Ăn Tết, đừng...ăn quá nhiều mà hãy chúc nhau sức khỏe

07/02/2016 08:20

Ông bà xưa có câu: “Bệnh tòng khẩu nhập, họa tòng khẩu xuất”, nghĩa là bệnh thường do những thứ chúng ta ăn uống vào từ miệng, hoạ thường do những lời không đúng mà chúng ta nói ra.

Trẻ ăn các loại hạt coi chừng mắc cổ

Ở trẻ con, những ngày Tết thực sự là những ngày hội. Trẻ ăn nhiều loại bánh mứt, dưa chua, uống nước ngọt mọi lúc mọi nơi. Đây cũng là cơ hội tốt cho nhiều vi trùng xâm nhập vào cơ thể khiến trẻ bị tiêu chảy cấp, hay thậm chí nặng hơn là ngộ độc thức ăn.

Ngày Tết cũng là dịp cho trẻ ăn quá nhiều thức ăn giàu chất đạm từ thịt, chả, nem, xúc xích, nhưng lại ít ăn rau, và uống đủ nước, dễ đến nhiều trẻ bị táo bón. Do vậy, quí phụ huynh cần để ý đến vệ sinh ăn uống của trẻ, trẻ cần được ăn bổ sung các loại yaourt có men vi sinh để hỗ trợ bộ máy tiêu hóa làm việc tốt hơn.

Nguy hiểm hơn, trẻ có nguy cơ bị dị vật đường thở do không cẩn thận khi ăn các loại hạt dưa, hạt bí, hạt lạc, kẹo cứng, thạch rau câu. Khi bị dị vật đường thở sẽ làm trẻ đột ngột ho sặc sụa, khó thở, mặt tím tái. Đây là một tai nạn rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ.

Để phòng bệnh người lớn phải luôn để mắt tới trẻ, khi trẻ có triệu chứng hóc dị vật, cần thực hiện ngay thao tác vỗ lưng ấn ngực hoặc chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất, tuyệt đối tránh dùng tay móc họng trẻ có thể sẽ làm dị vật tiến sâu hơn.

Vui xuân, dạ dày cũng cần nghỉ ngơi

Ở người lớn, dịp cuối năm lại là dịp của tiệc tùng, nào là tiệc tổng kết sau một năm làm ăn của công ty, tất niên nhà những người thân bạn bè. Ngày Tết đến lại có tiệc mừng năm mới, mọi người chúc tụng nhau qua rượu bia và các món ăn truyền thống phong phú của ngày Tết như bánh chưng, thịt kho, lạp xưởng, các loại nem chả song song cùng với những mâm bánh mứt chưa rất nhiều đường và tinh bột.

Ăn uống điều độ để sau Tết khỏe
Ăn uống điều độ để sau Tết khỏe

Khi chúng ta ăn uống số lượng nhiều hơn, dung nạp nhiều chất dinh dưỡng hơn, dạ dày sẽ phải tiết ra nhiều dịch vị để giúp tiêu hoá hết những thứ này. Điều này khiến dạ dày không có thời gian nghĩ ngơi và không giữ được cách làm việc điều độ.

Nhiều người lại còn ăn quá no, nhất là vào buổi tối là thời điểm mà khả năng “chiến đấu” của dạ dày yếu nhất trong ngày, và cũng là lúc dạ dày cần nghỉ ngơi hơn là làm việc; đặc biệt khi kèm theo uống nhiều rượu bia, thì lúc đi ngủ, các cơ sẽ dãn ra nhiều hơn so với khi không uống rượu bia. Trong đó, có cơ vòng thực quản dưới, cơ ngăn không cho dịch và thức ăn trong dạ dày trào lên thực quản; một khi cơ này dãn ra nhiều hơn bình thường, nó sẽ làm cho dịch vị trào lên thực quản, họng, thanh quản và làm viêm niêm mạc ở các vùng này. Thế là vào sáng hôm sau, nhiều người sẽ trở thành “ứng cử viên” của bệnh viêm họng. Họ sẽ có cảm giác khô họng và đau rát họng; họng sẽ trở nên đau âm ỉ, khô, thường xuyên có cảm giác có đàm trong họng, hoặc có cảm giác khó nuốt hay có cục gì vướng trong họng. Qua Tết, thế nào họ cũng phải đi khám vì sợ bị ung thư.

Ngoài ra, ăn uống nhậu nhẹt quá chén còn có thể gây các bệnh khác như viêm tuỵ cấp, do uống quá nhiều rượu và ăn uống quá nhiều dinh dưỡng; ói nhiều gây chảy máu niêm mạc thực quản; ăn nhiều chất béo gây mỡ trong máu cao, rối loại lipid máu. Và cũng không ít các trường hợp đột quị do uống quá nhiều rượu bia hoặc tai nạn giao thông do say xỉn.

Vui xuân, nhưng lưu ý ăn uống hợp lý điều độ, giữ sức khoẻ cho mình và cho những người xung quanh, không nên ép nhau ly bia, chén rượu, cách thể hiện “tình thân” này lắm khi có tác dụng ngược lại; đặc biệt khi uống nhiều thì “rượu vào lời ra”. Chúng ta nên dành nhiều thời gian hỏi thăm và quan tâm nhau, chia sẻ và động viên nhau cùng có một năm mới sức khoẻ và thành công hơn nữa.

Theo Tuoitre.vn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Ăn Tết, đừng...ăn quá nhiều mà hãy chúc nhau sức khỏe
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO