Bài 5: Học... từ trường học Pháp
Hiện nay, có khoảng hơn 6.000 học sinh, sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường trung học và đại học của Pháp.
Chỉ chừng ấy thông tin cũng đủđể tôi muốn tìm hiểu về nền giáo dục Pháp và chương trình tham quan trường học do Hội Hữu nghị Cotes dArmor Việt Nam tổ chức đã giúp tôi cụ thể hóa ý muốn này...
Trong những ngày ở tỉnh Cotes d'Armor, chúng tôi được đi tham quan 3 trường trung học cơ sở là Trường Beaufeuillage ở Thành phố St Brieuc, Trường Roger Vercel ở Thành phố Dinan, Trường Jean Monet ở huyện Broons và Trường Tiểu học Saint Joseph ở TP Dinan. Cần lưu ý, tỉnh d'Armor là một tỉnh ở Tây Bắc nước Pháp, sự phát triển về mọi mặt ở mức trung bình nhưng các trường học ởđây ngay từđầu đã tạo cho chúng tôi ấn tượng đặc biệt về sự bề thế và hiện đại.
Một điều dễ nhận thấy là quy mô của các lớp học đều nhỏ. Ở tất cả các trường mà chúng tôi đến tham quan, số học sinh trong mỗi lớp học đều dưới 30. Như Trường Beaufeuillage có 420 học sinh (năm học 2011 - 2012) và 18 lớp học, trung bình 23,3 học sinh/lớp; Trường Roger Vercel có hơn 750 học sinh và 32 lớp học, trung bình 23,4 học sinh/lớp; Trường Jean Monet có hơn 600 học sinh với 25 phòng học, trung bình 24 học sinh/lớp. So với các trường học ở Việt Nam, tuy quy mô lớp học ở các trường học ở Pháp nhỏ hơn rất nhiều (phần lớn các lớp học ở Việt Nam có quy mô hơn 40 học sinh/lớp) nhưng số lượng phòng học cũng như cơ sở vật chất đều vượt trội.
Tỷ lệ số lượng học sinh/phòng học ở các trường chúng tôi tham quan đều ở mức 15 - 16. Như Trường Beaufeuillage có 28 phòng học, Trường Roger Vercel có 40 phòng học, trường Jean Monet có gần 40 phòng học... Các phòng học đều là phòng chức năng, được thiết kế cho việc dạy từng môn học. Hầu hết các phòng học đều có 2 gian - một dành cho việc dạy học lý thuyết và gian còn lại để dạy học thực hành hoặc làm nơi để dụng cụ trực quan. Mỗi phòng học đều có 1 máy chiếu và 1 bảng tương tác thông minh (vừa có thể trình chiếu, vừa sử dụng như một bảng viết thông thường). Ngoài ra, số lượng máy vi tính trong các trường đều rất lớn, trung bình từ 4-6 học sinh có một máy vi tính.
Do quy mô lớp học nhỏ, cơ sở vật chất hiện đại nên phương pháp dạy học trong các trường học ở Pháp cũng rất tiến bộ. Khác với các trường học ở Việt Nam (mỗi lớp học có 1 phòng học cốđịnh trong suốt năm học), các lớp học ở các trường trung học cơ sởở Pháp không học cốđịnh 1 phòng mà thay đổi phòng học theo từng tiết học.
Học sinh thuyết trình trong một tiết học ở Trường Roger Vercel
Trong mỗi phòng học chức năng có cách sắp xếp bàn ghế, trang trí riêng, trên các bức tường đều dán, treo tranh ảnh, các đồ vật gắn với môn học nhằm tăng cường tính trực quan sinh động cho các tiết học. Bên cạnh đó, do quy mô lớp học nhỏ nên các trường học ở Pháp rất tích cực áp dụng việc dạy học theo nhóm và bằng phương pháp thuyết trình. Đối với những môn học xã hội hay các môn học ngoại ngữ, học sinh được chia thành các nhóm khoảng từ 4-5 em để thảo luận về một chủđề chung hoặc chủđề riêng cho từng nhóm, sau đó giáo viên sẽ tổng hợp ý kiến của các nhóm đểđi đến kết luận chung.
Đối với các môn học cần sự tìm tòi của cá nhân học sinh, từ tiết học trước, giáo viên yêu cầu các học sinh chuẩn bị một bài thuyết trình ngắn về một phần của bài học, đến tiết học đó, các học sinh sẽ lần lượt lên thuyết trình sử dụng máy chiếu, những học sinh ở dưới sẽđặt câu hỏi cho bạn. Do vậy, nếu tham quan hoặc dự giờ một tiết học trong trường học ở Pháp, dễ dàng nhận thấy giáo viên hoạt động rất ít (hay chính xác là nói ít hơn học sinh) nhưng không có nghĩa là vai trò của họ không quan trọng mà ngược lại, họ phải biết dẫn dắt các buổi thảo luận hay các phần thuyết trình đúng hướng, biết cách gợi mởđể tạo sự hứng thú cho học sinh, giải đáp những thắc mắc và tổng hợp ý kiến của các em một cách ngắn gọn, rõ ràng.
Dễ nhận thấy, các trường học ở Pháp đều áp dụng linh hoạt phương pháp dạy học và đề cao tính sáng tạo của học sinh. Trong 1 tiết học, khoảng cách giữa giáo viên và học sinh không quá lớn. Các trường học ở Pháp không quá đề cao sự mô phạm, vì vậy ban đầu chúng tôi cảm thấy hơi "phản cảm" khi chứng kiến các học sinh ngồi học rất lộn xộn, đủ mọi tư thế trong các tiết học, nói chen ngang giáo viên...
Ngay một số giáo viên, nhất là giáo viên các môn ngôn ngữ, nghệ thuật, để truyền đạt kiến thức nhanh nhất cho học sinh, họ không ngần ngại làm một "diễn viên" với giọng nói và điệu bộ mà đối với chúng tôi là có phần kỳ dị nhưng chính điều này đã làm cho các tiết học sinh động hẳn lên. Còn trong trong một tiết học vẽ, các học sinh được yêu cầu sáng tạo trên một bức vẽ chân dung kinh điển (như bức Mona Lisa), hoặc ảnh một nhân vật nổi tiếng (nghệ sỹ, chính trị gia...) và các em đã thoải mái vẽ thêm các chi tiết (như râu ria, quần áo..) hay tạo nên các hành động cho nhân vật khác hẳn với tính chất ban đầu của bức tranh (ảnh). Giáo viên không trực tiếp đánh giá cho điểm mà để các học sinh trong lớp đánh giá, bình chọn "tác phẩm" ấn tượng nhất.
Thêm nữa, chương trình học ở Pháp không quá nặng về lý thuyết, ở cấp tiểu học và trung học cơ sở, so với cấp, lớp tương đương ở Việt Nam, khối lượng kiến thức giảng dạy ở Pháp nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Thế nên mới có chuyện là, trong số các học sinh Việt Nam sang Pháp học ở các trường trung học, rất nhiều em đứng đầu lớp ở các môn khoa học tự nhiên.
Một buổi sinh hoạt câu lạc bộở Trường Roger Vercel
Trong chuyến tham quan lần này, trong đoàn chúng tôi có cô bé học lớp 6 ở Thành phố Vinh được bố trí học cùng với các bạn lớp 3 ở một trường trung học cơ sở (tương đương lớp 9 ở Việt Nam), nhưng đã làm các giáo viên và học sinh Pháp thán phục vì giải Toán rất nhanh. Tuy nhiên, các trường học ở Pháp rất chú trọng đến thực hành. Một số Việt kiều ở Cotes dArmor có con đang học lớp cuối cấp tiểu học cho tôi biết, nhờ học ở trường nên các cháu có thể sửa chữa một sốđồđiện trong nhà. Ban đầu, tôi không tin lắm, cho đến khi chứng kiến các giờ học thực hành ở các trường trung học cơ sở.
Do ngay từ cấp trung học cơ sở, các trường học của Pháp đã có định hướng về học nghề nên tất cả các trường đều có cơ sở vật chất đầy đủ cho các môn thực hành như hàn, mộc, điện, nấu ăn và cả... buôn bán. Hầu hết các học sinh lớp 5, 4 (tương đương các lớp 7,8 ở Việt Nam) đều có thể sử dụng các dụng cụ mà tôi chỉ thấy trong tay những người thợ chuyên nghiệp ở Việt Nam như máy khoan, máy cắt kim loại, các thiết bịđo và sửa chữa điện... Bên cạnh đó, các trường trung học cơ sởở Pháp đều chú trọng đến học ngoại ngữ. Từ lớp 3, mỗi học sinh đều được học một lúc 3 ngoại ngữ là tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh và có thể tùy chọn học tiếng Latin. Thậm chí, ở một số trường các em đã được học các môn lịch sử, địa lý và khoa học tự nhiên bằng tiếng Đức từ lớp 6 và tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh từ lớp 7.
Đối với học sinh Pháp, áp lực học tập không quá nặng nề như học sinh ở Việt Nam. Số lượng tiết học chính thức của 1 học sinh trung học cơ sởở Pháp nhiều hơn (từ 6 - 8 tiết, học cả ngày) nhưng các em không có các buổi học thêm như học sinh Việt Nam. Tôi hơi ngạc nhiên khi được các học sinh Viêt Nam trong đoàn tham quan sống trong các gia đình Pháp cho biết, học sinh Pháp có rất ít bài tập về nhà và buổi tối, các em gần như hoàn toàn được nghỉ ngơi, thư giãn, trò chuyện hoặc đi dạo đâu đó cùng gia đình.
Học sinh tiểu học tham quan đảo Brehat
Thêm vào đó, các trường học ở Pháp đều rất chú trọng đến các hoạt động ngoại khóa. Ngay từ cấp tiểu học, các học sinh đã nhiều lần được đi tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như là một buổi thực hành các môn lịch sử, địa lý, nghệ thuật... Từ cấp trung học cơ sở, trong mỗi học kỳ, các em có ít nhất 3 buổi tham quan, dã ngoại. Thêm vào đó, các trường đều rất chú trọng hoạt động của các câu lạc bộ như Câu lạc bộ Unesco, Câu lạc bộ Âm nhạc, Câu lạc bộ Toán học..., tạo nên sự gắn kết giữa học sinh và nhà trường cũng như giữa các học sinh.
* Tiểu học (ecole primaire): 5 năm, 7-11 tuổi
- Lớp vỡ lòng (CP)
- Lớp sơ cấp 1 và 2 (CE1, CE2)
- Lớp trung cấp 1 và 2 (CM1, CM2)
* Trung học cơ sở (collège): 4 năm 12 - 15 tuổi:
- Lớp nhập môn (6 ème)
- Lớp trung (5 ème, 4 ème)
- Lớp định hướng (3 ème).
* Trung học (lyceé): 3 năm, 16 - 18 tuổi
- Lớp đệ nhị (2 de)
- Lớp giữa (1 e)
- Lớp cuối (TLE)
Minh Quân