3 danh hiệu 'Dũng sĩ diệt Mỹ'- Một tuổi xuân nằm lại chiến trường
Gần nửa thế kỷ sau ngày liệt sĩ Bùi Đình Anh ngã xuống nơi chiến trường khốc liệt, những kỷ vật như nối lại một phần cuộc đời người con đất Xuân Lâm (nay là xã Kim Liên, Nghệ An) - người đã 3 lần được phong tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ", được truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba.
Bức thư thay giấy báo tử
Căn nhà của ông Bùi Đình Cương (SN 1955) - em trai của liệt sĩ Bùi Đình Anh nằm giản dị ở xóm 1, xã Kim Liên. Trên ban thờ, thay cho di ảnh của liệt sĩ Bùi Đình Anh là tấm Bằng Tổ quốc ghi công.
Chiến tranh ác liệt, di ảnh của liệt sĩ cũng chẳng còn, Bằng Tổ quốc ghi công đã chất chứa trọn vẹn niềm tự hào và thương nhớ của gia đình dành cho người thanh niên đã nằm lại nơi chiến trường xa, là chứng tích của một cuộc đời hiến dâng trọn vẹn cho Tổ quốc.

Nâng niu những giấy tờ, Bằng khen, kỷ vật còn lại của anh trai mình, ông Bùi Đình Cương vẫn nhớ như in những ngày cuối năm 1971, khi gia đình nhận được tin có thư, lúc đó ai cũng vui mừng, nghĩ chắc anh Bùi Đình Anh gửi thư về như mọi lần.
Ông Cương xúc động kể: “Anh tôi đi bộ đội nhưng vẫn thường xuyên viết thư về nhà kể chuyện chiến đấu, hành quân, chuyện đơn vị… nên lần đó ai cũng tin là thư của anh. Nhưng khi mở thư ra, cả nhà lặng đi".



Bức thư không phải từ chiến sĩ trẻ Bùi Đình Anh mà từ đồng chí Bùi Mộng Long - người đã cùng anh sống, chiến đấu và chứng kiến giây phút cuối cùng của anh nơi chiến trường Nam Lào.
Lá thư có đoạn:"Ước mơ của chúng cháu là một ngày cùng nhau trở về, được về thăm quê Bác Hồ vĩ đại và gặp hai bác cùng các em. Nhưng giấc mộng đã tan. Giờ đây mỗi người một ngả. Trong trận đánh ở chiến dịch Nam Lào vừa qua, đồng chí Anh và cháu đã chiến đấu rất kiên cường, làm tiêu hao nhiều sinh lực địch. Nhưng một sự không may đã đến – anh đã hy sinh anh dũng tại phía Nam Đường 9... Anh hy sinh vào ngày 13/3/1971…".
Người viết bức thư ấy - đồng chí Bùi Mộng Long cũng mang thương tích nặng nề, vĩnh viễn mất đi cánh tay phải sau trận đánh. Những dòng chữ trong thư được nắn nót bằng tay trái, gửi đi khi anh đang nằm điều trị tại Bệnh viện 108. Từng chữ nghiêng ngả, run rẩy nhưng vẫn cố giữ nét trang trọng, như thể đang thay người bạn ngã xuống gửi lời vĩnh biệt sau cùng.

Ông Bùi Đình Cương nghẹn ngào nhớ lại, đọc thư, bố mẹ ông lúc ấy như gục xuống. Không ai nói gì được nữa… nước mắt cứ thế trào ra. Từ khoảnh khắc ấy, bức thư trở thành chứng tích, thành tấm bia không lời, khắc sâu nỗi đau, niềm tự hào và cả sự mất mát đến tận cùng của một gia đình từng đặt trọn niềm tin vào ngày đoàn viên nhưng giờ không còn nữa.
Thanh xuân hết mình vì Tổ quốc
Sau ngày liệt sĩ Bùi Đình Anh hy sinh, gia đình đã được Tiểu đoàn 3 - Mặt trận B5 chuyển giao di vật liệt sĩ; trong đó, có 3 giấy chứng nhận danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" cấp 3, 4 giấy chứng nhận khen thưởng ghi nhận thành tích chiến đấu của liệt sĩ vào các năm 1969 và 1970.
Ngoài ra, vào năm 1987, gia đình cũng đã nhận được Giấy chứng nhận của Hội đồng Nhà nước số 6677 ngày 22/7/1987 truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba cho liệt sĩ Bùi Đình Anh.

Theo tài liệu còn lưu lại của gia đình và các thông tin mà Tiểu đoàn 3 cung cấp, chặng hành trình của người lính trẻ Bùi Đình Anh bắt đầu vào tháng 9/1968 khi anh nhập ngũ vào Đại đội 10, Tiểu đoàn 3, thuộc Mặt trận B5, trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị - một trong những điểm nóng khốc liệt nhất lúc bấy giờ. Từ năm 1968 đến năm 1971, anh đã cùng đồng đội băng rừng, vượt suối, đối mặt với bom đạn ác liệt, tham gia nhiều trận đánh then chốt.
Trong suốt quá trình thực hiện nhiệm vụ, chiến sĩ trẻ Bùi Đình Anh luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, không quản ngại gian khổ, liên tục lập công xuất sắc. Chính bởi vậy, anh đã 3 lần được trao tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" cấp 3.



Danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" cấp 3 đòi hỏi người chiến sĩ phải trực tiếp tiêu diệt 3 kẻ địch hoặc làm bị thương 5 kẻ địch hoặc phá hủy 1 hỏa điểm quan trọng (lô cốt, xe quân sự, trận địa súng, máy bay...) của địch trong một trận đánh cụ thể. Ngoài ra, người được xét tặng phải thể hiện rõ tinh thần dũng cảm, mưu trí, không sợ hy sinh, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, được đơn vị xác nhận, báo cáo lên cấp trên.
Trong chiến dịch Đường 9 Nam Lào năm 1971, chiến sĩ Bùi Đình Anh cùng đồng đội đã dũng cảm xông pha trận địa, tiêu diệt nhiều mục tiêu then chốt của địch.
Ngày 13/3/1971, anh ngã xuống giữa trận đánh ác liệt nơi phía Nam Đường 9. Cuộc đời anh khép lại khi thanh xuân vừa chớm...
Với những chiến công đã lập được, việc liệt sĩ được Nhà nước truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Ba là một phần thưởng xứng đáng cho trái tim đã hiến trọn cho Tổ quốc.
Đầu tháng 7 vừa qua, gia đình ông Bùi Đình Cương đã quyết định trao tặng một số kỷ vật quan trọng của liệt sĩ Bùi Đình Anh cho Bảo tàng Quân khu 4, với mong muốn những ký ức thiêng liêng ấy sẽ tiếp tục được gìn giữ, lan tỏa và góp phần nhắc nhớ thế hệ hôm nay về sự hy sinh lặng thầm mà lớn lao của những người lính đã ngã xuống vì Tổ quốc.
.jpg)
Tại buổi lễ tiếp nhận, đại diện Bảo tàng Quân khu 4 bày tỏ sự trân trọng sâu sắc đối với những kỷ vật thiêng liêng mà gia đình liệt sĩ Bùi Đình Anh đã gìn giữ suốt hơn nửa thế kỷ. Đồng thời khẳng định, sự hy sinh cao cả của các Anh hùng liệt sĩ là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường và lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc. Bảo tàng Quân khu 4 sẽ tiếp tục lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị các hiện vật, lan tỏa những câu chuyện đầy xúc động về các Anh hùng liệt sĩ nhằm giáo dục thế hệ trẻ hôm nay biết trân trọng giá trị của hòa bình, độc lập.
Dẫu đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, điều khiến gia đình còn nhiều trăn trở là phần mộ của liệt sĩ Bùi Đình Anh đến nay vẫn chưa được tìm thấy. Anh ra đi nơi chiến trường xa, để lại nỗi nhớ khắc khoải trong lòng người thân. Những kỷ vật, tấm Bằng Tổ quốc ghi công… trở thành điểm tựa tinh thần, như một cách để gia đình giữ anh lại trong đời sống mỗi ngày…
Ông Bùi Đình Cương - Em trai liệt sĩ Bùi Đình Anh