"Yêu nghề, sống được bằng nghề"

28/11/2014 09:30

(Baonghean) - Gặp Hoàng Minh Khánh khi anh vừa dự Đại hội đại biểu Hội LHTN tỉnh trở về. Chúng tôi phải tranh thủ hỏi chuyện trước khi anh lên đường giao hàng. giữa bề bộn nguyên, vật liệu và các loại sản phẩm, cùng những âm thanh ồn ã từ các loại máy cưa, máy chẻ, máy bấm ghim, anh kể cho chúng tôi nghe về hành trình lập nghiệp của mình với tất cả sự tâm huyết, say mê...

Xưởng sản xuất mây tre đan của anh Hoàng Minh Khánh ở xóm 12, xã Hưng Long (Hưng Nguyên).
Xưởng sản xuất mây tre đan của anh Hoàng Minh Khánh ở xóm 12, xã Hưng Long (Hưng Nguyên).

Sinh năm 1982, là con duy nhất trong gia đình nông dân nghèo, bố mẹ đau ốm thường xuyên nên sau khi tốt nghiệp THPT, Khánh phải gác lại giấc mơ đại học, ở nhà lao động sản xuất, nuôi sống gia đình và tham gia hoạt động Đoàn tại địa phương. Hưng Long (Hưng Nguyên) là một xã thuần nông ven sông Lam, đời sống các hộ dân còn nhiều khó khăn; xóm 12 nơi gia đình Khánh ở lại nằm dưới đê nên thường ngập lụt vào mùa mưa bão, cuộc sống càng khó khăn gấp bội. Đã nhiều lần Khánh nghĩ đến chuyện vào Nam làm công nhân như nhiều thanh niên khác, nhưng thấy bố mẹ ngày càng già yếu, Khánh quyết tâm bám trụ với mảnh đất quê hương, tìm kế mưu sinh, trăn trở tìm cách thoát khỏi cảnh nghèo khó.

Cuối năm 2007, một người bà con bên ngoại của Khánh ở TP. Vinh mở cửa hàng bán vòng hoa, ngỏ ý đặt Khánh đan sản phẩm thô. Từ đó, Khánh có thêm nghề phụ. Dù thu nhập chẳng đáng là bao nhưng qua những chuyến đi giao hàng Khánh có điều kiện “mở mang tầm mắt”. Anh thấy ở cửa hàng hoa tươi gần đó, thỉnh thoảng lại có một chuyến xe từ Hà Tây (nay là Hà Nội) chở đến cửa hàng này các sản phẩm mây tre đan làm phụ kiện cắm hoa như đôn lẵng hoa, vòng hoa và giỏ đựng quà… Anh nảy ra ý tưởng mở cơ sở sản xuất mây tre đan thủ công mỹ nghệ. Anh dồn tiền mua các sản phẩm đưa về nhà, tháo tung ra tìm hiểu cách đan và làm thử. Với sự khéo tay của mình, chỉ sau một thời gian ngắn Khánh đã có thể tự mình đan được tất cả các loại sản phẩm nói trên và hướng dẫn cách làm cho các thành viên khác trong gia đình. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là việc tìm nguồn nguyên liệu.

Trong số 6 loại nguyên liệu làm nên sản phẩm đó thì ở Nghệ An chỉ có mây, tre, giang, lùng, mà cũng ở tận trên các huyện miền núi phía Tây. Còn hèo lại phải vào các huyện Hương Khê, Hương Sơn của tỉnh Hà Tĩnh; cây vọt thì phải ra tận các tỉnh Tây Bắc như Yên Bái, Hà Giang..., cọng dừa thì mãi ở tận các tỉnh trong miền Nam như Khánh Hoà, Bến Tre... Không nản chí, Khánh một mình nhảy xe khách ra Bắc, vào Nam, lên rừng mua nguyên liệu và huy động tất cả các thành viên trong gia đình cùng bắt tay vào chế tạo các sản phẩm. Vì tự sản xuất chẳng theo một đơn đặt hàng nào nên thời gian đầu, hai vợ chồng Khánh phải mang sản phẩm xuống Thành phố Vinh, đến từng cửa hàng, quầy hoa tươi để chào bán với giá rẻ hơn so với các sản phẩm tương tự từ ngoài Bắc đưa vào và nhờ họ góp ý. Từ đó, Khánh lại trăn trở nghĩ cách để sản phẩm được đẹp hơn, tinh xảo hơn.

Sự cần mẫn, chịu khó của Khánh đuợc bù đắp khi anh đã có những đơn đặt hàng đầu tiên; và nhiều cửa hàng hoa tươi trên địa bàn Thành phố Vinh lựa chọn sản phẩm của Khánh. Khi đã tạo được uy tín, thu hút được nhiều đơn hàng, Khánh nghĩ đến chuyện mở rộng quy mô sản xuất để nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho bà con địa phương. Từ mong muốn đó, anh tập hợp các thanh niên, lao động nhàn rỗi trong xóm, tổ chức dạy nghề miễn phí và phân phát nguyên liệu họ tranh thủ làm tại nhà. Cùng với đó, Khánh mạnh dạn vay vốn ngân hàng để mở rộng nhà xưởng, đầu tư các trang thiết bị như máy cưa, máy nén hơi, máy bắn ghim… mua xe tải nhỏ để vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm. Để khắc phục tình trạng gián đoạn sản xuất vào mùa mưa lũ, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, Khánh đã mua một mảnh đất hơn 600m2 ngay gần UBND xã Hưng Long mở cơ sở sản xuất thứ hai.

Với sự phấn đấu nỗ lực hết mình, Hoàng Minh Khánh đã vươn lên trở thành “triệu phú” trẻ ở làng quê. Đến nay cơ sở của anh đã sản xuất 16 loại sản phẩm hàng hóa, thu hút 10 lao động làm tập trung với mức lương từ hơn 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn có hơn 60 lao động thường xuyên nhận hàng về nhà làm, tiền công tính theo sản phẩm. Chị Lê Thị Hoài ở xóm 12, xã Hưng Long – một nhân công của xưởng cho biết: “Anh Khánh là một ông chủ trẻ rất dễ gần và rất nhiệt tình chỉ bảo chúng em trong công việc hàng ngày. Nhờ xưởng sản xuất của anh mà nhiều lao động nhàn rỗi trong xóm có được việc làm, tăng thêm thu nhập cho bản thân và gia đình”.

Sản phẩm của Khánh không chỉ tiêu thụ ở thị trường Thành phố Vinh, các huyện lân cận mà còn vươn ra Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Đà Nẵng. Mỗi năm, cơ sở của Hoàng Minh Khánh sản xuất ra từ 200.000 - 250.000 sản phẩm các loại với tổng doanh thu từ 3,5 - 4 tỷ đồng, trừ chi phí lãi ròng khoảng gần 500 triệu đồng. Theo Khánh, các mặt hàng mây, tre đan trong đó có sợi giả mây đang được khách hàng ưa chuộng. Để tồn tại với nghề, không chỉ yêu nghề, khéo tay mà còn phải nhanh nhạy nắm bắt thị trường và có chiến lược kinh doanh thích hợp.

Không những tích cực trong sản xuất, Khánh còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, từng được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ xóm 12, đại biểu HĐND xã Hưng Long. Anh là một trong những gương mặt trẻ tiêu biểu được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh năm 2011 và là 1 trong 300 nhà nông trẻ xuất sắc của cả nước được Trung ương Đoàn trao tặng Giải thưởng Lương Định Của năm 2012. Khánh chia sẻ: "Từ kinh nghiệm bản thân, tôi chỉ muốn khuyên các bạn trẻ đang bắt đầu lập nghiệp rằng, nếu đã đam mê công việc gì, nghề gì, phải làm bằng cả lòng đam mê của mình thì mới vượt qua được khó khăn, gian khổ, thách thức và cả thất bại. Yêu nghề sẽ sống được bằng nghề".

Minh Quân

Mới nhất

x
"Yêu nghề, sống được bằng nghề"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO