3 trường hợp tài xế sẽ bị tước bằng lái, phải học và thi lại
Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
Đáng nói, tại lần này, Dự thảo Luật GTVT có thay đổi quy định về cấp, cấp lại, đổi và thu hồi GPLX.
Theo đó, có 3 trường hợp người vi phạm sẽ bị thu hồi GPLX và muốn được cấp lại, phải học và thi lại.
GPLX bị tước quyền sử dụng từ 4 lần trở lên trong thời gian 3 năm hoặc có tổng thời gian bị tước quyền sử dụng trên 24 tháng; người lái xe vi phạm các quy định của pháp luật về GTĐB để xảy ra TNGT từ mức nghiêm trọng trở lên (làm chết 1 người trở lên, hay làm bị thương 2 người và sức khỏe bị tổn hại trên 60%).
Ảnh minh họa |
Người có GPLX vi phạm các trường hợp trên, nếu có nhu cầu cấp lại GPLX phải được sát hạch lại sau thời gian ít nhất 12 tháng kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền với hình thức thu hồi, tước quyền sử dụng GPLX.
Theo ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc này cũng tương tự như đề xuất tính điểm để xử lý vi phạm của tài xế, không phát sinh thêm thủ tục. Hình thức này không chỉ phát huy hiệu quả, nâng cao ý thức của người lái xe mà còn hơn hẳn việc chấm điểm như một số nước đang thực hiện khi phải thêm phần mềm, thủ tục mới.
Để theo dõi số lần vi phạm của người lái xe, hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Cục CSGT (Bộ Công an) đang quản lý dữ liệu GPLX. Tài xế nào vi phạm sẽ được cập nhật vào phần mềm quản lý vi phạm này.
Tới đây, người dân có thể theo dõi số lần bị tước GPLX qua phần mềm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Hiện nay, Nghị định 100/2019 quy định 61 hành vi vi phạm mà ngoài bị phạt tiền, người lái xe còn bị tước GPLX từ 1 - 24 tháng.
Trong đó, có 4 hành vi vi phạm bị tước GPLX từ 22 - 24 tháng như: Điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn (vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/lít khí thở); trong cơ thể có chất ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, ma túy.