Chuyển đổi số

6 bí quyết để bảo vệ bản thân trước cuộc gọi lừa đảo sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo

Phan Văn Hoà 07/08/2024 06:09

Hiện nay, việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong các cuộc gọi lừa đảo đang trở nên phổ biến, khiến chúng trở nên khó phát hiện và gây nguy hiểm hơn cho người dùng.

Công nghệ ngày càng phát triển, mang đến cho chúng ta nhiều tiện ích, nhưng cũng tạo điều kiện cho các hoạt động lừa đảo tinh vi hơn, đặc biệt là qua các cuộc gọi điện thoại. Những kẻ lừa đảo đang tích cực sử dụng công nghệ nhân bản giọng nói được hỗ trợ bởi AI để đánh lừa và đe dọa người dùng nộp tiền cho chúng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong thực tế, chúng ta có thể đã từng nghe những câu chuyện về việc các gia đình khi nhấc điện thoại lên và nghe thấy tiếng người thân yêu của mình đang sợ hãi, tiếp theo là tiếng những kẻ bắt cóc yêu cầu chuyển tiền ngay lập tức.

Nhưng không có vụ bắt cóc nào trong những tình huống này. Thực chất giọng nói đó là do những kẻ lừa đảo đã sử dụng công nghệ AI để tạo ra. Trong trường hợp này, người dùng chỉ cần gọi một cuộc điện thoại cho người thân để xác minh trước khi thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng lừa đảo.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều gia đình đã bị chúng đe dọa và đã phải bỏ ra một khoản tiền lớn để trả cho những kẻ bắt cóc giả mạo này. Điều tồi tệ hơn là khi những công nghệ này ngày càng trở nên phổ biến và dữ liệu của chúng ta ngày càng dễ bị truy cập thì nhiều người càng dễ bị lừa đảo hơn.

Cuộc gọi lừa đảo sử dụng công nghệ AI hoạt động như thế nào?

Tội phạm mạng đang ngày càng tinh vi trong việc sử dụng công nghệ AI để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo, khiến chúng trở nên nguy hiểm và khó phát hiện hơn. Để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo, tội phạm mạng sẽ thu thập thông tin cá nhân của bạn từ nhiều nguồn, bao gồm mạng xã hội, trang web bị rò rỉ dữ liệu, thậm chí mua trên chợ đen. Sau đó, chúng sử dụng thông tin này để tạo ra các kịch bản lừa đảo có mục tiêu, khiến bạn dễ tin tưởng hơn.

Công nghệ AI giúp tạo ra giọng nói giả mạo người thật một cách tinh vi, mô phỏng giọng nói của bạn bè, người thân, thậm chí cả nhân viên ngân hàng hoặc cơ quan chức năng. Giọng nói này có thể được ghi âm sẵn hoặc tạo ra theo thời gian thực dựa trên cuộc trò chuyện của bạn.

Trong quá trình thực hiện, tội phạm mạng sẽ sử dụng các kỹ thuật thao túng tâm lý để khiến bạn hoảng sợ, vội vàng hoặc mất cảnh giác, khiến bạn dễ dàng đưa ra quyết định sai lầm. Đồng thời, chúng có thể tạo ra cảm giác cấp bách, giả vờ quan tâm đến bạn hoặc lợi dụng lòng tham của bạn.

Mặc dù công ty phát triển trí tuệ nhân tạo OpenAI (Mỹ) đã tạo ra dịch vụ sao chép giọng nói có tên Voice Engine, nhưng họ đã tạm dừng việc phát hành cho công chúng sử dụng vào tháng 3 vừa qua do lo ngại về khả năng bị lạm dụng.

6 bí quyết để bảo vệ bản thân trước cuộc gọi lừa đảo sử dụng công nghệ AI

Khi giọng nói trí tuệ nhân tạo phát triển hơn, các đoạn ngắt quãng bất thường hoặc vấn đề về độ trễ sẽ ít xuất hiện hơn, khiến việc phát hiện giọng nói giả mạo trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là khi kẻ lừa đảo có thể khiến cuộc gọi của chúng trông giống như đến từ một số điện thoại hợp pháp.

Dưới đây là 6 bí quyết mà người dùng có thể làm để bảo vệ mình trước các cuộc gọi lừa đảo sử dụng công nghệ AI.

1. Bỏ qua các cuộc gọi đáng ngờ

Trong thời đại công nghệ số, các hình thức lừa đảo qua điện thoại ngày càng tinh vi và trở nên phổ biến hơn. Bằng cách nhận diện và bỏ qua những cuộc gọi đáng ngờ, bạn có thể bảo vệ bản thân và tài sản của mình khỏi những kẻ lừa đảo.

