11 điểm đổi mới của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Thiếu tá Đặng Văn Cường, Đội trưởng, đội CSGT đường bộ số 1 07/11/2020 09:53

(Baonghean.vn) - Một trong những điểm mới dự kiến bổ sung, sửa đổi tại dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là giao lực lượng CSGT chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường bộ.


CSGT đo nồng độ cồn tài xế xe con trên tuyến QL48. Ảnh: P.V

Nhiều bất cập cần sửa đổi

Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, cho thấy có nhiều vấn đề bất cập cần giải quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, ATGT trong tình hình hiện nay. Ví như việc đồng thời điều chỉnh 2 lĩnh vực khác nhau là: Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông thuộc nội dung bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; đầu tư, xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật dẫn đến không quy định cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc cả 2 lĩnh vực nêu trên.

Đặc biệt, thực tiễn tình hình trật tự, an toàn giao thông hiện nay có nhiều vấn đề phức tạp, đặt ra yêu cầu cần giải quyết ngay như: tai nạn giao thông vẫn ở mức cao, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn rất phức tạp, nhất là ở các thành phố lớn. Ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của nhiều người tham gia giao thông còn yếu kém; tình trạng tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông diễn ra hết sức phức tạp,... Những vấn đề trên ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, văn hóa, xã hội và và hình ảnh của Vệt Nam với bạn bè quốc tế.

Vì vậy, để khắc phục những bất cập trong Luật Giao thông hiện nay, nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, kế thừa những kinh nghiệm quốc tế, áp dụng khoa học công nghệ... thì việc xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (sửa đổi) là hết sức quan trọng và cấp thiết.

11 điểm đổi mới của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ với 8 chương, 93 điều, bao gồm các nội dung quy định về: Hệ thống báo hiệu đường bộ; quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ; tổ chức chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật và trách nhiệm pháp lý; quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Với dự thảo này, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ có 11 điểm đổi mới đó là: Quy định Bộ Công an chịu trách nhiệm chính đối với công tác Bảo đảm TTATGT đường bộ; Huy động toàn dân tham gia phối hợp bảo đảm TTATGT đường bộ; Bảo vệ trẻ em và người yếu thế, tính nhân văn của Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ; Xây dựng quy tắc giao thông đường bộ văn minh; Quy định về đấu giá biển số xe đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu của xã hội và của người dân; Quản lý có hệ thống đối với người điều khiển phương tiện; Quy định 11 hạng Giấy phép lái xe; Quy định về điểm của Giấy phép lái xe; Về tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển và giải quyết ùn tắc giao thông.

Đối với giải quyết tai nạn giao thông thì bỏ tư duy “Xe to đền xe nhỏ”; Ưu tiên ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong quản lý, điều hành và bảo đảm TTATGT đường bộ. Về những quy định chung, dự thảo sửa đổi có bổ sung các khái niệm mới như: đường giao thông nông thôn; đường địa phương; làn đường xe chạy; làn ngoài cùng; làn trong cùng; phương tiện giao thông thông minh, phương tiện công nghệ mới; phương tiện đa tính năng; giao thông công cộng. Bổ sung quy định về hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu giao thông đường bộ phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.

Sau khi dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được tổ chức, lấy ý kiến của người dân và các bộ, ngành liên quan. Đa số đều đồng tình chủ trương, giao lực lượng CSGT chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông trên các tuyến đường giao thông đường bộ. Để tránh chồng chéo và nhằm quy định rõ về trách nhiệm cho một cơ quan, đơn vị trước Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Có thể thấy rõ, Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ là quan trọng bởi trên hầu hết các tuyến đường, khi có sự hiện diện của lực lượng cảnh sát giao thông thì hiện tượng ùn tắc được giải quyết hiệu quả; cảnh sát giao thông là một trong những lực lượng không có ngày nghỉ, nhất là trong dịp lễ, Tết để thực hiện nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn; đồng thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật kể cả phương tiện, người điều khiển.

Khôi phục Đội CSGT đường bộ số 1 đo nồng độ cồn lái xe khách. Ảnh: P.V

Vì vậy, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung quan trọng trong công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội được Đảng và Nhà nước, Chính phủ giao cho Bộ Công an tổ chức thực hiện.

Tại Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 và Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư xác định: "Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội" và đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là: "Tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với tình hình mới". Việc thực hiện chủ trương "CSGT là lực lượng chịu trách nhiệm tuần tra, kiểm soát trên các tuyến giao thông đường bộ ..." là thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và của Chính phủ.

Tại Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 6/3/2020 của Văn Phòng Chính phủ về xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho biết, để khắc phục tình trạng có quá nhiều lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm trên đường thì nên quy định theo hướng giao lực lượng CSGT chịu trách nhiệm chủ yếu trong công tác này.

Trong Nghị quyết 123/NQ-CP ngày 31/8/2020 phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2020, trong đó Chính phủ đã chỉ đạo đổi mới chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra giao thông phù hợp với vai trò, trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Giao thông về giao thông đường bộ, không trùng chéo, trùng lặp với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CSGT.

Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được kỳ vọng sẽ góp phần quan trọng nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, đề cao văn hóa giao thông; trong đó trước hết là văn hóa của người tham gia giao thông, văn hóa ứng xử tình huống và trách nhiệm, sự minh bạch của lực lượng thực thi pháp luật, nhất là lực lượng cảnh sát giao thông…

Đồng bộ giải pháp đảm bảo ATGT dịp Tết

Đồng bộ giải pháp đảm bảo ATGT dịp Tết

(Baonghean.vn) - Để góp phần đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) cho nhân dân trong dịp Tết, ngày 24/12/2019, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch mở đợt cao điểm ra quân giải tỏa hành lang an toàn giao thông trước Tết Nguyên đán. Sau 2 tuần triển khai, các địa phương đã đồng loạt ra quân và đạt được một số kết quả khả quan.

Mới nhất

x
11 điểm đổi mới của dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO