“Yêu cầu chất lượng bệnh viện huyện như tỉnh là chưa thể được!”
Qua sự kiện phát hiện vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), một số bạn đọc đã phản ánh tới báo Nghệ An rằng, chất lượng chẩn đoán, khám, chữa bệnh ở một số bệnh viện tuyến huyện ở tỉnh ta cũng đang có vấn đề. PV Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Đình Long - Giám đốc Sở Y tế để làm rõ vấn đề này.
(Baonghean) - Qua sự kiện phát hiện vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm ở Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội), một số bạn đọc đã phản ánh tới báo Nghệ An rằng, chất lượng chẩn đoán, khám, chữa bệnh ở một số bệnh viện tuyến huyện ở tỉnh ta cũng đang có vấn đề. PV Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Đình Long - Giám đốc Sở Y tế để làm rõ vấn đề này.
Tiêm chủng định kỳ cho trẻ tại Trạm Y tế xã Hưng Lộc TP. Vinh.
Ảnh: An Vinh
P.V: Một số bạn đọc phản ánh rằng, kết quả xét nghiệm, chẩn đoán có sự khác nhau giữa tuyến huyện và tuyến tỉnh nên dẫn đến khi ở tuyến huyện chẩn đoán một bệnh, đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh lại phát hiện ra bệnh khác, xin ông cho biết đâu là nguyên nhân dẫn đến việc này?
Ông Bùi Đình Long: Kết quả xét nghiệm, chẩn đoán bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như xét nghiệm máu phụ thuộc vào thời gian lấy máu, điều kiện lấy máu… Các loại bệnh cũng có diễn biến theo từng thời điểm. Ngoài ra còn phụ thuộc vào những yếu tố khách quan, một số chủ quan khác như: kỹ thuật lấy máu cũng ảnh hưởng, ngay cả hai loại máy xét nghiệm khác nhau cũng có chỉ số khác nhau, nhưng sự khác biệt là không đáng kể.
P.V: Đã có nhiều trường hợp bệnh viện huyện bảo có sỏi, lên tuyến tỉnh lại bảo không có sỏi?
Ông Bùi Đình Long: Việc này cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố
P.V: Do trình độ bác sỹ hay do thiết bị?
Ông Bùi Đình Long: Do trình độ bác sỹ là chủ yếu, ngoài ra cũng do ảnh hưởng sự di chuyển của viên sỏi, có khi nằm ở thận quá trình người bệnh vận động nó lại chạy lên niệu quản, từ niệu quản lại chạy lên bàng quang.
P.V: Một số ý kiến cho rằng, chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến huyện kém hơn hẳn so với Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Ông Bùi Đình Long: Với những bệnh thông thường giữa tuyến huyện và tuyến tỉnh không có sự khác biệt nhiều, nhưng những bệnh khó, chuyên sâu thì sự khác biệt là đương nhiên. Vì bệnh viện tuyến huyện đa số chỉ là bệnh viện hạng 3, bệnh viện tuyến tỉnh là bệnh viện hạng 1, cách nhau rất nhiều về năng lực chuyên môn. Bệnh viện tuyến huyện có khoa nhưng chỉ ở mức độ chuyên khoa rộng, còn ở bệnh viện tuyến tỉnh thì chuyên khoa sâu. Thí dụ ở bệnh viện tuyến huyện khoa ngoại - sản thì làm cả sản, cả ngoại lẫn chấn thương, lên ở tuyến tỉnh có ngoại tiêu hóa, ngoại tiết niệu…
Trong chức năng nhiệm vụ thì tuyến xã, tuyến huyện là khám, chữa bệnh thông thường. Điều trị những bệnh thông thường thì ở tuyến huyện không vấn đề gì cả. Còn những bệnh khó thì cần có sự phân cấp, như bệnh sỏi mật sau 5 - 7 ngày điều trị không khỏi ở tuyến huyện thì chuyển lên tuyến tỉnh. Ở bệnh viện tuyến huyện, một số nơi chỉ được mổ đẻ lần một, còn mổ đẻ lần 2-3 thì phải chuyển lên tỉnh...
Người dân yêu cầu bệnh viện huyện giống như bệnh viện tỉnh là khó, chưa thể được. Bệnh nặng hay bệnh nhẹ thì phải phân tuyến. Bệnh viện tuyến huyện thì mới chỉ đầu tư để khám, chữa bệnh thông thường.
PV: Vậy một số trường hợp thông thường như gãy tay, gãy chân, bó bột ở bệnh viện huyện cũng phải bó đi bó lại, có phải do trình độ bác sỹ không?
Ông Bùi Đình Long: Khi bị chấn thương gãy xương thì vị trí có thể bị sai lệch, nắn một lần cũng khó được, ngay cả tuyến tỉnh cũng thế. Cũng có thể do do trình độ bác sỹ hoặc do yếu tố bệnh lý.
P.V: Người bệnh đi khám dùng thẻ bảo hiểm y tế cho rằng vẫn còn cảm giác bị phân biệt?
Ông Bùi Đình Long: Cái này là do cảm giác người bệnh, bởi hiện nay đa số khám, chữa bệnh theo thẻ BHYT. Có bệnh viện khoảng 90% người bệnh là khám theo thẻ Bảo hiểm y tế. Việc khám, chữa bệnh, chỉ định cho người có thẻ BHYT bao giờ cũng dễ hơn người khám dịch vụ vì họ chỉ phải trả 15-20% số tiền.
P.V: Theo ông vấn đề y đức ở Nghệ An hiện nay như thế nào?
Ông Bùi Đình Long: Vấn đề y đức hiện nay còn tùy vào cách đánh giá, ở Nghệ An, chúng tôi cũng đã có nhiều cố gắng, mặc dù đang còn những yếu tố mà người bệnh cho rằng cần phải khắc phục. Nghệ An cũng là một tỉnh duy nhất có đề án về y đức được triển khai từ 2004 đến nay. So với trước đây, ngành Y đã có những tiêu chuẩn phấn đấu cụ thể hơn, tuy nhiên, cảm nhận mỗi người có sự khác nhau.
P.V: Hiện nay ở tỉnh ta vẫn còn tình trạng Giấy khám sức khỏe dễ dàng mua mà không cần khám?
Ông Bùi Đình Long: Việc cấp Giấy khám sức khỏe đã được Bộ Y tế quy định rất rõ, theo đó bệnh viện tuyến huyện hạng 3 trở lên mới được khám và cấp. Vừa rồi có một số phòng khám liên doanh với một số trung tâm đào tạo lái xe để cấp, cái đó là sai và chúng tôi đã kiểm tra chấn chỉnh, cấm rồi. Bây giờ giấy khám sức khỏe đầy đủ chuyên khoa nên chỉ có bệnh viện mới khám được.
P.V: Nhưng theo phản ánh, tại một số bệnh viện vẫn “xin” được giấy khám sức khỏe?
Ông Bùi Đình Long: Cái này có nhiều yếu tố, hiện nay chúng tôi đang chấn chỉnh vấn đề này.
P.V: Ông có lời khuyên gì để người dân yên tâm trong việc khám, chữa bệnh bước đầu?
Ông Bùi Đình Long: Khi phát hiện thấy có sự khác thường trong cơ thể thì nên đi khám sức khỏe, khám sớm, phát hiện bệnh sớm thì dễ điều trị.
Đức Dũng (Thực hiện)