Một số dấu hiệu để nhận biết cuộc gọi lừa đảo mà người dùng cần chú ý đó là người gọi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm (số căn cước công dân, mật khẩu, mã OTP,...) hoặc thông báo trúng thưởng, giảm giá lớn hoặc uy hiếp, đe dọa, tạo áp lực để bạn đưa ra quyết định nhanh chóng.

2. Gọi cho người thân của bạn

Nếu bạn nhận được một cuộc gọi có vẻ khẩn cấp nghe giống như giọng của người thân, cách nhanh nhất và dễ nhất để vạch trần trò lừa đảo bắt cóc bằng AI là xác minh xem người thân của bạn có an toàn không thông qua tin nhắn hoặc cuộc gọi điện thoại khác.

Điều đó có thể khó thực hiện nếu bạn đang hoảng loạn hoặc không có sẵn điện thoại khác, nhưng hãy nhớ rằng bạn có thể gửi tin nhắn trong khi vẫn nói chuyện điện thoại với kẻ có khả năng là kẻ lừa đảo.

3. Thiết lập mật mã riêng

Việc thiết lập mật mã riêng cho trẻ em để xử lý trong trường hợp lừa đảo là một biện pháp quan trọng giúp bảo vệ trẻ khỏi những nguy hiểm tiềm ẩn trên mạng. Với những người thân yêu, đặc biệt là trẻ em, hãy cùng nhau đặt ra một mật mã riêng bí mật để sử dụng trong trường hợp các con gặp rắc rối. Bạn sẽ biết đó là một trò lừa đảo nếu nhận được một cuộc gọi đáng ngờ và người thân của bạn không thể cung cấp mật mã riêng đã quy định từ trước.

4. Hỏi các câu hỏi chi tiết

Bạn cũng có thể hỏi kẻ lừa đảo đang giả giọng người thân của bạn một chi tiết cụ thể, chẳng hạn như họ đã ăn gì tối qua, trong khi bạn cố gắng liên lạc với người thân của mình. Lúc này, rất có khả năng kẻ lừa đảo sẽ bỏ cuộc và cúp máy.

5. Cẩn trọng với những gì bạn đăng trên các nền tảng mạng xã hội

Nên giảm thiểu việc đăng các thông tin nhạy cảm của bạn trên phương tiện truyền thông xã hội và các trang web công khai. Bạn cũng có thể sử dụng hình mờ kỹ thuật số để đảm bảo nội dung của bạn không bị can thiệp. Đây không phải là phương pháp hoàn hảo, nhưng đó là cách tốt nhất cho đến khi chúng ta tìm ra cách để bảo vệ dữ liệu của mình.

6. Không nên tin tưởng hoàn toàn vào các công cụ phát hiện giả mạo

Hiện nay, có nhiều công cụ tuyên bố có khả năng phát hiện âm thanh được thao túng bằng AI. Tuy nhiên, hầu hết đều yêu cầu phí đăng ký và một số chuyên gia cho rằng chúng thậm chí không đáng để bạn sử dụng.

Ông V.S. Subrahmanian, Giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Northwestern (Mỹ) đã thử nghiệm 14 công cụ phát hiện miễn phí. Ông cho rằng: “Hiện tại bạn không thể tin tưởng vào các công cụ phát hiện giả mạo âm thanh, và tôi cũng không thể đề xuất bất kỳ công cụ nào để mọi người sử dụng”.

Trong khi đó, ông Manjeet Rege, Giám đốc Trung tâm trí tuệ nhân tạo ứng dụng tại Đại học St. Thomas (Mỹ) nói thêm: “Tôi cho rằng chưa có công cụ đơn lẻ nào được coi là hoàn toàn đáng tin cậy đối với công chúng để phát hiện âm thanh giả mạo. Lời khuyên của tôi ở giai đoạn này là sử dụng kết hợp nhiều phương pháp phát hiện giải mạo khác nhau”.

Tóm lại, trong khi chưa có các công cụ phát hiện giả mạo đáng tin cậy và miễn phí, hãy tin vào phán đoán của bạn và thực hiện theo các bí quyết nêu trên để bảo vệ bản thân và những người thân yêu của mình trước các cuộc gọi lừa đảo.

Theo Zdnet
Copy Link

Mới nhất

x
6 bí quyết để bảo vệ bản thân trước cuộc gọi lừa đảo sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO