95% người nghiện từng sử dụng ma túy đá

03/07/2017 08:30

(Baonghean) - Hiện nay tình trạng sử dụng ma tuý đang có chiều hướng gia tăng ở giới trẻ, đặc biệt là ma tuý đá. Trong khi đó, việc điều trị và quản lý các đối tượng nghiện ma túy còn gặp nhiều khó khăn.

Trẻ hóa người nghiện

Phòng Y tế trung tâm của Trung tâm Giáo dục lao động xã hội thành phố Vinh thời điểm này có gần 50 đối tượng đang cai nghiện. Đây là những trường hợp mới được đưa vào trung tâm và đều đang trong tình trạng phải điều trị cắt cơn và giải độc, phục hồi sức khỏe.

Theo bác sỹ Thái Khắc Ngọc - Phó trưởng phòng cho biết: “Thường thì một học viên nghiện ma túy chỉ cần khoảng 10 ngày là có thể cắt cơn. Tuy nhiên, đó là với những trường hợp nhẹ. Riêng với những trường hợp nặng, trường hợp sử dụng ma túy đá thì có thể kéo dài từ 25 - 30 ngày, bởi có rất nhiều người rơi vào tình trạng hoang tưởng, loạn thần, trầm cảm thậm chí không còn nhận thức”.

Học viên lao động tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội TP. Vinh. Ảnh: Cảnh Nam
Học viên lao động tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội TP. Vinh. Ảnh: Cảnh Nam

Ở Trung tâm Giáo dục lao động xã hội thành phố Vinh, để đảm bảo an toàn cho bác sỹ và nhân viên của đơn vị, các đối tượng phải cách ly trong phòng riêng. Trong quá trình thăm khám và điều trị, ngoài nhân viên y tế còn có sự hỗ trợ của đội ngũ bảo vệ. Thời điểm chúng tôi đến, có khá nhiều bệnh nhân nặng, trong đó có một trường hợp mới được Công an thành phố chuyển đến vài ngày trong tình trạng không còn khả năng nhận thức. Trong số này có đối tượng tên Hùng, phường Cửa Nam, sinh năm 1992 mới cưới vợ và sinh con cách đây không lâu. Tuy nhiên, do sử dụng ma túy đá quá nhiều, Hùng bị hoang tưởng nặng, suốt ngày nghi ngờ vợ ngoại tình, có ý định giết vợ.

Theo danh sách trong phòng điều trị, chúng tôi cũng không khỏi giật mình khi hơn 70% đối tượng đều ở độ tuổi cuối 8X, 9X, nhiều người trong số đó thậm chí là sinh viên, giáo viên, kỹ sư, chuyên viên của sở, ngành trong tỉnh.

Ông Nguyễn Xuân Toàn - Giám đốc Trung tâm Giáo dục Lao động xã hội cho biết: “Hiện trung tâm có gần 200 đối tượng đang cai nghiện và 95% trong số này đều sử dụng ma túy đá. Thống kê của trung tâm qua nhiều năm cho thấy, độ tuổi phổ biến sử dụng ma túy nhiều nhất từ 25 - 35 tuổi, người trẻ nhất mới sinh năm 1999, rất nhiều đối tượng đã cai nghiện nhiều lần. 50% trong số này là trường hợp có việc làm ổn định và 10% là đối tượng có học vị trở lên. Đặc biệt trong số đó 15% đối tượng cai nghiện bị nhiễm HIV/AIDS”.

Cũng theo ông Toàn, những người sử dụng ma túy đá (ma túy tổng hợp) nguy hiểm và tác hại hơn rất nhiều lần so với các loại ma túy khác. Lý do chính bởi ma túy đá khi đã sử dụng nhiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ, dùng nhiều có thể trở nên loạn thần và rối loạn mãn tính không thể phục hồi được. Bên cạnh đó, ma túy đá còn gây nên những rối loạn tâm thần rất đáng sợ. Trong đó, có những trường hợp hưng phấn quá mức hoặc có biểu hiện lo âu bồn chồn, ảo giác khiến người nghiện có hành vi công kích, gây hấn, tấn công người khác… Ngay tại trung tâm, mỗi một năm có từ 3 - 4 người phải đi tiêm phơi nhiễm do bị các đối tượng nghiện và bị nhiễm HIV quá khích tấn công.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh cũng xuất hiện nhiều đối tượng “ngáo đá” có hành động nguy hiểm khiến bản thân và nhiều người xung quanh bị liên lụy. Ngày 23/6, tại phường Lê Lợi (TP. Vinh), đối tượng Hồ Bá T, sau khi sử dụng ma túy đá đã dùng dao nhọn tự cứa vào cổ mình. Sau đó, khi bị lực lượng cảnh sát đến vây bắt T lại tiếp tục đôi co với cảnh sát và dọa nạt những người dân ở quanh khu vực. Đầu tháng 5, đối tượng Phan Văn V (29 tuổi) trú tại xã Quế Sơn (Quế Phong) sau khi sử dụng ma túy đá cũng rơi vào tình trạng mất kiểm soát và dùng nỏ, dao chạy ra khu vực thị trấn gây hấn với nhiều người đi đường. Cuối tháng 6, bảo vệ của Bệnh viện Sản - nhi Nghệ An bị một đối tượng nghiện dùng dao đâm tử vong ngay trong bệnh viện.

Khó quản lý

Phát biểu tại Hội thảo Công tác phòng, chống tội phạm học đường trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Cục Phòng chống tệ nạn xã hội - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa tổ chức tại thành phố Vinh vào cuối tháng 6, ông Đặng Cao Thắng - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7.000 người nghiện và 410 xã có người nghiện. Trong đó, tuy chưa có thống kê đầy đủ nhưng tỷ lệ học sinh, sinh viên có sử dụng ma tuý chiếm tỷ lệ không nhỏ. Đặc biệt, tỷ lệ học sinh, sinh viên sử dụng ma tuý đá dưới dạng kẹo, thuốc, tem giấy đang có chiều hướng gia tăng đặc biệt trong các quán bar, nhà hàng, gây nên những hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến cuộc sống, học tập, tương lai của chính các em...

Ngoài nghiện ma túy, các đối tượng học sinh, sinh viên còn tham gia vào các đường dây buôn bán, vận chuyển ma tuý trái phép. Giữa năm 2015, Công an thành phố Vinh đã bắt 2 đối tượng là sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Nghệ An vận chuyển 700 viên ma tuý tổng hợp từ Lào về Vinh tiêu thụ.

Tiêm thuốc cắt cơn giải độc cho người nghiện ma túy tổng hợp tại Trung tâm LĐXH TP. Vinh. Ảnh: Cảnh Nam
Tiêm thuốc cắt cơn giải độc cho người nghiện ma túy tổng hợp tại Trung tâm LĐXH TP. Vinh. Ảnh: Cảnh Nam

Báo cáo của UBND tỉnh cũng khẳng định: Tình hình nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp và còn có chiều hướng gia tăng. Đáng lo ngại, bên cạnh số lượng lớn người nghiện sử dụng heroin thì số người sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine, dạng đá và dạng nước ngày một nhiều. Độ tuổi người nghiện trẻ hóa, tập trung ở địa bàn đô thị và khu vực miền núi.

Một thực tế khác cũng đáng suy nghĩ đó là dù tỉnh có khoảng 7000 người nghiện ma túy nhưng chỉ có gần 1300 trường hợp đang cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện và các trại tạm giam. Số còn lại, chủ yếu đang có mặt tại cộng đồng hoặc chưa được lập hồ sơ quản lý vì những lý do như: Người nghiện ma túy và gia đình có người nghiện chưa tự giác khai báo tình trạng nghiện, thậm chí thiếu sự hợp tác trong việc xác định tình trạng nghiện; người nghiện thường di chuyển, nơi cư trú không ổn định; Chính quyền địa phương còn thiếu quyết liệt trong công tác điều tra, khảo sát người nghiện ma túy trên địa bàn.

Theo bác sỹ Phạm Kim Thìn - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, việc có hàng nghìn đối tượng nghiện đang nằm ngoài sự quản lý của các trung tâm dẫn đến rất nhiều mối nguy hại, đặc biệt là các đối tượng nghiện ma túy đá.

“Nghiện cũng là một loại bệnh và nếu không được điều trị sẽ gây nên nhiều hệ quả, đặc biệt khi đối tượng rơi vào trầm cảm, loạn thần, rồi loạn cảm xúc, hành vi, ảo giác. Ngoài Bệnh viện Tâm thần Nghệ An, mỗi năm có khoảng 30 - 40 trường hợp đến điều trị do rối loạn tâm thần thì các bệnh viện tuyến huyện hầu như không có hoặc cũng không mặn mà đối với các đối tượng này... “Khoảng trống” này đã được lãnh đạo Bệnh viện Tâm thần Nghệ An đề xuất nhiều năm nay nhưng chưa có giải pháp nào đưa ra nhằm góp phần điều trị và hạn chế được tình trạng người nghiện cũng như tái nghiện ma túy trên địa bàn”, bác sỹ Thìn chia sẻ.

Mỹ Hà - Cảnh Nam

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
95% người nghiện từng sử dụng ma túy đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO