Bình yên nơi xóm đạo

04/06/2017 11:35

(Baonghean) - Đã dăm năm nay, tôi vẫn thường xuyên về xóm đạo yên bình này và thấy nhịp sống vẫn cứ bình lặng êm trôi như thế. Những cựu binh mà tôi đã gặp gỡ và gắn bó lâu nay, hơn ai hết, họ biết trân quý cuộc sống êm ả nơi đây…

“Mùa này thắng lớn đó anh” - Giọng ông Trần Văn Sửu trú đội 3, xã Thanh An (Thanh Chương) vang lên từ đầu dây bên kia. “Mời anh về thăm khắc rõ”. Từ nhiều năm nay, dù cách xa nhau hàng trăm cây số nhưng gia đình tôi và ông Sửu trở thành thân thiết dù mỗi người một vùng quê, một đức tin khác nhau. Vừa nãy là ông thông báo với tôi về vụ lúa xuân vừa qua. Năng suất đạt gần bảy chục tạ một ha.

Ông Sửu không quên nhắc nhở rằng, đến ngã ba đường mòn thì “gọi tui ra đón nhé”. Nhưng tôi quyết định sẽ cuộc bộ vào nhà ông. Những ngày này trong nhà chắc hẳn ai cũng bận gặt. Dịp này, nhiều nơi đang thu hoạch vụ lúa xuân, trong đó có đội làng ông Sửu.

Mỗi chuyến trở về với xóm đạo là đội 3, xã Thanh An (Thanh Chương), ông Sửu thường phải phóng xe máy từ nhà cách đó gần 3km ra đường Hồ Chí Minh đón tôi. Tính hiếu khách khiến ông không nỡ để tôi mất bốn chục phút đi bộ. Nhưng lần này, tôi “trốn” ông cuốc bộ đi vào, bởi muốn được nhàn tản ngắm nghía cảnh đồng quê miền bán sơn địa. Đồng lúa bị cắt xẻ bởi những vạt đồi mấp mô, Mùa này những đám cây mua bắt đầu nở bung từng cái hoa tím nhỏ nhắn. Chúng lấp ló sau đám cây bụi như thể bầy trẻ đang chơi trò trốn tìm hay từ các ô cửa sổ, bẽn lẽn ngó ra tôi.

Khung cảnh đồng quê mùa gặt thật nhộn nhịp. Từng tốp người ra đồng gặt hái. Cánh đàn ông điều khiển xe trâu, những phương tiện chuyên chở từ hàng trăm năm nay đã được dùng bởi người dân vùng bán sơn địa này.

Cậu em tôi lấy vợ nơi đây, nên mỗi năm dăm ba bận tôi lại ghé thăm “nhà thông gia” ở xóm nhỏ mà phần lớn là đồng bào công giáo. Ở đây, từ hàng trăm năm nay, lương - giáo chung sống, gắn bó, đoàn kết. Sau tiếng gà gáy tan canh, người ta ý ới gọi nhau ra đồng, trưa về lại “gọi nhau râm ran chè xanh”. Về đây, những ồn ào phố thị chợt tan chảy, thời gian như ngưng đọng. Những nếp nhà nho nhỏ có cây rơm kế bên. Quanh nhà là khu vườn liền kề trồng cây lưu niên. Ngày hè, sau bữa cơm trưa, đàn ông, trai tráng rủ nhau mắc võng dưới vòm lá mà đánh giấc. Mặc cho lũ ve tha hồ kéo nhạc.

Người dân đội 3, xã Thanh An (Thanh Chương) tuốt lúa. Ảnh: Hữu Vi
Người dân đội 3, xã Thanh An (Thanh Chương) tuốt lúa. Ảnh: Hữu Vi

Thực tình mà nói, tôi thấy cõi lòng như nhẹ nhõm hẳn khi về xóm nhỏ mà đường giao thông vẫn rất gian nan này.

Hôm nay tôi chợt nhớ ra rằng, đây là lần đầu tiên tôi đến vào mùa gặt. Tôi có mặt ở đầu làng từ khá sớm. Lúc này, mặt trời mới bắt đầu nhô lên khỏi những ngọn đồi lúp xúp phía Hồ Cầu Cau. Ấy vậy mà đã có một vài chiếc xe trâu chở lúa về làng. Tiếng máy tuốt lúa chạy động cơ xình xịch nổ. Đống rơm bên đường do chiếc máy thải ra đã cao bằng nửa thân cau.

Trên con đường vào làng thoang thoảng hương lúa mới, một tốp thiếu nữ, đầu đội mũ lá, khẩu trang che nửa gương mặt, tay cầm liềm gặt ra đồng. Một nhóm khác không cầm liềm, nhưng bàn tay và cánh tay bọc kín bằng tất vải. Nhóm này chỉ việc ra đồng thu lúa lên xe chở về vì gia đình họ đã thuê máy gặt đập liên hoàn. Phương tiện làm nông này vốn chẳng xa lạ gì với nông dân miền đồng bằng, mới đây mới được bà con làm nông trong làng thuê về.

Qua 2 con ngõ là đến ngôi nhà cấp 2 của gia đình ông Sửu. Thấy tôi xuất hiện từ lối vào nhà, ông không ngớt kêu ca: “Trời ơi, tui đã bảo anh gọi ra đón. Đi bộ chi cho mệt”. Ông Sửu dáng người bé nhỏ, đen nhẻm, cặp mắt hiền lành nhưng tác phong thì nhanh nhẹn như hồi còn là bộ đội. Ông là cựu binh từng tham chiến ở mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang những năm 1984 - 1985. Trong nhiều cuộc chuyện với tôi, thỉnh thoảng, người cựu binh lại nhắc đến những trận đánh năm nào. Suốt mấy tháng liền ông cùng đồng đội trấn giữ điểm cao gọi là “vùng 4 hầm”. Những lúc im tiếng súng, từ trong hầm có thể nghe kẻ địch chuyện trò phía vách hầm bên kia. “Đó là khoảnh khắc mà anh em chúng tôi yêu cuộc sống này nhất”. - Ông từng tâm sự như thế. Chính vì thế mà khi về với cuộc sống thường nhật, người cựu binh cũng là giáo dân này càng thêm yêu những mùa vàng bội thu. Chẳng phải ngẫu nhiên mà ông gọi tôi “về chơi” vào mùa gặt hái. Một vụ lúa thắng lợi là niềm tự hào không chỉ của ông Sửu mà cả xóm nghèo vùng bán sơn địa này.

“Vụ xuân này nhà mình thu hơn tấn rưỡi thóc”. Ông Sửu ngừng tay tuốt úa đón tôi vào nhà. Có lẽ gia đình ông là một trong số ít nhà trong làng còn dùng chiếc máy tuốt nhỏ chạy động cơ điện. Âu cũng là đã cơ giới hóa rồi, cái chân cái tay đã đỡ phần vất vả.

Trên khoảng sân nhỏ trước nhà, muôn vàn hạt thóc vàng đua nhau tuôn rơi theo vòng xoay của guồng máy. Nhà đông con, lúc nào cũng có bảy tám miệng ăn, khiến gia đình thuần nông này khá vất vả. “Nếu về đông đủ thì nhà này có hơn chục người, gần một trung đội chứ không phải chuyện đùa”. - Ông Sửu hài hước pha trò. Những năm tháng trong quân ngũ tuy không dài, nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tính cách, lối sống của người giáo dân này.

Một người đàn ông trạc ngoài sáu mươi xuất hiện từ khoảng sân rồi bước nhanh vào nhà. Đó là ông Trần Văn Bản, anh trai ông Sửu. “Anh lại chơi. Lâu quá rồi không gặp?”, ông Bản chìa tay cho tôi. Ông cũng vừa trở về từ đồng lúa. Mồ hôi chảy thành dòng theo những nếp nhăn trên gò má. Ông nhìn tôi cười lớn, mái tóc đã lốm đốm bạc rung rung theo tràng cười sảng khoái.

Ngày hè của trẻ em đội 3, xã Thanh An (Thanh Chương). Ảnh: Hữu Vi
Ngày hè của trẻ em đội 3, xã Thanh An (Thanh Chương). Ảnh: Hữu Vi

Cũng như người em trai, ông Bản cũng từng có 7 năm trong quân ngũ ở chiến trường miền Nam. Kháng chiến chống Mỹ kết thúc, ông tiếp tục công tác trong quân đội đến năm 1982 mới xuất ngũ. Từ đó, ông gắn bó với đồng đất quê hương.

Sau một khói thuốc lào, ông Bản chỉ ra đống thóc đang vun đầy dần ngoài sân của gia đình em trai, bảo: “Mùa này có thể gọi là phấn khởi. Năng suất lúa ước tính khoảng sáu tạ rưỡi. Nhà tui cũng thu khá. Cây rơm năm nay to hơn năm ngoái”.

Nắng dần lên gay gắt. Trên ngõ xóm, người ta lũ lượt trở về từ đồng lúa. Từ lối mòn dẫn vào nhà, qua hàng rào trồng bằng cây mây, thấp thoáng bóng một đôi trẻ đi vào. Tôi nhận ra cô con gái ông Sửu năm nay vừa tròn hai mươi tuổi. Cô gái tên Nga và cậu bạn trai dắt tay nhau về nhà sau buổi gặt hái. Tôi hỏi: “Bao giờ hai người đám cưới?”. Cô gái bẽn lẽn cúi mặt. Còn anh con trai thì cười hiền, đáp: Cuối năm nay, Nga học xong giáo lý hôn nhân, mới làm đám cưới, anh ạ”.

Cô gái bỏ chiếc mũ lá xuống hiên nhà, cởi bỏ khẩu trang. Trên gương mặt thanh tú như học trò mới rời ghế nhà trường chợt nở một thoáng cười nhẹ nhõm khi cầm cốc nước từ tay người bạn trai.

Trong buổi trưa vắng, bên ấm nước chè vừa hãm, hai anh em cựu binh kể cho tôi nghe chuyện làng xóm và những đổi thay. Giờ đây, cánh trẻ đang dần vươn lên để thoát khỏi cách sản xuất nông nghiệp truyền thống. Họ đưa máy móc, cơ giới xuống đồng ruộng. Làm sao cho bông lúa chắc mẩy, nhiều hạt hơn. Họ bàn chuyện trồng chè, chăn nuôi để cải thiện thu nhập. Cái nghèo vẫn còn đó, nhưng những đổi thay cũng đang dân ló rạng.

Tôi nghe chuyện của họ, chợt nghĩ: Ở một vài nơi nào đó, người ta vẫn lao vào những tham vọng hão huyền, nếp sống nơi đây vẫn rất bình dị. Hơn ai hết, những người giáo dân từng kinh qua chinh chiến như ông Bản, ông Sửu biết yêu hơn ai hết cuộc sống bình yên nơi vùng quê bán sơn địa này.

Hữu Vi

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Bình yên nơi xóm đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO