Bộ trưởng giải trình về tích hợp môn Lịch sử
Trong buổi chiều ngày 16/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã trả lời về vấn đề đang “nóng” - những tranh cãi về chuyện môn Lịch sử có còn là môn độc lập, bắt buộc hay là môn tự chọn trong trường học, được tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc...
ĐB Lê Văn Lai (ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) đặt câu hỏi về việc dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông thể, với nội dung chất vấn là về việc môn Lịch sử tới đây có còn là môn độc lập hay tích hợp vào môn Công dân với Tổ quốc, và đề nghị Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đưa ra chính kiến về vấn đề này.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn chiều 16/11 (Ảnh: Hoàng Long) |
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, hiện dư luận rất quan tâm đến môn Lịch sử vì không thấy tên môn này trong chương trình bậc THPT. Riêng ở bậc tiểu học và THCS đã cơ bản nhất trí.
Ông Luận khẳng định: "Môn Lịch sử không bị coi nhẹ. Chúng tôi khẳng định đã coi trọng môn Lịch sử hơn so với chương trình hiện hành. Theo Ban soạn thảo báo cáo, chúng tôi đã kiểm tra, thì hiện nay bậc phổ thông dạy môn Lịch sử với 1,5 tiết/tuần. Trong thiết kế dự thảo đang lấy ý kiến, các cháu không học chuyên ban Khoa học xã hội có 2,5 tiết/ tuần học Lịch sử, các cháu chuyên ban có 4 tiết/tuần môn Lịch sử. Tất cả tiết này đều bắt buộc. Như vậy nội dung và khối lượng kiến thức lịch sử tăng lên".
Về chuyện tại sao lại có việc đưa môn Lịch sử vào môn Công dân với Tổ quốc, theo ông Luận: "Thứ nhất là theo tinh thần chủ trương tích hợp. Thứ hai, Luật Giáo dục Quốc phòng An ninh được Quốc hội thông qua có quy định giảng dạy lịch sử giữ nước, lịch sử quốc phòng. Chúng tôi dự kiến đưa Lịch sử vào đó để tránh trùng lắp.
Ngoài nội dung lịch sử được giảng dạy trong phần Công dân với Tổ quốc, môn học khác cũng dự kiến có giảng dạy lịch sử. Ví dụ giảng dạy văn học gắn với lịch sử. Chúng ta giảng về "Hịch tướng sĩ", "Bình Ngô đại cáo", "Tuyên ngôn độc lập" nếu không gắn với lịch sử thì các cháu không thể hiểu được, không thể dạy được.
Không chỉ trong Văn học mà trong Địa lí cũng sẽ gắn với lịch sử. Không chỉ là tên đất, tên đảo mà các địa danh gắn với chiến công, quá trình xây dựng bảo vệ Tổ quốc của cha ông.
Giáo dục âm nhạc, mỹ thuật sẽ hỗ trợ, gắn kiến dạy học lịch sử. Ví dụ dạy học "Câu hò bên bến Hiền Lương", "Xa khơi" cũng gắn với lịch sử để các cháu cảm thụ được"...
Theo ông Luận, dự thảo đang lấy ý kiến không hề có ý giảm kiến thức môn Lịch sử và vẫn bắt buộc học. "Vấn đề cần thảo luận ở chỗ cần phải để riêng, hay để Lịch sử gắn bó trong tích hợp. Đó là vấn đề thực sự cần thảo luận…".
Tới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đề nghị ông Luận trả lời ngắn gọn, tập trung vào vấn đề được hỏi. Ông Hùng nhắc lại câu hỏi của ĐB Lê Văn Lai: “Theo quan điểm của Bộ trưởng thì Lịch sử còn được là môn độc lập trong SGK không?”.
ĐB Lê Văn Lai (Ảnh Văn Chung) |
Trả lời câu hỏi này, ông Luận cho biết hiện nay Ban soạn thảo CT và Bộ GD-ĐT đang lắng nghe ý kiến rộng rãi của toàn dân. Trên cơ sở đó sẽ có thảo luận, tiếp thu. Dự kiến Bộ sẽ báo cáo đại biểu, Ban Tuyên giáo TƯ, Hội đồng lý luận TƯ, Hội đồng Quốc gia giáo dục, Ủy ban văn hóa Thanh thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, sau đó sẽ có báo cáo Quốc hội…
Ông Luận khẳng định: “Đây là chuyện hệ trọng. Quan điểm là nếu tích hợp là nhẹ, không thể làm tăng được thì không tích hợp. Nếu tích hợp mà vẫn đảm bảo thì sẽ tích hợp. Ban soạn thảo, Bộ GD-ĐT sẽ làm việc với các chuyên gia và các nhà khoa học để có kết luận cuối cùng".
Sau phần trả lời của ông Luận, ĐB Lê Văn Lai (ĐBQH Quảng Ninh) trao đổi thêm.
Ông Lai cho rằng “Theo Bộ trưởng chương trình mới coi trọng môn Lịch sử hơn dù áp dụng tích hợp, tăng thời lượng dạy học. Tuy nhiên, thời lượng chỉ là một khía cạnh. Còn yếu tố quan trọng hơn như ai có thể tiến hành việc dạy tích hợp, Bộ chuẩn bị giáo viên cho việc giảng dạy tích hợp như thế nào thì chưa nhìn thấy sự chuẩn bị đầy đủ. Vì vậy nhân dân, phụ huynh thiếu tin tưởng vào phương án tích hợp của Bộ”.
Ông Lai băn khoăn “Khi môn Lịch sử được dạy độc lập, có hệ thống, có thầy giáo chuyên ngành theo chương trình truyền thống mà còn nhiiều hạn chế, lấy râu ông nọ cắm cắm bà kia… thì liệu rằng chuyển qua theo kiểu mới có đảm bảo nâng cao chất lượng không?”. Trên quan điểm cá nhân, ông Lai cho rằng “Rất khó”.
Theo Vietnamnet
TIN LIÊN QUAN