Ấm cúng, đoàn viên bên nồi bánh chưng ngày Tết

Huy Thư - 09/02/2024 09:12
(Baonghean.vn) - Mỗi dịp Tết đến, các gia đình ở Nghệ An lại rộn ràng tổ chức gói, nấu bánh chưng đón Tết, càng làm không khí Tết Nguyên đán lan tỏa ở khắp nơi.
bna-1-9210.jpg
Để gói bánh chưng, gia đình phải chuẩn bị nguyên liệu chu đáo, như nếp, đậu xanh, lá dong, dây giang, thịt lợn... Trước ngày gói bánh, các mẹ, các chị đã tỉ mẩn phân loại, rửa sạch, xếp gọn từng chiếc lá dong. Ảnh: Huy Thư
bna-2-4183.jpg
Công việc cắt cồi lá dong cũng đòi hỏi bàn tay khéo léo, cẩn thận của các bà các mẹ. Một số địa phương dùng lá chuối để gói bánh chưng thì phải hong lá chuối trên lửa, rọc lá... Ảnh: Huy Thư
bna-3-4692.jpg
Từ ngày 28 tháng Chạp, nhiều gia đình đã bắt tay vào gói bánh. Hộ nào gói, nấu bánh chậm nhất cũng sáng 30 Tết phải hoàn thành. Thường mỗi khi gói bánh, cả nhà đều chung tay, rất đông vui. Ảnh: Huy Thư
bna-4-2174.jpg
Cuộc sống đã khác xưa, bánh chưng ngày Tết cũng không còn được người dân gói nhiều như ngày trước, mỗi dịp Tết, mỗi nhà chỉ gói dăm ba cân nếp. Tùy từng loại bánh mà có cách gói riêng, bánh tét nơi nào cũng gói bằng tay, còn bánh chưng có thể dùng khuôn nhựa, gỗ. Để gói được bánh đẹp, đòi hỏi người làm phải có kỹ năng "trăm hay không bằng tay quen". Ảnh: Huy Thư
bna-5-8673.jpg
Nhiều vùng quê dùng đậu xanh, thịt heo hoặc chuối chín để làm nhân bánh, tuy nhiên, đậu xanh vẫn là nguyên liệu làm nhân thông dụng nhất. Anh Nguyễn Văn Trúc ở xã Khánh Sơn (Nam Đàn) cho hay: Năm nào gần Tết, gia đình anh cũng gói bánh chưng và nấu xuyên đêm. Vùng "năm Nam" quê anh, người dân khá chú trọng khi làm nhân để gói bánh, trong nhân thường có cả đậu, thịt, dưa hành. Ảnh: Huy Thư
bna-6-779.jpg
Chị Trần Thị Mỹ Duyên (24 tuổi), ở xã Võ Liệt (Thanh Chương) chia sẻ: Chị đang làm việc tại Huế, mỗi dịp về quê ăn Tết lại tham gia gói bánh Tết cùng gia đình. Với chị, gói bánh chưng ngày Tết đem lại cho bản thân trải nghiệm thú vị và đặc biệt là sự ấm cúng, đoàn viên bên cha mẹ, người thân. Ảnh: Huy Thư
bna-7-2667.jpg
Mỗi dịp Tết, người dân các huyện từ miền núi đến miền xuôi ở Nghệ An lại rộn ràng gói bánh chưng, bánh tét. Gói bánh chưng Tết không chỉ là hoạt động đặc trưng của Tết, chuẩn bị lễ vật dâng cúng tổ tiên, làm thức ăn những ngày Tết..., mà còn đem lại không khí vui Xuân, đón Tết hân hoan, náo nức. Ảnh: Huy Thư
bna-8-4107.jpg
Không chỉ gói bánh cho nhà mình, nhiều người còn nhiệt tình, vui vẻ gói bánh giúp cho anh em, bà con, làng xóm. Người gói bánh giỏi thường được nhiều người "nhờ cậy", phải xếp lịch gói bánh từ ngày 28 đến 30 Tết. Ảnh: Huy Thư
bna-9-2813.jpg
Ngày xưa, việc nấu bánh chưng khá vất vả vì cả làng chỉ có vài cái nồi to. Gần Tết nhà có nồi sẽ lên danh sách cho những gia đình xung quanh mượn nồi, nấu xong lại đưa cho nhà khác. Bây giờ, gần như nhà nào cũng có nồi, rất thuận tiện, nhưng lại gói bánh ít hơn nên nhiều nhà thường chung 1 nồi để nấu. Thời khắc nấu bánh, người lớn nhóm bếp, con trẻ vây quanh chờ bánh chín, nghe kể chuyện Tết xưa thật vui. Ảnh: Huy Thư
bna-10-8407.jpg
Tùy vào điều kiện từng gia đình mà bánh được nấu vào ban ngày hoặc ban đêm. Những ngày cuối năm trời rét, thức đêm nấu bánh Tết đã trở thành kỷ niệm khó quên của nhiều người. Năm nay, chiều 29 tháng Chạp trời chuyển mưa, rét, nhiều hộ dân lại thức đêm nấu bánh bên bếp lửa bập bùng. Ảnh: Huy Thư
bna-11-3980.jpg
Sau 8 – 10 tiếng đồng hồ nấu liên tục, nồi bánh Tết sẽ chín mềm và tỏa mùi thơm. Cả nhà lại chung tay rửa bánh, đồ bánh cho nhuyễn trước khi mang đi cất. Gói bánh Tết đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người xứ Nghệ. Dẫu cuộc sống có đổi thay, nhưng bánh chưng xanh, câu đối đỏ vẫn mang đậm hương sắc Việt trong ngày Tết cổ truyền. Ảnh: Huy Thư
Bên nồi bánh chưng ngày Tết. Video: Huy Thư
Chia sẻ ý kiến của bạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO