(Baonghean.vn) - Đói nghèo, bất bình đẳng giới, nhận thức kém là những nguyên nhân trọng yếu dẫn đến tình trạng tảo hôn ở nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay.
|
Tảo hôn là trường hợp kết hôn trong đó cô dâu và chú rể hoặc một trong hai người là trẻ em hoặc là người chưa đến tuổi kết hôn (thông thường là chưa đến tuổi dậy thì). Trong ảnh: Cô bé Tahani (váy hồng), 6 tuổi kết hôn với chồng đã 25 tuổi. Em chụp bức ảnh này với cô bạn Ghada, cũng là một “cô vợ trẻ” khác trên vùng núi Hajjah, Yemen. |
|
Tập tục tảo hôn trước đây có mặt ở nhiều nơi trên thế giới, kể cả châu Âu, nay còn tồn tại ở một số vùng thuộc châu Phi, châu Á, châu Đại Dương và Nam Mỹ. Trong ảnh: Cô dâu đẫm lệ do đau buồn trong ngày cưới. |
|
Số liệu thống kê chính thức của Liên hợp quốc cho thấy hiện có tới 30% thiếu nữ sinh sống tại các nước đang phát triển lập gia đình khi chưa tròn 18 tuổi, thậm chí có tới 14% các cô bé đi lấy chồng lúc dưới 15 tuổi. Trong ảnh: Những cô vợ trẻ ở ngôi làng Yemen lúc nào cũng câm lặng, nhút nhát trong bộ đồ bịt kín. |
|
Được biết, Nam Á và Trung Phi - vùng cận Sahara là 2 khu vực có tỷ lệ tảo hôn cao, trong đó Niger là nước có tỷ lệ cao nhất thế giới, lên đến 76% trẻ em gái. Trong ảnh: Surita gào khóc đau đớn trong ngày cưới. Đất nước Nepal, nơi nạn tảo hôn diễn ra như một tục lệ, nhưng cô không chịu nổi khi mình còn quá nhỏ đã bị đưa xe ngựa để về nhà chồng. |
|
Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), có tới 14% phụ nữ ở Yemen bị gả chồng trước năm 15 tuổi và 52% lấy chồng trước năm 18 tuổi. Thực trạng tảo hôn nhức nhối ở Yemen còn thấy ở rất nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, Afghanistan, Ethiopia... Trong ảnh: Rajani mới 5 tuổi và bị bố đánh thức lúc nửa đêm để làm lễ cưới. Ở Ấn Độ, tảo hôn là bất hợp pháp nên các nghi lễ thế này thường được diễn ra vào ban đêm. |
|
Còn theo công bố mới đây của Tổ chức giám sát nhân quyền (HRW), Bangladesh có tỷ lệ tảo hôn cao thứ 4 thế giới, 29% cô gái kết hôn trước tuổi 15 và 65% trước tuổi 18. Cũng theo báo cáo từ các bang của Bangladesh, tảo hôn sẽ buộc các cô gái đối diện với nhiều lo ngại về sức khỏe như mang thai khi cơ thể còn quá nhỏ, nạn bạo lực gia đình do chênh lệch tuổi tác và khả năng gia tăng nghèo đói. Các cô gái xuất thân từ tầng lớp thấp, gia đình nghèo khó có tỷ lệ tảo hôn tăng gấp 2 lần. |
|
Trung bình mỗi năm trên toàn thế giới có 16 triệu trẻ sơ sinh chào đời từ những bà mẹ trong độ tuổi từ 15 đến 19, chiếm 11% tổng số sản phụ toàn cầu. |
|
Đáng ngại hơn, việc mang thai và sinh con sớm gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm sinh lý của những bé gái còn ít tuổi, chưa đủ khả năng để nuôi con. Trong ảnh: Asia (ở Hajjah, Yemen) làm mẹ năm 12 tuổi. Ở tuổi 14, em đã có 2 con gái. Sinh con sớm mà không có kiến thức, không được giúp đỡ, em sớm bị hậu sản. |
|
Dù đã có rất nhiều nỗ lực đấu tranh của cả cộng đồng quốc tế song tảo hôn vẫn là một trong những nạn nhức nhối trên thế giới hiện nay, nhất là tại các quốc gia nghèo và chậm phát triển. |
|
Để thành công trong cuộc chiến chống nạn tảo hôn, Liên Hợp quốc cho rằng phải khắc phục tình trạng đói nghèo, lạc hậu, bất bình đẳng giới, bất bình đẳng xã hội, phân biệt đối xử sắc tộc, vùng miền và giai cấp, nâng cao dân trí cho toàn xã hội. Trong ảnh: Cặp vợ chồng trẻ ở Ethiopia. Chú rể là Addisu, 23 tuổi và cô dâu là Destaye, mới 11 tuổi. |
|
Đói nghèo, bất bình đẳng giới, nhận thức kém là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tảo hôn. Song, tảo hôn cũng không thể giúp những người dân nghèo thoát khỏi cơ cực. Vòng tròn luẩn quẩn ấy sẽ còn tiếp diễn chừng nào các cơ quan, tổ chức xã hội trên thế giới chưa có giải pháp hữu hiệu cho vấn nạn này. |
Hà Chi