Bài 1: Cọc tiêu sống trên tọa độ lửa

25/10/2012 11:16

(Baonghean) - Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Truông Bồn (thuộc xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương) là một trong những trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt. Truông Bồn huyền thoại đã ghi dấu ấn cống hiến của lực lượng TNXP, trong đó có những cô gái tuổi mười sáu, mười bảy đã đêm đêm mặc áo trắng, nguyện làm cọc tiêu sống dẫn xe bộ đội qua truông; và Truông Bồn “hóa thành bất tử” với sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sỹ Đại đội 317 N65 TNXP Nghệ An ngày 31/10/1968.

Truông Bồn nằm trên đường chiến lược 15A, cách Thành phố Vinh khoảng 40km về phía Tây, cách Thị trấn Đô Lương (huyện Đô Lương) 10km về hướng Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Truông Bồn có vị trí đặc biệt quan trọng, là yết hầu giao thông chi viện cho chiến trường miền Nam.



Tượng đài Truông Bồn chiến thắng.

“Cùng với cầu Cấm, cầu Phương Tích (huyện Nghi Lộc, Nghệ An), Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), Truông Bồn là “tọa độ lửa”, là trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay giặc Mỹ”, bà Phạm Thị Phòng - Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP Nghệ An cho biết: Hồ sơ lưu giữ tại Hội cựu TNXP Nghệ An ghi nhận, từ tháng 6 đến tháng 10/1968, Truông Bồn hứng chịu 2.692 quả bom, hàng trăm quả rốc-két. Có những ngày cao điểm, địch huy động hàng trăm lượt máy bay oanh tạc Truông Bồn hòng cắt đứt giao thông trên tuyến đường 15A.

Dưới mưa bom bão đạn, bất chấp nguy hiểm, hàng ngàn TNXP, bộ đội, dân công hỏa tuyến vẫn ngày đêm bám trụ Truông Bồn với khẩu hiệu “Sống anh dũng bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm!”; “Tim có thể ngừng đập, đường không thể tắc!”. Tại đây, hơn 200 cán bộ, chiến sỹ bộ đội phòng không, bộ đội công binh QK IV và Đại đội 317 TNXP Nghệ An đã hy sinh, bị thương. Riêng xã Mỹ Sơn (Đô Lương) có 41 người thương vong. Đặc biệt, trận bom thù trút xuống Truông Bồn vào rạng sáng 31/10/1968, một ngày trước khi lệnh ngừng chiến có hiệu lực, đã cướp đi sinh mạng của 13 chiến sỹ TNXP.

“Nhiệm vụ của lực lượng TNXP Truông Bồn là giải phóng đường, bảo đảm giao thông trên tuyến đường 15A; Ứng cứu, bốc dỡ vũ khí và hàng hóa khi xe ô tô bị địch đánh phá; Rà phá bom mìn, trực chiến phòng không 24/24h tại Truông Bồn và vùng phụ cận!”, Cựu TNXP Phan Thị Minh (huyện Yên Thành) nói. Trong những ngày chiến đấu ở “tọa độ lửa” Truông Bồn, Đại đội 317 là đơn vị TNXP phải chịu đựng nhiều gian khổ, ác liệt nhất và chịu tổn thất lớn về quân số. Tại khu vực dốc Kỳ Lợn (nơi 13 TNXP hy sinh), trong một lần xuất quân cứu đoàn xe quân sự bốc cháy, 5 chiến sỹ TNXP do chị Liêm (quê xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) làm Chính trị viên chỉ huy đã anh dũng hy sinh. Năm 2008, tập thể 14 chiến sỹ TNXP Nghệ An thuộc Đại đội 317 Đội 65 (gồm 13 anh chị đã hy sinh và 1 chiến sỹ duy nhất sống sót trong trận bom ngày 31/10/1968) được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Những cô gái tuổi mười sáu đôi mươi một thời vào sinh ra tử nơi “tọa độ lửa” huyền thoại, ai còn? Ai mất? Những chuyện gì chưa kể ở Truông Bồn? Chúng tôi về Đô Lương, Yên Thành, đi tìm nhân chứng.

Từ Mỹ Sơn (Đô Lương), vượt eo Truông tôi về huyện Yên Thành tìm bà Lê Thị Hường, cựu TNXP Đại đội 317. Gần 70 tuổi, không chồng, không con, bà sống độc thân trong căn nhà tình nghĩa sau một thời gian dài tá túc trong căn lều ấp vịt ở Tăng Thành. Cứ mỗi lần nhắc đến Truông Bồn, nhắc đến đồng đội, nước mắt bà lại ứa ra.

“Năm 17 tuổi, tôi viết đơn xin gia nhập lực lượng TNXP nhưng bị từ chối. Tôi lên thẳng ủy ban, gặp anh Hoàng Đình Nhã Bí thư Đoàn xã hỏi lý do, anh Nhã gạt phắt: Mi con nít, chưa đủ tuổi, về lo đi học đi!”. Bà Hường bảo, hồi đó, cứ mỗi lần nhìn thấy áo màu xanh và chiếc mũ tai bèo là “ruột gan như đổ lửa”. Ngoài thôn, đầu ngõ tiếng trống giục giã, phong trào “Ba sẵn sàng” và hiệu lệnh tòng quân khiến cô thôn nữ nhiều đêm trằn trọc mất ăn mất ngủ.

“Tôi đã từng có mặt tại trọng điểm cầu Cấm, cầu Phương Tích (Nghi Lộc), khe Thần (huyện Tân Kỳ) trong những năm tháng chiến tranh, nhưng không ở đâu khốc liệt như Truông Bồn. Có những đêm mặt đất rung lên vì bom đạn, nhưng anh chị em TNXP vẫn không hề nao núng. Chúng tôi mặc áo trắng, đứng làm cọc tiêu sống, dẫn đường cho xe qua” - cựu TNXP Lê Thị Hường (huyện Yên Thành) nhớ lại.

“Phải vào TNXP bằng được!”, Lê Thị Hường tự nhủ. Một chiều nhá nhem tối, cô gái trẻ len lén vào buồng xúc một bơ gạo, gói chặt trong chiếc khăn mỏ quạ, lúi húi đi về phía đoàn người đang nườm nượp cờ hoa rời làng. Vừa tới xóm 5 xã Tăng Thành, gặp mẹ cô đi ngược chiều, bà vặn hỏi: “Trời tối rồi, mi đi mô?”. “Con đi TNXP!”. “Bữa trước thằng Nhã nói mi chưa đủ tuổi, không đi được!”. “Không cho, con cũng đi!”. Cúi chào từ biệt mẹ, Hường xăng xái chạy ngược về cuối đường. Bóng mẹ già mất hút sau lưng. Gia tài mang theo chỉ có bơ gạo, chiếc khăn màu đen.

“Vui lắm! Bạn bè đi hết, mình không thể ngồi yên!”, cựu TNXP Lê Thị Hường bảo. Mười bảy tuổi, cùng đồng đội “tả xung hữu đột” ở những điểm nóng sục sôi bom đạn: Khe Thần (Tân Kỳ), cầu Hoàng Mai (Quỳnh Lưu) và điểm dừng chân cuối cùng tại Truông Bồn (Đô Lương, Nghệ An). Tại đây, Lê Thị Hường và các chiến sỹ Đại đội 317 bất chấp mưa bom bão đạn, ngày đêm bám sát con đường 15A, thông xe vào tiền tuyến. Chính nữ TNXP Lê Thị Hường là người đầu tiên phát hiện, cùng 2 đồng đội khác cứu Tiểu đội trưởng Trần Thị Thông- người duy nhất sống sót trong trận bom oan nghiệt rạng sáng ngày 31/10/1968.



Cụ Nguyễn Thị Miện và di ảnh của con gái - liệt sỹ Nguyễn Thị Hoài.

Tôi ngược làng Đại Bần về Đại Phú (xã Hưng Yên, huyện Hưng Nguyên) gõ cửa nhà cụ Nguyễn Thị Miện (mẹ của chị Nguyễn Thị Hoài, 1 trong 13 TNXP hy sinh tại Truông Bồn). Năm nay gần 100 tuổi, cụ Miện vẫn nhớ như in hình ảnh của con gái: “Mười sáu tuổi, Hoài xin đi TNXP. Tôi nói con còn nhỏ, học xong hẵng đi. Nó bảo: Con ra trận địa, vừa làm vừa học thêm cũng được mẹ ạ!”. Năm 1967, Nguyễn Thị Hoài khăn gói theo đoàn quân tình nguyện tiến về Truông Bồn.

“Trong số các nữ chiến sỹ tại Truông Bồn, Nguyễn Thị Hoài ít tuổi nhất, vì thế được chị em săn sóc, cưng chiều nhất. Cô có dáng vóc nhỏ nhắn, khuôn mặt bầu bĩnh và rất nhanh nhẹn. Nhiều đêm, bất chấp mưa to gió lớn, chị em chúng tôi khoác áo trắng đứng bên lề đường, làm cọc tiêu sống dẫn xe qua truông!”, Cựu TNXP Đại đội 317 Nguyễn Thị Minh kể. Đến trọng điểm Truông Bồn được gần 1 năm, ở nhà bỗng nhận được tin “Nguyễn Thị Hoài được điều động đi nhận gạo trên sông Lam, bị lũ cuốn, mất tích”. Đứng ngồi không yên, cụ Nguyễn Khánh bèn cuốc bộ từ Hưng Nguyên vượt mấy chục cây số lên Truông Bồn tìm con.

Đó cũng là lần đầu tiên, và cũng là lần cuối cùng cụ Khánh được gặp con nơi trận địa. “Hai năm chiến đấu ở Truông Bồn, Hoài chỉ về thăm nhà một lần, rồi đi mãi!”, cụ Nguyễn Thị Miện mân mê tấm hình của con gái. Tấm hình duy nhất nữ TNXP mười sáu tuổi để lại, giờ đã hoen màu, dính chặt vào mảnh gương vỡ, lọt thỏm giữa lòng bàn tay người mẹ; trên khuôn mặt hiền hậu ấy, thoảng nhẹ một nụ cười.

Từ đầu năm 1967 đến tháng 10/1968, Truông Bồn không ngày nào dứt tiếng bom rơi, đạn nổ. “Lúc địch oanh tạc, TNXP tìm chỗ trú ẩn. Tiếng gầm rú vừa tắt, anh chị em chúng tôi lại nhào lên mặt đường cứu xe bị cháy, cứu thương, mang vũ khí đi giấu trong khe núi. Đêm tối, chẳng kịp bưng bát cơm, nghe tiếng kẻng lại lao ra bãi bom, đứng làm cọc tiêu!”, cựu TNXP C317 Phan Thị Thao (xã Tăng Thành, huyện Yên Thành) kể. Hình ảnh những thiếu nữ tuổi mười sáu, mười bảy trong đêm tối mặc áo trắng, đội mũ tai bèo hóa thân mình làm cọc tiêu sống dẫn đường cho những đoàn xe qua truông, đã để lại cho những người lính biết bao cảm phục.

“Tại tọa độ lửa Truông Bồn, máy bay địch thường xuyên thay đổi giờ ném bom, thay đổi chiến thuật hòng làm tê liệt, cắt đứt giao thông trên đường 15A!”, Tiểu đội trưởng Tiểu đội phá bom Nguyễn Tâm Cớn (xã Liên Thành, huyện Yên Thành) nhớ lại. Hàng nghìn quả bom đủ loại ném xuống, mặt đường từ Truông Bồn đến dốc Kỳ Lợn bị cày nát, đất đá ngổn ngang. Dưới làn mưa bom bão đạn, những chàng trai cô gái TNXP Đại đội 317 vẫn quyết tâm bám sát trận địa. Trong đêm dài thăm thẳm, tiếng sáo gọi bạn của trực ban Trần Văn Hạp văng vẳng, hòa cùng tiếng hát của chị Đang cất lên du dương, hồn nhiên từ xóm nhỏ Mỹ Sơn…

Kỷ niệm 44 năm chiến thắng Truông Bồn, ngày 27/10/2012, UBND tỉnh Nghệ An phối hợp với Bộ GTVT khởi công Dự án mở rộng, nâng cấp tuyến đường 15A; khởi công xây dựng các hạng mục còn lại tại Khu di tích lịch sử Truông Bồn.

Quang Long

Mới nhất

x
Bài 1: Cọc tiêu sống trên tọa độ lửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO