Ý kiến đóng góp của nhân dân vào Luật đất đai (sửa đổi) là một kênh thông tin quý báu

28/03/2013 09:37

TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) đã khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh việc triển khai lấy ý kiến đóng góp của toàn dân vào Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này.

TS Đinh Xuân Thảo khẳng định, các quy định về đất đai trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có những tiến bộ nhất định nhưng chưa phản ánh được nguyện vọng của nhân dân và chưa định hướng cơ bản trong thời gian dài. Bởi vì Hiến pháp có tính ổn định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của Nhà nước trong nhiều năm. Theo đó, bày tỏ sự thống nhất với quy định đất đai là tài nguyên của quốc gia, là nguồn lực quan trọng để phát triển đất nước, được quản lý theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Tổ chức cá nhân được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định, lâu dài hoặc có thời hạn.

TS Đinh Xuân Thảo (Ảnh: HNV)

TS Đinh Xuân Thảo cho biết, sửa đổi Luật đất đai lần này cần đảm bảo thống nhất và phù hợp theo các quy định của Hiến pháp hiện hành (Điều 17 và Điều 18) và Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (Điều 57 và Điều 58). Đáng chú ý, đã có một số điểm mới trong điều chỉnh này. Cụ thể, đã thừa nhận quyền sử dụng đất là quyền tài sản được nhà nước tôn trọng và bảo vệ đồng thời nêu rõ các trường hợp thu hồi đất. Tuy nhiên, TS Thảo cũng lưu ý, cả trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp và Luật đất đai (sửa đổi) lần này đều cần phải cân nhắc, nghiên cứu thay thế cụm từ “thu hồi” bằng “trưng mua, trung dụng quyền sử dụng đất”. Việc thu hồi đất chỉ trong trường hợp cần thiết, vì lý do quốc phòng, an ninh, vì lợi ích quốc gia, công cộng và các dự án trọng điểm về kinh tế, xã hội.

TS Thảo bày tỏ sự đồng tình với những đóng góp cho rằng, việc trưng mua phải sát giá thị trường để đảm bảo hài hòa lợi ích của người sử dụng đất bị thu hồi và nhà đầu tư. Và phải phân chia rõ ràng, rành mạch theo nhóm giá: nếu trưng mua, trưng dụng vì lý do an ninh quốc phòng, quốc gia thì phải theo một giá quy định; nếu vì lợi ích công cộng, dự án phát triển kinh tế - xã hội thì phải thỏa thuận.

Cũng theo TS Đinh Xuân Thảo, nếu lần này làm rõ được các nội dung trên thì đây là đột phá trong vấn đề quản lý đất đai, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, lợi ích của tổ chức, cá nhân được giao đất và cả lợi ích của nhà đầu tư, để kinh tế - xã hội phát triển.

Một điểm mới nữa là vấn đề quy hoạch. Cần làm rõ ràng với các quy định chi tiết cụ thể, thể hiện được vai trò quản lý của Nhà nước đối với đất đai. Đồng thời, xem xét, cân nhắc việc phân cấp quy hoạch, chỉ nên cấp dành cho cấp Trung ương đến cấp tỉnh và huyện, không nên để ở cấp xã. Thêm nữa, quy hoạch phải công khai, minh bạch, tức là quy hoạch đó làm sao mọi người phải biết, lấy ý kiến của nhân dân và các cấp chính quyền cơ sở. Sau khi biết phải công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là giải pháp quan trọng số 1 trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Thực tế, hiện nay, tham nhũng lớn nhất hiện nay là từ đất đai, do đó, công khai, minh bạch là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn hiện tượng này.

Còn một tồn tại, bức xúc ở nhiều nơi trong cả nước xuất phát từ chính quy hoạch treo và quy hoạch làm theo từng lớp cán bộ, từng nhiệm kỳ nên thiếu thống nhất, công khai, minh bạch. Bởi vậy, nếu cân nhắc kỹ càng và thông tin rộng rãi thì sẽ khắc phục tình trạng trên.

Thực tế hiện nay, giá đền bù đất, trong quy định pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập, bức xúc dẫn đến khiếu kiện của dân và hơn 70% khiếu kiện liên quan tới đất đai và trong số khiếu kiện đất đai trên 70% liên quan tới đền bù, vì thế, vấn đề về giá đất hết sức quan trọng. Trở lại vấn đề về giá đất và đền bù lần này, theo TS Đinh Xuân Thảo, dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) dành hẳn 1 chương về tài chính đất (Chương VIII: Tài chính về đất đai và giá đất), trong đó có mục 3 về đấu giá quyền sử dụng đất. Theo quy định luật hiện hành, Chính phủ quy định khung giá đất hàng năm, HĐND và UBND tỉnh quyết định bảng giá đất áp dụng từ 1/1 hàng năm. Tuy nhiên, theo dự thảo sửa đổi lần này, khung và bảng giá đất được xây dựng trong 5 năm. Đây là một điểm khá hợp lý vì nó liên quan đến quy hoạch, không thể điều chỉnh trong một năm một, vừa mất thời gian vừa không đảm bảo tính công bằng nhất định khi thực hiện triển khai đền bù, hỗ trợ, bồi thường tái định cư khi triển khai dự án. Điều này cũng sẽ góp phần tạo thuận lợi cho việc triển khai dự án và hạn chế tình trạng khiếu kiện..

Bàn về sở hữu đất đai, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cũng khẳng định “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật”. Để củng cố thêm lập luận này, TS Thảo cho rằng, điều này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam, Nhà nước thay mặt toàn dân quản lý và phân bổ đất đai, đảm bảo điều tiết quá trình phân phối địa tô công bằng, ngăn ngừa khả năng số ít chiếm dụng phần lớn địa tô, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận bình đẳng và trực tiếp với đất đai, xóa bỏ tình trạng dùng độc quyền sở hữu đất đai bóc lột người sử dụng đất.

Hơn nữa, quy định này cũng là cách ghi nhận thành quả cách mạng về đất đai của dân tộc ta, dù đất đai là tự nhiên, vốn đất đai quý báu ngày nay có được là do công sức, mồ hôi, xương máu của biết bao thế hệ người Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam là nước nông nghiệp, khoảng 70% là nông dân, bình quân đất sản xuất thấp nhất thế giới. Do đó, đất đai là điều kiện vật chất đảm bảo việc làm, đời sống ổn định cho nông dân. Bên cạnh đó, nội hàm quyền sử dụng đất theo quy định hiện hành không hạn chế quyền của tổ chức, cá nhân sử dụng đất. Đặc biệt, quy định này giữ được ổn định về quan hệ đất đai, ngăn ngừa xung đột, phức tạp về mặt xã hội./.


Theo ĐCSVN - ĐT

Mới nhất

x
Ý kiến đóng góp của nhân dân vào Luật đất đai (sửa đổi) là một kênh thông tin quý báu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO