3 thành tựu Giao thông vận tải có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - đối ngoại
(Baonghean) - Là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, với đa dạng địa hình và có chiều dài đường biên giới tương đối lớn, xây dựng và nâng cấp đồng bộ hạ tầng giao thông vận tải là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu để Nghệ An vươn lên trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực.
Trục giao thông huyết mạch thứ 3 của Nghệ An: triển vọng cho miền Tây
Miền Tây Nghệ An là 1 trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, với lợi thế nguồn tài nguyên khoáng sản, vùng nguyên liệu và vị trí địa lý thuận lợi cho thông thương quốc tế. Tuy nhiên, tiềm năng của miền Tây Nghệ An vẫn chưa được khai thác và phát huy một cách tương xứng, vì nhiều lý do. Hạ tầng giao thông vận tải chưa đồng bộ là một trong số đó.
11 huyện miền núi cao của tỉnh Nghệ An trước đây được “chia” thành 2 tuyến độc lập dọc theo 2 tuyến QL7 và QL48 chạy song song. Nhiều bản làng dân tộc người Mông, Thái, Khơ Mú, Ơ Đu sống ở vùng cao biệt lập, thông thương - đi lại hạn chế nên kinh tế - xã hội phát triển tụt hậu hơn so với các khu vực khác. Đặc biệt, đây cũng là những vùng biên giới có tình hình an ninh chính trị diễn biến phức tạp.
Con đường miền Tây mở ra những triển vọng mới cho 1 trong 3 vùng kinh tế trọng điểm của Nghệ An. |
Trong bối cảnh nhu cầu bức thiết đó, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường phía Tây Nghệ An đã được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tại Quyết định số 1619/QĐ-GTVT ngày 12/5/2005 và được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 5862/QĐ.UBND.CN ngày 7/12/2010 với tổng mức đầu tư 2.127 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, với tổng chiều dài tuyến là 186 km.
Giai đoạn I từ Km0 - Km94 hoàn thành, nối thông Quốc lộ 48 với nước bạn Lào cũng như miền Tây tỉnh Thanh Hoá. GIai đoạn II từ Km94 - Km216 sau thời gian thi công gián đoạn vì khó khăn về vốn, về điều kiện thi công, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nghệ An và sự nỗ lực cao độ của ngành GTVT, đã “nóng” trở lại từ đầu năm 2014.
Ngoài ra, Sở GTVT cũng tập trung chỉ đạo hoàn thành đưa vào sử dụng Dự án đầu tư xây dựng đường Châu Thôn - Tân Xuân nối các huyện Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Quế Phong.
2 tuyến đường này có vai trò thiết lập hành trình liên hoàn khu vực phía Tây Nghệ An, kết nối QL7, QL48 và đường Hồ Chí Minh, kết nối các cửa khẩu Na Mèo (Thanh Hóa), Thông Thụ (Quế Phong), Nậm Cắn (Kỳ Sơn), Tam Hợp (Tương Dương) của Nghệ An với các tỉnh phía Đông nước bạn Lào.
Tuyến đường mới miền Tây không chỉ đem lại tâm thế mới, quyết tâm mới cho đồng bào vùng cao trên con đường thoát nghèo, nâng cao đời sống và trình độ nhận thức mà còn là tín hiệu tích cực cho các nhà đầu tư tìm đến Nghệ An. Một ví dụ điển hình là trong nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo đại diện Tập đoàn Tôn Hoa Sen đã bày tỏ mong muốn khai thác, phát huy hơn nữa lợi thế về vị trí địa lý của Nghệ An, mở rộng hoạt động kinh doanh sang các nước bạn Lào, Thái Lan bằng đường bộ.
Những cung đường mới miền Tây cũng là những con đường của hy vọng và triển vọng nâng tầm một vùng đất đai rộng lớn, dồi dào tiềm năng của Nghệ An.
Cảng hàng không quốc tế - xứng tầm cửa ngõ khu vực
Cảng hàng không Vinh được thực dân Pháp xây dựng năm 1937, nằm cạnh Quốc lộ 1A, gần tuyến đường sắt Bắc - Nam và cách biển Cửa Lò 14km. Tốc độ tăng trưởng của Cảng hàng không Vinh những năm gần đây đạt từ 15-30%/năm, cao nhất cả nước. Năm 2014, Cảng hàng không Vinh đón 1,2 triệu hành khách.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của hành khách trong và ngoài tỉnh, tháng 4/2014, khởi công dự án “Nhà ga hành khách - Cảng hàng không Vinh” do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam làm chủ đầu tư với mức vốn gần 800 tỷ đồng. Ngày 15/1/2015, nhà ga mới bắt đầu vận hành thử, đảm bảo tính đồng bộ và an toàn của hệ thống, đủ năng lực phục vụ 2 triệu hành khách/năm, 1.000 hành khách/giờ cao điểm.
Ngày 16/1/2015, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định phê duyệt bổ sung sân bay Vinh vào mạng lưới quy hoạch sân bay quốc tế trong cả nước. Không chỉ khẳng định vai trò của Cảng hàng không Vinh trong mạng lưới hàng không dân dụng khu vực miền Bắc, điều này còn cho thấy sự đánh giá cao đối với Nghệ An - trên vị thế của một tỉnh cửa ngõ miền Trung, đang trên đà vươn lên xứng tầm với trung tâm kinh tế - xã hội của khu vực.
Bên trong Cảng hàng không Vinh mới. |
Nếu tuyến đường miền Tây Nghệ An chủ yếu đem lại lợi ích về thông thương, phát triển kinh tế thì việc nâng tầm Cảng hàng không Vinh thành Cảng quốc tế lại có vai trò quan trọng trong phát triển dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Với tần suất hoạt động 26 chuyến bay/ngày, có đường bay quốc tế Vinh - Viêng Chăn và sắp tới dự kiến mở thêm các đường bay thẳng quốc tế khác, Cảng hàng không Vinh sẽ góp phần tích cực vào việc quảng bá thương hiệu, hình ảnh Nghệ An đến du khách trong nước và quốc tế, đồng thời phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách trong tỉnh.
Theo đánh giá chung của các công ty du lịch trên địa bàn tỉnh, mùa du lịch cuối năm 2015 này hứa hẹn sẽ sôi động hơn mọi năm với số khách đăng ký tour nội địa tăng từ 5-7%, một trong những lý do lý giải cho sự tăng trưởng này là do giá cước vận chuyển giảm, các lộ trình đi lại đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Có thể khẳng định, sự đóng góp của Cảng hàng không quốc tế Vinh trong những con số trên là hoàn toàn tích cực và chắc chắn sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.
Cảng Cửa Lò - điểm đến hứa hẹn cho vận tải biển
Tháng 7/2015, lần đầu tiên cảng Cửa Lò đón tàu trọng tải hơn 2,3 vạn tấn cập cảng sau khi hoàn thành giai đoạn 1 dự án nâng cấp luồng cho tàu biển 10 vạn DWT đầy tải. Đây là sự kiện nổi bật trong quá trình xây dựng và vận hành cảng Cửa Lò, đánh dấu một bước tiến mới trong khai thác và sử dụng tiềm năng biển dồi dào của tỉnh Nghệ An.
Dự án nâng cấp luồng cho tàu biển 10.000 DWT đầy tải vào Cảng Cửa Lò có tổng mức đầu tư hơn 375,6 tỷ đồng và phân kỳ đầu tư của giai đoạn 1 là 179, 3 tỷ đồng, để triển khai việc nạo vét luồng tàu đến -7,2m và đầu tư hệ thống phao tiêu báo hiệu đồng bộ (trong đó, chiều rộng luồng tại đáy nạo vét 100m; chiều sâu chạy tàu 9,3m; mực nước chạy tàu: +2,5m; cao độ đáy nạo vét -7,2m; bổ sung lắp đặt mới 2 bộ phao báo hiệu). Giai đoạn 2 là 196,2 tỷ đồng, xây dựng đê Nam dài 250m. Đến nay, đã hoàn thành giai đoạn 1.
Ngay lập tức, sức hút của cảng Cửa Lò đối với các doanh nghiệp vận tải biển nói riêng, doanh nghiệp nói chung đã tăng lên đáng kể. Nhiều tàu trọng tải lớn vốn lựa chọn Cảng Hải Phòng, Cảng Vũng Áng, nay tìm đến Cảng Cửa Lò.
Xếp dỡ hàng tại Cảng Cửa Lò. |
Số liệu 7 tháng đầu năm 2015 cho thấy lượng hàng hoá thông qua Cảng Cửa Lò đạt hơn 1,6 triệu tấn; từ sau tháng 7 đã có 6 lần tàu trọng tải 1,4-1,6 vạn tấn vào ra. Trong đó, các mặt hàng có sản lượng lớn là Container, gỗ dăm, phân bón, bò thịt,…
Ngoài các bạn hàng, hãng tàu mới, các khách hàng gắn bó lâu năm với Cảng Cửa Lò cũng kịp thời nắm bắt cơ hội thuận lợi khi Cảng được nâng cấp để đầu tư nâng cao năng lực vận tải hàng hoá. Trong đó có thể kể đến Công ty CP Nhật Việt Nghệ An, từ khai thác 1 tàu Container trọng tải gần 10.000 tấn năm 2008, nay đã đầu tư thêm 2 tàu vận tải Container trọng tải lớn với 8 lượt tàu vào ra Cảng Cửa Lò mỗi tháng. Đây là một trong những ví dụ cho thấy sự kích cầu 2 chiều đối với cung - cầu, đem lại lợi ích và động lực phát triển cho cả 2 bên.
Được xác định là một trong những trụ cột chính trong phát triển kinh tế - xã hội, được sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát của Tỉnh uỷ và UBND tỉnh, với sự nỗ lực tự thân đáng ghi nhận, ngành Giao thông vận tải đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong năm 2015. Điều này càng có ý nghĩa hơn nữa đối với mốc thời gian khép lại một nhiệm kỳ với vai trò làm tiền đề cho những bước phát triển đột phá.
Đặc biệt, trong thời gian tới, khi xu hướng hội nhập trở thành định hướng phát triển chủ đạo, với sự phát triển lớn mạnh của khối ASEAN và các hiệp định thương mại quốc tế, phát triển hạ tầng giao thông vận tải sẽ ngày càng khẳng định được vai trò và lợi thế, góp phần tích cực đưa Nghệ An vươn lên tầm cao mới tại khu vực trong nước và quốc tế.
Thục Anh
TIN LIÊN QUAN |
---|