‘Bất động’ trước khoáng tặc thạch anh

Đã tròn một năm trời, tại xã biên giới Thanh Sơn (Thanh Chương) xảy ra tình trạng “khoáng tặc” hoành hành, khai thác trái phép, lấy đi hàng trăm nghìn tấn quặng thạch anh quý hiếm…

Bởi bất bình trước tình trạng “khoáng tặc” ngang nhiên khai thác tài nguyên, sử dụng phương tiện vận tải cỡ lớn chuyên chở gây hư hỏng đường sá, ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông nên cuối tháng 5/2019, người dân xã Thanh Sơn đã báo tin đến đường dây nóng Báo Nghệ An. Người dân nói: “Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn xã Thanh Sơn chúng tôi có một nhóm người sử dụng máy móc khai thác đá trắng. Chính quyền và lực lượng chức năng trên địa bàn thì bất lực, không có hình thức xử lý nên tình trạng khai thác trái phép cứ thế tiếp diễn khiến nhân dân rất bức xúc. Rất mong Báo Nghệ An về kiểm tra, phản ánh…”.

Đề nghị làm rõ thêm hành vi của “khoáng tặc”, người dân chỉ thông tin thêm sự việc đang xảy ra là tại bản Nhạn Cán, và đề nghị cử phóng viên “vi hành”  Thanh Sơn sẽ rõ mọi chuyện. “Chúng tôi là người dân, thấp cổ bé họng. Nói ra sự việc như thế này đã rất sợ bị liên lụy đến bản thân…” – người dân trao đổi.

Ngổn ngang hiện trường khai thác quặng thạch anh tại khu Bảy nhà, bản Nhạn Cán, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương.
Ngổn ngang hiện trường khai thác quặng thạch anh tại khu Bảy nhà, bản Nhạn Cán, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương.

Thẩm định từ nhiều nguồn khác nhau, kết lại, thông tin người dân đã báo là có cơ sở. Tình trạng “khoáng tặc” khai thác quặng “đá trắng” là ở khu vực Bảy nhà, xóm Nhạn Cán, xã Thanh Sơn. Vị trí có tình trạng khai thác quặng trái phép cách trụ sở ủy ban xã Thanh Sơn khoảng 6 km. Đây là khu vực đất lâm nghiệp nhà nước giao cho người  dân các xã Kim Đa, Hữu Dương (huyện Tương Dương) khi họ tái định cư về xã Thanh Sơn.

Một nguồn tin là cán bộ khối dân ở xã Thanh Sơn khi được hỏi đã thẳng thắn: “Có nhiều điều khiến cán bộ, nhân dân nghi vấn lắm. Vì tình trạng quặng tặc diễn ra quá lâu nhưng không được chính quyền xã quan tâm đẩy đuổi. Nhân dân bức xúc lắm rồi…”.

Chuyển thông tin đến Sở Tài nguyên và Môi trường, kế hoạch được vạch ra là khẩn trương lập một tổ công tác thực tế khu vực xã Thanh Sơn. Yêu cầu phải tìm cách xác định chính xác điểm “khoáng tặc” khai thác trái phép, bắt quả tang, làm rõ hành vi, lập biên bản hiện trường… Rạng sáng ngày 4/6/2019, tổ công tác lên đường…

Khu vực bản Nhạn Cán, nơi có tình trạng khai thác quặng thạch anh trái phép.
Khu vực bản Nhạn Cán, nơi có tình trạng khai thác quặng thạch anh trái phép.

Đến xã Thanh Sơn, không quá khó khăn để lần ra địa chỉ “khoáng tặc” khai thác trái phép. Người dân nơi đây cho biết “từ trụ sở ủy ban xã rẽ phải, cứ đi thẳng miết khoảng 5 km thì đến bản Nhạn Cán. Ở đó, theo con đường nhựa nham nhở, đầy vết ô tô tải đi khoảng 1km là đến khu Bảy nhà, là nơi người ta khai thác”.

Theo lộ trình như người dân báo tin, khi đến bản Nhạn Cán đã nhìn thấy khu vực có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Từ đầu bản Nhạn Cán hướng về vùng núi biên giới thẳm xanh, hiện lên rất rõ các vùng trống màu nâu vàng, thể hiện có sự đào xới đất rừng. Bí mật tiếp cận hiện trường, xác định có hai chiếc máy xúc cùng một số người đang hối hả đào bới lấy quặng trên triền núi. Khẩn trương tiếp cận hiện trường, tổ công tác ghi nhận các hoạt động khai thác và yêu cầu đình chỉ phương tiện máy móc.

Cán bộ Tổ công tác Sở TN&MT thu nhận thông tin từ Công an xã Thanh Sơn; Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn kiểm tra nội dung biên bản trước khi ký.
Cán bộ Tổ công tác Sở TN&MT thu nhận thông tin từ Công an xã Thanh Sơn; Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn kiểm tra nội dung biên bản trước khi ký.

Có một thanh niên xưng là tổ trưởng tiếp xúc với đoàn công tác. Anh ta nói rằng họ không phải khai thác đá mà đang thực hiện cải tạo vườn cho một hộ dân xã Thanh Sơn. “Chúng tôi có hợp đồng cải tạo vườn với người dân…” – thanh niên này nói. Sau đó lảng đi nơi khác, liên tục sử dụng điện thoại liên lạc với ai đó để trình bày việc có người lạ xâm nhập khu vực họ đang khai thác.

Dù người thanh niên nói vậy nhưng với việc hai chiếc máy xúc bị bắt quả tang đang có hoạt động khai thác, hơn nữa trên hiện trường có rất nhiều quặng đá đủ kích thước (có những khối lên đến vài m3) được thu gom, ngổn ngang chờ phương tiện vận xuất, nên tổ công tác Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định đây là hoạt động khai thác khoáng sản trái phép với quy mô lớn.

Kiểm tra loại quặng đá này, các cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường xác định đây là đá thạch anh, một loại quặng có giá trị kinh tế rất cao. “Đá trắng có 3 loại A, B, C. Trừ chi phí vận chuyển, giá trị loại A khoảng 250 nghìn/tấn; loại B khoảng 150 nghìn/tấn; loại C chỉ 50 nghìn/tấn. Còn loại đá thạch anh này có giá khoảng 2 triệu đồng/tấn. Trừ chi phí vận chuyển cũng gấp 5 đến 6 lần đá trắng…”  – Ông Trần Văn Toản, Trưởng phòng Khoáng sản Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết.

Bởi tính chất hoạt động khai thác trái phép có tổ chức, quy mô lớn, hành vi vi phạm pháp luật đã diễn ra nhiều ngày, vậy nên cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu chính quyền xã Thanh Sơn và huyện Thanh Chương đến hiện trường để cùng lập biên bản vi phạm, đồng thời tổ chức tạm giữ phương tiện khai thác trái phép.

Thực hiện lập biên bản tại hiện trường khai thác quặng thạch anh trái phép.
Thực hiện lập biên bản tại hiện trường khai thác quặng thạch anh trái phép.

Sau khi tổ công tác Sở TN&MT có yêu cầu, khoảng 10h30’, Công an xã Thanh Sơn đã có mặt tại hiện trường “khoáng tặc” khai thác quặng thạch anh. Các công an xã Thanh Sơn xác nhận tình trạng khai thác trái phép quặng đá là từ khoảng tháng 4/2018. Khu vực khai thác là đất lâm nghiệp nhà nước giao cho nhân dân sử dụng. Nhóm người khai thác biết tại khu vực này có quặng nên đã bỏ tiền ra mua đất của dân, sau đó tổ chức khai thác… Chính quyền xã đã tổ chức vào kiểm tra xác định nhóm khai thác quặng không có bất cứ giấy tờ gì chứng tỏ được nhà nước cấp quyền khai thác khoáng sản. “Họ vào đây không thực hiện báo cáo việc tạm trú. Chỉ đến khi Công an xã yêu cầu thì họ mới làm thủ tục tạm trú…” – một công an xã trao đổi.

Còn Trưởng Công an xã Thanh Sơn – ông Lô Văn Mão thì cho hay, có từ 5 – 6 ô tô tải trọng lớn từ 40 – 50 tấn, mang biển hiệu Đông Anh thường xuyên chuyên chở quặng ra khỏi khu vực khai thác. Do xe có trọng tải lớn, đi lại thường xuyên trong một thời gian dài nên đường giao thông của xã, nhất là ở bản Nhạn Cán đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng, ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông. Chính vì lẽ này nên người dân đã bức xúc, có ý kiến lên xã và thông tin với cơ quan chức năng. Ông Lô Văn Mão nói: “Chỉ những khi trời mưa thì họ mới dừng khai thác, còn không thì hoạt động liên tục. Mỗi ngày bình quân khoảng 10 chuyến xe chở quặng ra khỏi Thanh Sơn…”. Ông Mão cũng nói rằng, Công an xã hoàn toàn bất lực dù đã tham mưu cho chính quyền tổ chức đoàn công tác gồm rất nhiều thành phần ở xã vào kiểm tra, đẩy đuổi.

Các máy xúc bị bắt quả tang khi đang hoạt động khai thác quặng thạch anh.
Các máy xúc bị bắt quả tang khi đang hoạt động khai thác quặng thạch anh.

Chính quyền xã Thanh Sơn cũng xác nhận thông tin Công an xã là chính xác, và họ cũng bất lực trước “khoáng tặc”. Tại sao bất lực khi chính quyền xã Thanh Sơn có đầy đủ lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ? Tại sao không báo cáo với cơ quan cấp trên để có được sự chỉ đạo, phối hợp xử lý “khoáng tặc”? Cùng với Trưởng Công an xã Lô Văn Mão, Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn là ông Lữ Văn Đương cho biết là đã từng báo cáo lên cấp trên về tình trạng này. Tuy nhiên kết cục là như tổ công tác đã chứng kiến.

Theo lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Chương, trong năm 2018, huyện nắm được thông tin ở các xã Thanh Thủy, Thanh An và Thanh Sơn xuất hiện tình trạng khai thác quặng đá trái phép, vận chuyển, tàng trữ và tiêu thụ quặng không có nguồn gốc hợp pháp. Vì vậy, đã có văn bản yêu cầu chính quyền các xã này phải chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, tăng cường bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Chương, ông Trình Văn Bằng nói: “Thật bất bình khi xảy ra tình trạng này. Chúng tôi sẽ đề nghị cơ quan điều tra của huyện, hoặc của tỉnh về làm rõ trách nhiệm…”.

Do tình trạng xe trọng tải lớn đi lại thường xuyên, tuyến đường nội xã Thanh Sơn bị hư hỏng nặng.
Do tình trạng xe trọng tải lớn đi lại thường xuyên, tuyến đường nội xã Thanh Sơn bị hư hỏng nặng.

Thực hiện lập biên bản vào hồi 12h ngày 4/6/2019, tổ công tác Sở Tài nguyên và Môi trường ghi nhận toàn bộ thông tin của vị đại diện chính quyền và công an xã Thanh Sơn đã trao đổi. “Đây là một vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Trước mắt, yêu cầu xã Thanh Sơn thực hiện tạm giữ phương tiện máy móc khai thác trái phép, đình chỉ và cho người bảo vệ khu vực có khai thác khoáng sản trái phép để không tái diễn tình trạng này…” – tổ công tác Sở Tài nguyên và Môi trường yêu cầu.

Chính quyền xã Thanh Sơn bất lực hay “bất động” với “tặc” thạch anh? Cán bộ tổ công tác nói rằng, mọi sự diễn ra tại hiện trường và việc tình trạng này kéo dài đến 1 năm trời đã nói lên tất cả!

Trụ sở xã Thanh Sơn.
Trụ sở xã Thanh Sơn.