xét thấy, việc thỏa thuận với ông Goh về số tiền 1,67 triệu USD phải có sự chỉ đạo của Dũng và Phúc và Trần Hải Sơn là thực hiện chỉ đạo của 2 bị cáo này vì “Sơn có quan hệ tốt với Phúc và Dũng”.

Kết quả tương trợ tư pháp cũng khẳng định, Công ty AP chỉ là công ty môi giới để ăn chênh lệch trong vụ mua bán ụ nổi 83M. Hợp đồng giữa Công ty AP và Công ty Nakhodka trong việc mua bán ụ nổi 83M do Công ty GS soạn thảo. Ông Goh – Giám đốc Công ty AP ký thư tín dụng 1,67 triệu USD cho Công ty Phú Hà – do Trần Thị Hải Hà- em gái của Trần Hải Sơn quản lý.

Hai bị cáo Dũng và Phúc bị tòa sơ thẩm kết luận là chủ mưu trong việc ăn chia tiền tham ô là phù hợp với chức năng quyền hạn đối với các bị cáo trong Vinalines.

HĐXX cũng khẳng định số tiền 1,67 triệu USD chuyển cho Công ty Phú Hà là tiền của nhà nước. Các bị cáo bị truy tố tội Tham ô tài sản là có căn cứ.

Tuy nhiên, đối với Trần Thị Hải Hà đã ký khống để giúp các bị cáo chiếm đoạt số tiền 1,67 triệu USD, bản thân Hà được 2 tỷ đồng mà không bị cơ quan điều tra truy tố là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Kết luận của HĐXX cũng khẳng định: Lời khai của Sơn về việc chuyển tiền tham ô cho các bị cáo là có căn cứ với các nhân chứng, giao dịch tại ngân hàng.

Việc chưa có kết quả trong việc rút tiền bằng CMND của Sơn có thể là do sơ suất của ngân hàng. Việc Sơn không nhớ các chi tiết nhà của Phúc, số lần giao dịch lấy tiền là phù hợp với thực tế do vụ việc đã xảy ra khá lâu.

Việc tòa cấp sơ thẩm quy kết Sơn và Dũng mỗi người nhận 10 tỷ đồng là có căn cứ. Việc nhận số tiền 340 tiền đồng của Trần Hữu Chiều cũng có cơ sở….

Thiệt hại do các bị cáo gây ra có thể lên tới 500 tỷ đồng. Do vậy HĐXX cho rằng, cần có hình thức phạt tù nghiêm khắc đối với các bị cáo.

Theo đó, HĐXX giữ nguyên án tử hình đối với bị cáo Dương Chí Dũng và bị cáo Mai Văn Phúc.

Về kháng cáo kê biên tài sản, HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo của bà Phương – vợ Dũng đối với căn nhà ở phố Nguyên Hồng. HĐXX cũng chấp nhận một phần kháng cáo của chị Thảo – bồ nhí của Dương Chí Dũng về căn hộ tại Sky City.

Đối với kháng cáo của bà Ngô Thị Vân – vợ Mai Văn Phúc, HĐXX nhận định việc kê biên tài sản nhà đất ở TP Hạ Long không ảnh hưởng đến quyền lợi đối với bà Vân.

Bản án cấp phúc thẩm đối với các bị cáo:

Dương Chí Dũng - nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines – nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải, Bộ GTVT: Tử hình

Mai Văn Phúc - nguyên Tổng Giám đốc Vinalines: Tử hình

Trần Hải Sơn - nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines: 22 năm tù giam

Trần Hữu Chiều - nguyên Phó Tổng giám đốc Vinalines:19 năm tù giam

Mai Văn Khang - nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines: 7 năm tù giam

Lê Văn Dương - nguyên Đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam:7 năm tù giam

Huỳnh Hữu Đức - nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa: 6 năm tù giam

Lê Văn Lừng - nguyên cán bộ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa: 6 năm tù giam

Lê Ngọc Triện – nguyên Đội trưởng đội nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa: 6 năm tù giam/.

Theo VOV

Mới nhất

x
Y án tử hình Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO