Bác sĩ đầu tiên tạo ra chiếc ống nghe huyền thoại nghề y
Đầu thế kỷ 19, bác sĩ Laënnec bắt gặp hai đứa trẻ gửi tín hiệu cho nhau bằng cây gỗ rỗng, sau đó ông phát minh ống nghe khám bệnh làm từ gỗ.
Theo NCBI, một buổi sáng đẹp trời tháng 9/1816, bác sĩ người Pháp Rene Theophile Hyacinthe Laënnec, khi ấy 35 tuổi, đang đi dạo trong sân của Cung điện Le Louvre, Paris, thì bắt gặp hai đứa trẻ gửi tín hiệu cho nhau bằng một cây gỗ rỗng. Một đứa gõ vào đầu này của cây gỗ và đứa trẻ còn lại ở đầu bên kia lắng nghe.
Cuối năm đó, bác sĩ Laënnec tiếp nhận một phụ nữ trẻ đang gặp vấn đề về tim. Ban đầu, bác sĩ dùng ngón tay chạm vào ngực của bệnh nhân để chẩn đoán bệnh. Xấu hổ với cô gái, ông cuộn tờ giấy để tạo ra một chiếc ống, sau đó đặt lên ngực cô. Laënnec rất ngạc nhiên khi cuộn giấy có thể khuếch đại âm thanh tim mà không cần tiếp xúc vật lý, giúp ông chẩn đoán chính xác và lắng nghe rõ nhịp tim cơ thể.
Bước đột phá này đã dẫn đến việc ông phát minh ra ống nghe đầu tiên được làm từ ống gỗ.
Laënnec đã dành 3 năm tiếp theo để thử nghiệm chế tạo ống nghe bằng các loại vật liệu khác nhau. Cuối cùng, bác sĩ hoàn thiện thiết kế của mình với một chiếc ống gỗ, đường kính 3,5 cm và chiều dài 25 cm để kiểm tra sức khỏe ngực bệnh nhân.
Sau nhiều thành công trong chẩn đoán âm thanh về tim, phổi, chiếc ống nghe được sử dụng hỗ trợ trong khám nghiệm tử thi.
Laënnec xuất bản công trình nghiên cứu đầu tiên về âm thanh trong cơ thể người. Ông được coi là cha đẻ của chẩn đoán lâm sàng và đã viết những mô tả đầu tiên về bệnh giãn phế quản, xơ gan. Ông phân loại tình trạng phổi như: viêm phổi, giãn phế quản, viêm màng phổi, khí phế thũng, tràn khí màng phổi và các bệnh phổi khác bằng phát minh của mình.
Bác sĩ Laënnec bắt đầu giới thiệu nhiều thuật ngữ lâm sàng khác liên quan đến chiếc ống nghe, được sử dụng đến ngày nay.
Rene Theophile Hyacinthe Laënnec (1781-1826) là bác sĩ đầu tiên trên thế giới phát minh ra ống nghe. |
Bác sĩ Rene Theophile Hyacinthe Laënnec sinh ra tại Quimper ở Brittany, Pháp năm 1781. Mẹ mất vì bệnh lao khi lên 5 tuổi, Laënnec sống cùng người chú của mình, khi ấy là trưởng khoa y của một trường đại học. Thời thơ ấu, sức khỏe Laënnec không tốt, các vận động cơ thể chậm chạp, thường xuyên bị đau bụng và ho dữ dội. Ông tìm thấy niềm an ủi trong âm nhạc, dành thời gian rảnh để thổi sáo và viết thơ.
Laënnec được truyền cảm hứng từ người chú của mình để theo đuổi sự nghiệp y khoa. Năm 1795, ở tuổi 14, Laënnec giúp đỡ chăm sóc người bệnh và những người bị thương tại khách sạn Dieu ở Nantes. 18 tuổi, ông phục vụ trong Bệnh viện Quân y với vai trò bác sĩ phẫu thuật hạng ba. Sau đó, ông làm quen với công việc lâm sàng, phẫu thuật chính và điều trị bệnh nhân.
Trong vòng một năm, Laënnec đã giành được giải thưởng đầu tiên về cả y học và phẫu thuật tại trường y. Năm 1802, ông xuất bản bài báo đầu tiên của mình về các chủ đề như: viêm phúc mạc, vô kinh và bệnh gan. Dần được mọi người biết đến nhiều hơn, Laënnec bắt đầu tìm hiểu về giải phẫu cơ thể và có những công trình nghiên cứu về bệnh lý giải phẫu.
Trong những tháng cuối đời, ông yêu cầu cháu trai của mình, Mériadec, kích thích ngực của ông và mô tả những gì nghe được bằng ống nghe. Ông qua đời vì căn bệnh lao phổi, căn bệnh mà chính Laënnec đã làm sáng tỏ bằng chiếc ống nghe của mình.
Trong di chúc, Laënnec cho người cháu thừa kế tất cả các nghiên cứu y khoa của ông, cùng với chiếc ống nghe gỗ là di vật giá trị hơn cả.
Chiếc ống nghe bằng gỗ được sử dụng để chẩn đoán lâm sàng bệnh. |
Ống nghe bằng gỗ sử dụng cho đến nửa sau thế kỷ 19, sau đó chiếc ống nghe đã trải qua nhiều lần cải tiến và ngày càng phổ biến hơn. Ngày nay, ống nghe cao su được sử dụng phổ biến, giúp bác sĩ có thể nghe âm thanh trong cơ thể bệnh nhân ở tần số thấp, tần số cao.
Theo y học, ống nghe tim mạch là sự kết hợp đơn thuần của một trong những định luật vật lý cơ bản nhất, dẫn truyền và khuếch đại âm thanh. Tuy nhiên, đó lại là một trong những tác động lớn và trở thành biểu tượng của nền y học hiện đại.
Mục đích ban đầu tạo ra khoảng cách giữa bác sĩ và bệnh nhân, giờ đây chiếc ống nghe đã trở thành công cụ đặc trưng cho bác sĩ và hữu ích trong phục vụ khám chữa bệnh nhân.