Yên Thành: Phát triển mô hình kinh doanh rừng bền vững
(Baonghean.vn) - Là huyện vùng bán sơn địa, Yên Thành có 21.993,87 ha đất lâm nghiệp. Thực hiện chủ trương về phát triển KT-XH vùng gò đồi, huyện đã xây dựng mô hình kinh doanh rừng bền vững có giá trị kinh tế cao, nhằm giúp bà con phát triển các loại cây trồng mang lại hiệu quả cao trên đất gò đồi, với mô hình nông lâm kết hợp, trồng xen các loại cây dài ngày và cây ngắn ngày nhằm mục đích lấy ngắn nuôi dài một cách bền vững, đồng thời, đưa một số cây trồng mới vào trồng thử nghiệm để từ đó nhân ra diện rộng
(Baonghean.vn) - Là huyện vùng bán sơn địa, Yên Thành có 21.993,87 ha đất lâm nghiệp. Thực hiện chủ trương về phát triển KT-XH vùng gò đồi, huyện đã xây dựng mô hình kinh doanh rừng bền vững có giá trị kinh tế cao, nhằm giúp bà con phát triển các loại cây trồng mang lại hiệu quả cao trên đất gò đồi, với mô hình nông lâm kết hợp, trồng xen các loại cây dài ngày và cây ngắn ngày nhằm mục đích lấy ngắn nuôi dài một cách bền vững, đồng thời, đưa một số cây trồng mới vào trồng thử nghiệm để từ đó nhân ra diện rộng
Ông Đặng Ngọc Thư- Trạm phó Trạm Khuyến nông huyện, cho biết: Thời kỳ đầu, việc triển khai mô hình gặp khá nhiều khó khăn do các loại cây trồng mới có có chu kỳ khai thác dài, nhiều hộ dân tham gia mô hình không yên tâm trong quá trình thực hiện do chưa biết được hiệu quả thực tế. Trước tình hình đó, Trạm đã tiến hành khảo sát trên địa bàn toàn huyện và đã chọn được 6 hộ dân ở xóm 7,8 (Bắc Thành) để thực hiện mô hình.
Chuẩn bị giống keo phục vụ trồng rừng
Ban đầu, 15 ha đất gò đồi đã được chọn để trồng các loại cây như tre măng, lát Mê xicô, Dó trầm và keo lai, đồng thời trồng xen mây, hương bài, cỏ voi. Bà con còn tận dụng nuôi thêm đàn ong lấy mật. Công tác tập huấn cho các hộ dân được tiến hành thường xuyên, giúp bà con nắm bắt được quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc.
Ông Thư cho biết: Qua quá trình theo dõi, chúng tôi nhận thấy các loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên. Cây keo lai dâm hom sinh trưởng và phát triển nhanh, chu kỳ khai thác ngắn, không sâu bệnh. Đối với cây lát Mê xi cô, thời gian đầu sinh trưởng phát triển rất nhanh, dù bị sâu đục thân đục gãy ngọn nhưng cũng phù hợp với vùng sinh thái Yên Thành. Đặc biệt, đàn ong lấy mật có hệ số nhân đàn cao, từ 10 đàn năm đầu nhân thêm 8 đàn, khai thác mật cao, mỗi đàn cho 8 - 9 kg mật/năm, giá trị một đàn cho thu nhập 1- 1,2 triệu đồng/năm.
Theo đánh giá, mô hình đã giúp bà con thay đổi được tập quán trồng cây là thường trồng không đầu tư, mật độ dày cho nên các loại cây trồng sinh trưởng phát triển chậm. Người dân biết ứng dụng các tiến bộ KHKT mới, đưa các loại cây trồng mới vào trồng ở địa phương, giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập. Đặc biệt, mô hình kinh doanh rừng bền vững có giá trị kinh tế cao đã tạo nên một hệ nông lâm kết hợp giữa các loại cây trồng một cách hợp lý, một hệ sinh thái lâm nghiệp bền vững, hạn chế được hiện tượng xói mòn đất, cải tạo đất nghèo kiệt sau trồng bạch đàn, tăng độ phì cho đất. Đây được coi là một hướng đi mới, hiệu quả trong phát triển kinh tế vườn đồi ở Yên Thành.
Phú Hương