Y tế học đường: Không thể xem nhẹ

21/11/2014 15:07

(Baonghean) - Y tế học đường có vai trò cực kỳ quan trọng trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho những thế hệ tương lai của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay ở hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đều không có cán bộ y tế chuyên trách, cho thấy công tác này chưa được đầu tư, quan tâm đúng mức…

Năm học này, Trường Mầm non Quang Trung 2 (TP, Vinh) tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho 374 trẻ trong toàn trường. Qua đợt khám này, nhà trường đã phát hiện gần 40% trẻ mắc bệnh về răng miệng. Tỷ lệ này cũng khá cao ở các em nhỏ lứa tuổi tiểu học và trung học cơ sở. Kết quả khám sức khoẻ định kỳ đầu năm tại Trường Tiểu học Hưng Dũng 1 cho thấy có hơn 46% học sinh mắc các bệnh về răng và 20% học sinh bị các bệnh về mắt.

Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 (TP. Vinh) tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho học sinh.
Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 (TP. Vinh) tổ chức khám sức khoẻ định kỳ cho học sinh.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế Thành phố Vinh, năm học 2013 – 2014, số học sinh mắc các bệnh răng miệng chiếm tỷ lệ khá cao; đặc biệt là các bậc học thấp (bệnh răng miệng ở bậc mầm non chiếm trên 20%, tiểu học chiếm 27%). Còn bệnh mắt học đường có chiều hướng gia tăng theo các bậc học từ mầm non lên tiên tiểu học, trung học cơ sở. Cụ thể, tỷ lệ học sinh tiểu học mắc cận thị học đường là trên 10%, còn tiểu học là 27%, còn cấp hai con số này là 30%. Theo ông Nguyễn Văn Minh – Trưởng khoa Y tế công cộng, Trung tâm Y tế thành phố, nguyên nhân chủ yếu áp lực học tập của học sinh ngày càng lớn, nhưng cơ sở vật chất tại một số trường học chưa đảm bảo về chất lượng và tiêu chuẩn; thời gian học tập, nghỉ ngơi không hợp lý; nhiều trẻ hiện nay tiếp xúc sớm với các loại thiết bị công nghệ nên ảnh hưởng đến thị lực. Điều đáng nói là nhiều bậc phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến các sức khoẻ của con em mình và coi các bệnh học đường là bệnh thường gặp. Trong các đợt khám sức khỏe cho học sinh tại trường học, nhiều em bị tật cận thị đến 2-3 độ, nhưng bản thân các em cũng như phụ huynh không hề biết. Chính vì vậy, các em không được chăm sóc, điều trị kịp thời nên bệnh ngày càng nặng, ảnh hưởng đến việc học tập của các em”.

Trường Mầm non Tam Đình (Tương Dương) nằm trên địa bàn miền núi, đa số dân cư thuộc hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, mặt khác, số học sinh toàn trường lên đến 275 em, chia làm 7 điểm trường. Với số lượng học sinh đông và đặc thù các điểm trường lẻ nằm cách xa nhau nên việc thường xuyên tổ chức thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho học sinh và giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn. Cô giáo Hồ Thị Thanh - Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ: “Trường còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, cả những hạn chế về nhận thức của học sinh và phụ huynh, nhưng thiếu thốn bức thiết nhất vẫn là thiếu nhân viên y tế chuyên trách. Không có nhân viên y tế, chúng tôi phải luân phiên nhau kiêm nhiệm!”. Sự kiêm nhiệm ấy đã diễn ra liên tục trong thời gian dài mà dường như chưa có giải pháp nào khả thi hơn. Hiện, trường kết hợp với Trạm Y tế xã Tam Đình duy trì việc thăm khám sức khỏe cho trẻ vào thời điểm đầu năm học, còn suốt thời gian dài sau đó do không có kinh phí, nên không thể tổ chức. Việc phòng chống dịch bệnh theo mùa cũng hoàn toàn phụ thuộc vào trạm y tế xã, còn các giáo viên của trường chỉ biết động viên nhau cố gắng giữ gìn vệ sinh cảnh quan chung của trường, lớp, vật dụng dạy học và chăm sóc trẻ tốt nhất trong điều kiện có thể.

Như vậy có thể thấy, vấn đề thiếu và yếu nhân viên y tế học đường đã trở thành lỗ hổng lớn trong công tác chăm sóc sức khỏe thể chất - điều quan trọng không kém so với việc giáo dục kiến thức cho học sinh. Chúng tôi đã đi thực tế tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, và nguyên nhân chủ yếu được chỉ ra là do thiếu định biên. Bà Võ Thị Tuyết Chinh- Phó Trưởng phòng GD- ĐT huyện Tương Dương bày tỏ băn khoăn: “Chúng tôi cũng rất trăn trở trước thực trạng ngành Giáo dục toàn huyện chỉ có 3 nhân viên y tế học đường, nhưng lực bất tòng tâm bởi định biên hiện rất hạn chế. Hai năm về trước, chúng tôi không có thêm định biên nào để tuyển dụng. Hy vọng năm nay, tình hình sẽ được cải thiện để phần nào giải quyết những bất cập về nhân sự y tế học đường.”

Công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh có một vị trí vô cùng quan trọng, vừa góp phần tăng cường sức khoẻ đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả học tập của các em. Song hiện nay cơ sở vật chất trường học và hệ thống y tế học đường trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hầu hết các trường học đều bố trí phòng y tế chung với các bộ phận khác, một số trường điểm lẻ ở miền núi vẫn chưa có phòng y tế. Nhân lực để chăm sóc sức khỏe cho học sinh hều hết là kiêm nhiệm, chỉ có khoảng 45% nhân viên y tế chuyên trách. Ngoài ra nguồn kinh phí để phục vụ các công tác y tế trường học hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn bảo hiểm y tế học sinh nhưng hiện nay toàn tỉnh tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế mới đạt 88%.

Trao đổi về vấn đề này, bác sỹ Nguyễn Văn Cầu, phụ trách công tác y tế học đường của Sở GD&ĐT cho biết, để hạn chế sự gia tăng các bệnh học đường trong các nhà trường, trong thời gian qua, ngành Giáo dục Nghệ An phối hợp với ngành Y tế tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát công tác chăm sóc sức khoẻ học đường. Hàng năm, ngành có sự phối hợp với các đơn vị y tế tổ chức khám sức khoẻ định kỳ và khám, tư vấn miễn phí cho các học sinh; chú trọng triển khai việc thực hiện bảo hiểm y tế học sinh. Để nâng cao hiệu quả công tác y tế trong các trường học, thời gian tới, chúng tôi phấn đấu nâng tỷ lệ học sinh tham gia bảo hiểm y tế, trong năm học 2014 – 2015 cố gắng đạt tỷ lệ 95%. Ngày 3/10/2014, Sở GD&ĐT có Công văn số 1982 về việc rà soát đội ngũ nhân viên y té học đường, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ gửi phòng GD - ĐT các huyện, thị, thành và các trường THPT trên địa bàn toàn tỉnh.

Trong đó nhấn mạnh, các đơn vị phải kết hợp với các trường chuyên nghiệp mở lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành trong trường hợp nhân viên y tế chuyên trách chưa có bằng tốt nghiệp chuyên môn từ trung cấp y trở lên. Còn đối với nhân viên y tế kiêm nhiệm thì phải được bồi dưỡng và có chứng chỉ về nghiệp vụ y tế trường học. Đối với những trường chưa có nhân viên y tế, phải tuyển dụng theo đúng quy định của ngành Y tế. Như vậy, trước mắt vẫn phải chấp nhận tồn tại hình thức nhân viên y tế kiêm nhiệm với các công việc khác, còn về lâu dài, định biên dành cho ngành Giáo dục sẽ được ưu tiên phần lớn cho nhân viên y tế, mà đặc biệt là nhân viên y tế tại các trường mầm non. Hy vọng trong thời gian tới, công tác y tế học đường sẽ được quan tâm, cải thiện...

Bài, ảnh: Phương Chi - Đinh Nguyệt

Mới nhất

x
Y tế học đường: Không thể xem nhẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO