10 xu hướng công nghệ hàng đầu giúp thúc đẩy doanh nghiệp phát triển vào năm 2023
(Baonghean.vn) - Bản sao kỹ thuật số, chuỗi khối, Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử,… được dự báo là những xu hướng công nghệ hàng đầu giúp thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển vào năm 2023.
Trong những năm gần đây, chúng ta đã chứng kiến thời kỳ bất ổn diễn ra trên phạm vi toàn cầu do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, lạm phát, bất ổn địa chính trị, vấn đề nguồn cung...
Bối cảnh đầy thách thức này cũng là bước ngoặt để các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm vượt qua giai đoạn khó khăn và biến chúng thành lợi thế cạnh tranh.
Sau đây là 10 xu hướng công nghệ hàng đầu sẽ giúp thay đổi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong năm 2023 mà chúng ta nên theo dõi.
1. Bản sao kỹ thuật số
Bản sao kỹ thuật số (Digital Twins) là một chương trình máy tính sử dụng công nghệ thực tế ảo cũng như mô hình hóa dữ liệu và đồ họa 3D để xây dựng nên mô hình ảo của các quy trình, hệ thống, dịch vụ, sản phẩm hoặc các đối tượng vật lý. Digital Twins lấy dữ liệu trong thế giới thực về một đối tượng hoặc một hệ thống vật lý làm đầu vào và tạo ra các dự đoán hoặc mô phỏng đầu ra về các đối tượng hoặc hệ thống vật lý sẽ bị ảnh hưởng bởi những đầu vào đó.
Ảnh minh họa. |
Digital Twins được xác định là một trong những xu hướng công nghệ hàng đầu hiện nay, đặc biệt, nếu chúng ta nói về lĩnh vực công nghiệp. Đây không chỉ là các bản sao kỹ thuật số của các đối tượng, không gian, hệ thống vật lý hoặc quy trình để thu được sản phẩm chính xác hơn, giảm chi phí hoặc dự đoán các lỗi có thể xảy ra mà chúng còn mở ra một cơ hội cho việc thử nghiệm và mô phỏng xem hoạt động của một nhà máy công nghiệp có phù hợp với thực tế hay không.
Công nghệ này cho phép chúng ta thay đổi các yếu tố đầu vào trong thế giới kỹ thuật số cho đến khi chúng được tối ưu hóa và đạt được phiên bản tốt nhất trong thế giới thực. Nó sẽ thay đổi hoàn toàn các quy trình kinh doanh giúp nâng cao hiệu quả và tiết kiệm chi phí rất lớn trong các lĩnh vực như xây dựng, hàng không, y tế, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác.
Quy mô thị trường bản sao kỹ thuật số toàn cầu được dự báo sẽ đạt 8,88 tỷ USD trong năm 2022 và tăng lên 96,49 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 40,6% trong giai đoạn dự báo 2022 - 2029.
2. Công nghệ chuỗi khối
Công nghệ chuỗi khối (blockchain) là công nghệ mã hóa tất cả dữ liệu thành các khối và kết nối chúng với nhau để tạo thành một chuỗi dài. Mỗi khi một thông tin hoặc giao dịch mới xảy ra, thông tin cũ sẽ không bị mất đi mà thay vào đó, thông tin mới sẽ được lưu vào một khối mới và lần lượt được nối vào khối cũ để tạo thành một chuỗi mới.
Hơn nữa, thông tin của chuỗi khối không chỉ nằm trên một máy chủ duy nhất mà còn được tự động phân phối và sao lưu trên nhiều máy chủ khác nhau kết nối với hệ thống chuỗi khối để mọi người đều có thể xem và kiểm tra các giao dịch của mình. Điều này có thể ngăn chặn việc sửa đổi hoặc gian lận và đảm bảo tính minh bạch và an toàn thông tin.
Từ trước đến nay, các quy trình thanh toán trực tuyến có sự tham gia của 2 bên đều được thực hiện thông qua một bên trung gian xác minh dữ liệu thông qua một hệ thống tập trung, điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề. Tuy nhiên, với sự ra đời của công nghệ chuỗi khối và mô hình phi tập trung của nó, quyền kiểm soát cuối cùng của một tổ chức bị loại bỏ và dữ liệu được lưu trữ theo cách được mã hóa và an toàn hơn nhiều.
Công nghệ chuỗi khối đang tạo ra những ý tưởng kinh doanh mới, tăng tốc quá trình xác minh giao dịch, ngăn chặn gian lận và tấn công mạng, đồng thời, mang lại hiệu quả cao, đáng tin cậy và an toàn. Đây là lý do tại sao điều quan trọng đối với hoạt động kinh doanh trong những năm tới là cải thiện việc theo dõi dữ liệu, tạo hệ thống thanh toán mới, lưu trữ bằng sáng chế, theo dõi quy trình bán hàng, bảo vệ dữ liệu y tế...
Quy mô thị trường công nghệ chuỗi khối toàn cầu được dự báo sẽ đạt 10,02 tỷ USD trong năm 2022 và tăng lên 1.431,54 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ CAGR là 85,9% trong giai đoạn dự báo 2022 - 2030.
3. Internet vạn vật
Hiểu một cách đơn giản Internet vạn vật (IoT: Internet of Things) là tất cả các thiết bị có thể kết nối với nhau. Việc kết nối có thể thực hiện qua mạng Wi-Fi, mạng thông tin di động, … Các thiết bị có thể là điện thoại thông minh, máy pha cà phê, máy giặt, tai nghe và rất nhiều thiết bị khác.
IoT sẽ là mạng lưới kết nối khổng lồ để kết nối mọi thứ bao gồm cả con người và sẽ tồn tại các mối quan hệ giữa người và người, người và thiết bị, thiết bị và thiết bị. Một mạng lưới IoT có thể chứa đến 50 đến 100 nghìn tỷ đối tượng được kết nối và mạng lưới này có thể theo dõi sự di chuyển của từng đối tượng.
Tác động của IoT rất đa dạng trên các lĩnh vực như quản lý hạ tầng, y tế và tự động hóa, giao thông,… Cụ thể trong lĩnh vực y tế, thiết bị IoT được sử dụng để cho phép theo dõi sức khỏe từ xa và hệ thống thông báo khẩn cấp. Các thiết bị theo dõi sức khỏe có thể dao động từ huyết áp và nhịp tim với các thiết bị tiên tiến có khả năng giám sát cấy ghép đặc biệt, chẳng hạn như máy điều hòa nhịp tim hoặc máy trợ thính tiên tiến.
Số lượng thiết bị IoT trên toàn thế giới được dự báo sẽ tăng gần gấp 3 lần từ 9,7 tỷ trong năm 2020 lên hơn 29 tỷ thiết bị IoT vào năm 2030. Trường hợp sử dụng quan trọng nhất đối với các thiết bị IoT trong phân khúc người tiêu dùng là điện thoại thông minh, trong đó số lượng thiết bị IoT được dự báo sẽ tăng lên hơn 17 tỷ vào năm 2030. Các trường hợp sử dụng khác với hơn 1 tỷ thiết bị IoT vào năm 2030 là các phương tiện được kết nối (xe tự lái), cơ sở hạ tầng CNTT, theo dõi và giám sát tài sản và lưới điện thông minh.
Quy mô thị trường công nghệ IoT toàn cầu đạt 300,3 tỷ USD trong năm 2021 và dự báo tăng lên 650,5 tỷ USD vào năm 2026, với tốc độ CAGR là 16,7% trong giai đoạn dự báo 2021 - 2026.
4. Trí tuệ nhân tạo và bảo mật
Việc sử dụng và triển khai trí tuệ nhân tạo (AI: Artificial Intelligence) đang được tăng cường với tốc độ cao và xu hướng sử dụng AI sẽ sớm trở nên phổ biến trong tất cả các lĩnh vực. Với việc sử dụng các quy trình tự động, việc giải quyết vấn đề sẽ nhanh hơn mà không làm giảm chất lượng của công việc. Việc sử dụng AI đem lại cho máy móc khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác, giúp tránh được nhiều quyết định và kết luận sai lầm.
Một trong những xu hướng quan trọng của năm 2023 sẽ là vấn đề bảo mật dữ liệu khi việc trao đổi thông tin giữa các thiết bị IoT ngày một tăng lên, đặc biệt là trong các lưới điện thông minh, thành phố thông minh. Cải thiện khả năng bảo mật của các thiết bị IoT sẽ là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp và công nghệ AI sẽ đóng vai trò trọng tâm trong quá trình này.
Bên cạnh đó, công nghệ 5G đang được phát triển nhanh ở các nước trên thế giới, điều này cho phép kết nối với tốc độ cao hơn và nhiều thiết bị được kết nối hơn. Công nghệ AI sẽ mang đến cách tiếp cận chủ động hơn cho các giải pháp bảo mật và cho phép tự động hóa nhanh chóng các quy trình, cho phép chúng phát hiện các mối nguy hiểm nhanh hơn, đạt được tỷ lệ lỗi tối thiểu, dự đoán các mối đe dọa tiềm ẩn và giúp các chuyên gia an ninh mạng tạo ra các giao thức mạnh mẽ hơn.
Quy mô thị trường AI toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 387,45 tỷ USD trong năm 2022 lên 1.394,30 tỷ USD vào năm 2029 với tốc độ CAGR là 20,1% trong giai đoạn dự báo 2022 – 2029.
5. Điện toán lượng tử
Điện toán lượng tử (Quantum computing) cũng là một trong những xu hướng công nghệ phổ biến nhất đang trở nên phổ biến trong những thời gian gần đây và nó sẽ có tác động đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta.
Điện toán lượng tử là một lĩnh vực đa ngành bao gồm nhiều khía cạnh của khoa học máy tính, vật lý và toán học vận dụng cơ học lượng tử để giải quyết những vấn đề phức tạp nhanh hơn so với máy tính cổ điển. Máy tính lượng tử có thể giải quyết một số loại vấn đề nhanh hơn máy tính thông thường hàng triệu lần nhờ tận dụng các hiệu ứng cơ học lượng tử, chẳng hạn như trạng thái chồng chất và giao thoa lượng tử.
Các ứng dụng của điện toán lượng tử bao gồm từ việc ngăn chặn sự lây lan của các bệnh như COVID-19 đến phát triển vắc-xin mới và quản lý rủi ro cũng như gian lận trong lĩnh vực tài chính.
Yếu tố khác biệt đáng kể của xu hướng công nghệ này là máy tính lượng tử có khả năng xử lý nhanh hơn nhiều so với máy tính thông thường, đó là lý do tại sao các công ty lớn như Microsoft, Amazon và Google đang nỗ lực đổi mới và đầu tư rất nhiều nguồn lực vào lĩnh vực này. Trên thực tế, quy mô thị trường điện toán lượng tử toàn cầu ước đạt 10,13 tỷ USD trong năm 2022 và dự kiến sẽ vượt qua 125 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ CAGR dự kiến là 36,89% trong giai đoạn dự báo 2022 - 2030.
6. Vũ trụ ảo
Vũ trụ ảo (metaverse) đã trở thành một chủ đề lặp đi lặp lại trong bất kỳ cuộc trò chuyện nào về tương lai của lĩnh vực công nghệ. Thị trường thực tế ảo toàn cầu có triển vọng kinh tế to lớn và dự kiến sẽ đạt 800 tỷ USD vào giữa thập kỷ này và 2,5 nghìn tỷ USD vào năm 2030. Metaverse có thể mang đến những cơ hội tuyệt vời cho các doanh nghiệp về sự hiện diện xã hội ngày càng tăng, làm việc từ xa, thanh toán, chăm sóc sức khỏe, giao dịch sản phẩm...
Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng môi trường này để cải thiện sản phẩm của họ, đưa ra một hình ảnh thương hiệu khác hoặc kết nối với người tiêu dùng của họ. Hiện nay, các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới như Adidas, Gucci, Louis Vuitton, Nike và nhiều hãng khác đã tham gia và ứng dụng nó vào việc kinh doanh của họ.
Metaverse sẽ tạo ra sự bùng nổ không chỉ về công nghệ mà còn tạo ra tác động lớn tới nền kinh tế thực. Không chỉ những ông lớn công nghệ mới quan tâm đến metaverse mà nhiều công ty giải trí, công ty khởi nghiệp (startup) cũng đồng loạt thể hiện tham vọng theo đuổi tương lai của công nghệ này.
7. Siêu ứng dụng
Siêu ứng dụng (Super-apps) là nền tảng ảo một cửa, tạo ra sự tiện lợi cho việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đa dạng tới người tiêu dùng trong một ứng dụng duy nhất. Nền tảng công nghệ này tích hợp các tính năng từ gọi xe, giao nhận hàng hóa, giao đồ ăn, đi chợ hộ đến các giải pháp thanh toán như ví điện tử, thanh toán tiền điện, nạp tiền điện thoại, chuyển tiền,… Nói cách khác, khách hàng có thể làm mọi thứ với một chiếc điện thoại có kết nối Internet.
Vào năm 2015, ứng dụng nhắn tin WeChat của Trung Quốc ra mắt một nền tảng mở cho phép các nhà phát triển có thể phát triển ứng dụng một cách dễ dàng. Từ đó đến nay, đã có hơn 1 triệu ứng dụng mới được phát triển trên nền tảng này. Và WeChat cũng chính là một trong những siêu ứng dụng đầu tiên “mở đường” cho một kỷ nguyên hoàn toàn mới.
Từ sau thành công của WeChat, AliPay ở Trung Quốc, Hàn Quốc với phần mềm Naver, Singapore sở hữu Grab và Indonesia với GoJek,… cũng trở thành những siêu ứng dụng thành công “đại diện” cho quốc gia sở tại.
Tại Việt Nam, vài năm trở lại đây, cuộc đua siêu ứng dụng trở nên hấp dẫn hơn, tạo nên một xu hướng mới với sự tham gia của nhiều tên tuổi trong và ngoài nước, như Zalo, MoMo, Shopee, VinID, Grab...
8. Tự động hóa quy trình bằng robot
Tự động hóa quy trình bằng robot (RPA: Robotic Process Automation) là một phần mềm được tích hợp vào máy tính, robot, có khả năng bắt chước thực hiện các hoạt động của con người.
Được liên kết chặt chẽ với công nghệ AI và Học máy (ML), RPA sẽ mô phỏng thao tác lặp đi, lặp lại thường xuyên và thay thế con người xử lý các tác vụ kỹ thuật số như diễn giải, xử lý giao dịch, xử lý dữ liệu hay thậm chí là trả lời email. Việc dùng RPA trong một số công đoạn giúp giảm chi phí cho nguồn nhân lực, cũng như hạn chế những rủi ro về sai sót trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Ưu điểm chính của RPA là tự động hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại trước đây do nhân viên thực hiện, cho phép họ tập trung vào các nhiệm vụ sáng tạo và hiệu quả hơn. Nó cũng tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận, giảm thời gian dành cho các nhiệm vụ tốn thời gian và xác suất xảy ra lỗi thấp hơn.
9. Giải pháp năng lượng mới
Thế giới đang phải đương đầu với thách thức khi cần nhiều năng lượng hơn cho tăng trưởng nền kinh tế, nhưng đồng thời phải cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Thách thức đó đòi hỏi thế giới phải tìm kiếm dạng năng lượng mới ưu việt hơn.
Các nguồn năng lượng tái tạo sẽ là nguồn năng lượng chính của thế giới trong vòng hai thập niên tới và đang tạo dựng chỗ đứng trong hệ thống năng lượng toàn cầu nhanh hơn bất kỳ nhiên liệu nào trong lịch sử. Ước tính vào năm 2040, năng lượng gió, năng lượng mặt trời và các năng lượng tái tạo khác sẽ chiếm khoảng 30% nguồn cung điện năng trên thế giới, đặc biệt ở khu vực các nước châu Âu, tỷ lệ này có thể lên tới 50%.
Hydro xanh cũng là một trong những hy vọng lớn cho quá trình chuyển đổi năng lượng và giảm mức độ phát thải cao do các ngành công nghiệp như giao thông vận tải tạo ra. Hydro xanh được coi là năng lượng không carbon để bổ sung cho năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Các công ty đang nghiên cứu để phát triển các máy điện phân có thể tạo ra hydro xanh với giá rẻ.
10. Công nghệ bền vững
Công nghệ bền vững cũng đã xuất hiện trong danh sách những xu hướng công nghệ năm 2022 và tiếp tục trở thành một trong 10 xu hướng công nghệ hàng đầu vào năm 2023.
Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã triển khai và thực hiện nhiều biện pháp để theo dõi và giảm lượng khí thải CO2 bằng cách chuyển sang ứng dụng các công nghệ mới như điện toán đám mây và tối ưu hóa và tự động hóa các quy trình, v.v.
Nhờ các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, điện toán đám mây, thực tế mở rộng hoặc người máy, cùng nhiều công nghệ khác, một tương lai xanh hơn và bền vững hơn có thể được tạo ra mà không làm giảm hiệu quả và tăng trưởng kinh doanh của doanh nghiệp./.