Ý kiến cử tri gửi đến kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII

Mỹ Nga - Thanh Lê 10/12/2019 10:17

(Baonghean) - Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII (diễn ra từ ngày 10 - 12/12) đang được sự quan tâm theo dõi của cử tri. Báo Nghệ An xin đăng tải một số ý kiến của cử tri gửi đến kỳ họp.

Cử tri Phạm Thanh Hải (xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ):
Cần chính sách hỗ trợ cán bộ thôn, xóm

Thực hiện Nghị quyết 08 của HĐND tỉnh về sáp nhập khối, xóm, đến nay xã Nghĩa Phúc đã hoàn thành việc sáp nhập với đa phần người dân ủng hộ.

Tuy nhiên, sau khi sáp nhập, địa bàn các xóm rộng, dân số đông, phong tục, tập quán khác nhau, một số nhà sinh hoạt xóm chưa đảm bảo việc tổ chức hội họp do diện tích nhỏ, không ở địa điểm trung tâm của xóm.

Ngoài ra, số lượng cán bộ giảm do bố trí kiêm nhiệm, khó khăn trong công tác quản lý địa bàn. Trong khi theo quy định mới, mỗi đơn vị xóm chỉ được 3 chức danh có phụ cấp là bí thư chi bộ, xóm trưởng và trưởng ban công tác Mặt trận.

Với mức phụ cấp chưa cao, các xóm lo ngại về việc tìm người làm cán bộ xóm sau này. Do đó, chúng tôi mong muốn các cấp cần chỉ đạo sâu sát, kịp thời, cũng như hỗ trợ chính sách đối với ban cán sự xóm một cách thỏa đáng để bộ máy xóm hoạt động đồng bộ, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào tại địa phương.

Cử tri Nguyễn Văn Lam (xã Trung Sơn, huyện Đô Lương):
Tạo động lực phát triển nông thôn

Xã Trung Sơn (Đô Lương) đã về đích nông thôn mới, giai đoạn khởi đầu tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất đã hoàn thành. Cử tri xã Trung Sơn nói riêng, bà con nông dân Đô Lương nói chung mong muốn được các cấp, ngành quan tâm xây dựng quy hoạch những vùng sản xuất nông nghiệp.

Theo đó, quy mô ruộng đất được liền vùng, liền khoảnh hơn, giảm manh mún, tích tụ ruộng đất nhiều hơn, dồn điền, đổi thửa, hình thành nhiều vùng chuyên canh, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng liên kết chuỗi “3 nhà”.

Bên cạnh đó, phân tích đánh giá tổng kết các mô hình thực tiễn phát triển tốt, phát huy chủ thể của người nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới như: Sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; đưa hiệu quả sử dụng đất, đưa cơ giới vào sản xuất ngày càng tăng. Tất cả nhằm tạo động lực cho người nông dân vươn lên phát triển.

Cử tri Phạm Văn Bắc (xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn):
Hỗ trợ xây dựng bờ kè sông Lam

Vĩnh Sơn (Anh Sơn) là xã thuần nông, đời sống người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, nhiều năm qua diện tích đất nông nghiệp ở địa phương đang bị thu hẹp dần do tình trạng sạt lở đất bãi bồi sông Lam diễn ra ngày càng nghiêm trọng.

Để khắc phục tình trạng đó, người dân địa phương đã dùng nhiều biện pháp để giữ đất như ra sức kè, đắp, trồng tre nhưng tình trạng sạt lở vẫn diễn ra.

Tình trạng đó, một phần do thiên tai, lũ lụt. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xuất phát từ đầu nguồn do thủy điện xả lũ, còn ở hạ du tàu thuyền khai thác cát, sạn ngày càng nhiều, lại hút gần bờ sông nên gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng.

Qua từng mùa mưa lũ, dòng sông Lam cứ xói lở dần, người dân bị mất đất sản xuất nông nghiệp, khiến rất nhiều người lo lắng. Cử tri chúng tôi mong muốn HĐND tỉnh xem xét hỗ trợ người dân xã Vĩnh Sơn và những địa phương nằm bên bờ sông Lam xây dựng kè để chống sói lở, giữ đất sản xuất.

Cử tri Lê Tiến Sáu (thị xã Hoàng Mai):
Xử phạt người đi lao động nước ngoài trái phép

Nghệ An là tỉnh có số lượng người lao động xuất khẩu lớn. Việc xuất khẩu lao động đã góp phần quan trọng trong giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, là cơ hội để lao động nông thôn nâng cao chất lượng đời sống.

Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền về lao động xuất khẩu chính ngạch, tuy nhiên, nhiều người dân vẫn dễ dàng mắc bẫy hoặc cố tình đi nước ngoài lao động trái phép.

Đáng ngại nhất là lao động trái phép làm xấu hình ảnh lao động của Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng tại nước ngoài, gây ảnh hưởng không tốt tới tình hình xuất khẩu lao động của tỉnh với các nước. Để hạn chế số lao động trái phép tại nước ngoài, từ thực tế cho thấy, các cấp, ngành cần đưa ra những cơ chế xử phạt đối với những trường hợp lao động trái phép, răn đe nghiêm ngặt.

Ngoài ra, đối với lao động phổ thông như chúng tôi, khi vào làm tại một doanh nghiệp nước ngoài hoặc đi xuất khẩu lao động, gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp, kỹ năng làm việc, hy vọng các cấp, ngành quan tâm hơn nữa việc đào tạo ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết cho lao động.

Cử tri Lô Thị Lân (xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong):
Tạo sinh kế phát triển bền vững vùng dân tộc miền núi

Hiện nay, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi như huyện Quế Phong vẫn đang chịu nhiều thiệt thòi. Hạ tầng điện, đường, trường, trạm vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở các xã vùng cao còn rất thiếu thốn; tỷ lệ hộ nghèo, người dân không có việc làm ở mức cao; vấn đề đất ở, đất sản xuất hay nước sinh hoạt còn nhiều hạn chế. Nhất là chưa tạo được sinh kế phát triển bền vững cho bà con.

Lô Thị Lân - quế phong - quotes

Thời gian qua, Trung ương, tỉnh đã có nhiều chương trình, dự án lồng ghép hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc miền núi phát triển. Tuy nhiên, nhiều chính sách chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Được biết, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa qua đã thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 với số tiền đầu tư rất lớn (335.421 tỷ đồng), với quan điểm xuyên suốt, bao trùm của Đề án là đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững, phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng.

Cử tri mong muốn Đề án sớm được triển khai theo đúng lộ trình đề ra, từ đó góp phần thay đổi đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn. Đặc biệt, khắc phục được tính dàn trải mà sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư có trọng điểm, tạo sinh kế, phát huy vai trò tự lực vươn lên của đồng bào, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi phát triển nhanh, bền vững.

Ý kiến cử tri gửi đến kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO