Bi hài chuyện tài xế thổi nồng độ cồn ở Nghệ An

Đặng Nguyễn 15/02/2020 10:40

(Baonghean.vn) - Sau hơn 1 tháng triển khai Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, trong đó đáng chú ý là việc điều chỉnh mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn. Thực tế ghi nhận, đa số người dân đều đồng tình ủng hộ, theo đó TNGT đã được kéo giảm, tuy nhiên đã có không ít những câu chuyện bi, hài “cười ra nước mắt”.

Tài xế thản nhiên khóa cửa ô tô rồi bỏ đi

Tối ngày 3/1, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an TP Vinh lập các chốt kiểm tra nồng độ cồn trên một số tuyến phố. Theo ghi nhận, hầu hết các chủ phương tiện khi được yêu cầu kiểm tra đều nghiêm túc thực hiện. Các tài xế được test nhanh nồng độ cồn qua máy đo. Sau hơn 2 giờ đồng hồ, 6 tài xế có nồng độ cồn vượt mức cho phép đã bị lập biên bản xử phạt hành chính.

Trong đó, có trường hợp ông P.V.M. (39 tuổi, quê xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, Nghệ An), khi tổ công tác yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn đã có hành vi không hợp tác.

Cụ thể, khoảng hơn 22h, tại điểm kiểm tra trên đường Lê Nin, khi tổ tuần tra ra tín hiệu dừng chiếc ô tô 4 chỗ màu đen để kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, tài xế có biểu hiện say xỉn đã ra khỏi xe, chốt khóa cửa và bỏ đi không chấp hành hiệu lệnh của tổ công tác.

CSGT-TT Công an TP Vinh cẩu chiếc xe của ông P.V.M về  Đội vào tối 3.1. Ảnh Đ.C
CSGT-TT Công an TP Vinh cẩu chiếc xe của ông P.V.M về Đội vào tối 3/1. Ảnh tư liệu

Tổ công tác phối hợp với lực lượng công an trên địa bàn vận động người đàn ông này kiểm tra nồng độ cồn song người này vẫn không thực hiện. Một lúc sau, người này gọi điện thoại cho một người phụ nữ đến và nói người phụ này mới là người cầm lái chiếc ô tô chứ không phải mình. Tuy nhiên, người phụ nữ nói trên đã không thừa nhận mình lái chiếc xe trên và cũng bỏ đi.

Sau đó, tổ công tác đã lập biên bản sự việc, niêm phong chiếc xe và đưa về trụ sở công an. Với hành vi vi phạm này, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, tài xế P.V.M sẽ bị phạt 35 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 23 tháng. Đây cũng là trường hợp đầu tiên lái xe ô tô có hành vi chống đối trong kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn tỉnh Nghệ An tính đến thời điểm hiện nay.

“Ép” CSGT nghe điện thoại

Ngày 5/1, Tổ công tác của Trạm CSGT Diễn Châu lập chốt kiểm tra nồng độ cồn trên tuyến QL 1A ngay trước trạm. Vào hồi 17h, tổ yêu cầu dừng xe ô tô mang BKS 29A-034xx do một người đàn ông điều khiển để kiểm tra nồng độ cồn.

Vừa tấp xe vào lề, hạ kính, từ trong xe đã bay ra nồng nặc mùi rượu. Tuy nhiên, khi cán bộ CSGT yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, người đàn ông này không những không hợp tác mà còn lớn tiếng, văng tục. Một lúc sau, thấy CSGT có thái độ cương quyết thì người đàn ông này mới “hạ giọng” và xin được gọi điện thoại cho “người thân”. Sau đó người này gọi điện thoại cho ai đó rồi “ép” tổ trưởng tổ công tác nghe máy nhưng lời đề nghị này bị từ chối.

Phần lớn các trường hợp vi phạm nồng độ cồn đều cố gọi điện nhờ can thiệp nhưng bất thành. Ảnh L.T

Cuối cùng, các CSGT thuyết phục được tài xế đo nồng độ cồn. Tuy nhiên, sau một hồi ngậm không chịu thổi, CSGT phải làm mẫu thì người đàn ông này mới chịu thổi đúng cách để máy cho kết quả, với mức 0,349 mg/lít khí thở. Với kết quả này, sau khi lập biên bản có xác nhận của người vi phạm, chiếc xe bị tổ công tác tạm giữ.

Nghe mức phạt cao, vợ chồng thợ xây xin giao xe cho cảnh sát

8h tối 30/1, tại Đại lộ Lê Nin, Đội CSGT-TT, Công an TP. Vinh tiếp tục ra quân để tiến hành xử lý các phương tiện vi phạm về nồng độ cồn theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.

Khoảng 20h44', ông N.K. P. ở phường Hưng Dũng, TP Vinh đi xe máy nhãn hiệu Suzuki, mang BKS 37L3 - 17xx, bị lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn và đo được mức 0,111 mg/lít khí thở. Lực lượng chức năng đã tiến hành làm việc và lập biên bản vi phạm. Lúc đầu ông P. vui vẻ hợp tác, nhưng đến khi nghe lực lượng chức năng thông báo tạm giữ phương tiện 7 ngày, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng và phạt tiền 2,5 triệu đồng thì ông P. thực sự bàng hoàng.

Vợ chồng ông N.K.P. sửng người khi được thông báo mức phạt. Ảnh L.T
Vợ chồng ông N.K.P. sửng người khi được thông báo mức phạt. Ảnh tư liệu

Theo ông P. cho biết, hôm nay anh em trong gia đình làm bữa cơm tân niên ở Cửa Lò, ông cũng không dám uống nhiều, chỉ uống 2 chén rượu. Vậy mà... Tiếp lời ông P, người vợ ngậm ngùi, với mức phạt cao, trong khi chiếc xe máy là phương tiện để vợ chồng đi làm nghề thợ xây đáng giá chưa đủ tiền phạt, bởi vậy vợ chồng sẽ không lấy xe “Xe ni bán mô được 2,5 triệu, nên không còn cách mô khác là giao xe luôn cho CSGT”(!). Tuy nhiên, theo cơ quan chức năng, ông P. vẫn phải chịu xử lý theo quy định.

Uống rượu từ sáng, chiều tối đo vẫn “dính”

Chia sẻ với chúng tôi về bài học nhớ đời, có phần “đắt”, anh N.Q.C ở huyện Quỳ Hợp cho biết: Khi được yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, anh rất tự tin vì sáng đi cưới ở Quỳnh Lưu, có uống rượu nhưng sau đó anh còn nghỉ trưa, chiều không uống và đến tận tối mới về, thế nhưng khi nhìn kết quả, anh không khỏi giật mình. “Vừa thổi, vừa nhìn máy đo, nồng độ cồn báo ở mức 0.102mg/lít khí thở, khiến tôi khá bất ngờ, dù được đo lại lần 2”, anh C. nói.

Từ thực tế trường hợp của mình, qua tìm hiểu anh C. chia sẻ: “Có thể do mình uống quá nhiều hoặc khả năng đào thải của cơ thể chậm. Bởi, thời gian phụ thuộc vào cơ địa, khả năng đào thải của mỗi người. Thực tế có người cơ địa đào thải tốt, chưa đến 12h là không còn nồng độ cồn, nhưng có người sau 24h vẫn còn”.

Do vậy, mọi người cần cân nhắc, lường thể trạng của mình để quyết định uống bao nhiêu, bao lâu trước khi lái xe. Với bản thân tôi, từ giờ trở đi sẽ không uống nhiều, không để bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn thêm lần nào nữa.

Lái xe chấp hành kiểm tra nồng độ cồn. Ảnh tư liệu

Nhiều ca “khó đỡ”

Trung tá Trần Đức - Phó Đội trưởng Đội CSGT-TT Công an TP Vinh cho biết, kiểm tra nồng độ cồn tập trung nhiều vào buổi tối nên có phần phức tạp, hầu hết người say xỉn đều mất kiểm soát trong hành vi, lời nói. “Nhiều người còn chửi bới, xúc phạm, có nhiều lời lẽ không hay với tổ công tác, thậm chí là... đe dọa”. Tuy nhiên, nếu không có kinh nghiệm ứng phó, nghe là bức xúc ngay.

Chưa kể, nhiều người vi phạm còn xưng mình làm chỗ này chỗ kia, quen người này người kia để tạo áp lực. Đơn cử như trường hợp anh N.M. trú tại Nghĩa Đàn, khi lực lượng kiểm tra nồng độ cồn ở mức 0,105 mg/lít khí thở, thì xuống xe ô tô, tự xưng mình là phóng viên Báo XXXX, nhưng qua xem giấy giới thiệu thì là cộng tác viên ở địa bàn các tỉnh miền Trung- Tây Nguyên.

Không ít cảnh sát giao thông ở các địa phương, nhất là các huyện miền núi còn cho hay, mặc dù đã hướng dẫn rất kỹ rằng “Anh ngậm vào đây và thổi đều một hơi dài. Nếu không sử dụng rượu bia, kết quả trả về sẽ bằng 0”. Tuy nhiên, có những người chỉ ngậm qua loa chiếc ống rồi nhả ra, không chịu thổi, có người còn biện minh “do hơi ngắn không thổi được”.

Một CSGT ở Quế Phong cho hay, có những trường hợp từ chối thổi vì cho rằng ống thổi bẩn, “bọn trước nó ngậm vào rồi, bẩn lắm em không thổi”, dù đã được giải thích mỗi người một ống khác nhau, có những trường hợp phải tiếp tục thay ống dù trước đó đã thay...

Trong các trường hợp này, CSGT phải nói rõ nếu không chấp hành, sẽ chuyển hướng xử lý khác, đó là lập biên bản về việc không chấp hành yêu cầu của cơ quan chức năng, lúc đó mới chịu.

Mới nhất

x
Bi hài chuyện tài xế thổi nồng độ cồn ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO