Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư bị Phó Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở vì vắng họp
Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ việc các tờ trình phải do Bộ trưởng cơ quan tham mưu hoặc Phó thủ tướng trình bày, thay vì cấp Thứ trưởng.
Ngày 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận về Tờ trình điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài của Chính phủ. Người dự kiến báo cáo là Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng song ông không có mặt, thay vào đó là Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương.
Ngay đầu phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý về sự vắng mặt của ông Nguyễn Chí Dũng. Theo ông Hiển, Chính phủ đã thống nhất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội là các tờ trình phải do đích thân bộ trưởng cơ quan tham mưu dự họp và trình bày. Nếu Bộ trưởng vắng mặt thì Phó thủ tướng phải thay mặt Chính phủ trình bày.
Trước đó, đại diện Bộ Kế hoạch & Đầu tư không cho biết cụ thể lý do Bộ trưởng không tham dự, song trao đổi với VnExpress sau cuộc họp, nguồn tin từ cơ quan này cho biết do ông Nguyễn Chí Dũng có lịch công tác đột xuất và Bộ cũng đã có văn bản báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trước đó.
Khi nghe báo cáo, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển còn cho rằng Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương đọc chưa đúng báo cáo về việc điều chỉnh vốn nước ngoài của Chính phủ trình ra Thường vụ Quốc hội.
Theo tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016, hiện nay số vốn giải ngân quá chênh lệch giữa các bộ ngành trung ương và địa phương. Một số nơi đã giải ngân cơ bản hết kế hoạch, nhưng cũng còn nhiều bộ, ngành trung ương và địa phương giải ngân rất thấp.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: N.A |
Tổng số kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 50.000 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5/2016 mới giải ngân được 17.297 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch vốn đã giao. Bên cạnh một số ít đơn vị giải ngân cao, còn lại khá nhiều đơn vị đạt tỷ lệ giải ngân thấp hoặc hoàn toàn chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2016, như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên & Môi trường, tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc… Trong danh sách có 5 bộ, ngành trung ương và 11 địa phương giải ngân dưới 10% kế hoạch.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương, nguyên nhân giải ngân chậm là sự khác biệt trong công tác đấu thầu giữa các thủ tục trong nước và nhà tài trợ, giải phóng mặt bằng còn chậm, năng lực ban quản lý một số dự án còn hạn chế, vốn đối ứng không đáp ứng đủ nhu cầu...
Chưa đồng tình về ý kiến này, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc quản lý vốn ODA rất phức tạp nên phải tăng cường quản lý. Quốc hội khóa XIII đã có đề xuất giám sát việc giải ngân vốn ODA, song hiện nay 638 tỷ đồng vẫn chưa phân giao, có 3 địa phương không có nhu cầu mà vẫn phân giao, 3 bộ chưa hoàn thành thủ tục mà vẫn ghi vốn, có bộ ghi kế hoạch nhưng cũng có nơi chưa ghi...
"Rất tiếc là báo cáo của Chính phủ không thấy rõ. Tôi đề nghị tạm thời giao Chính phủ rà soát, có thể phải trình ra Quốc hội vào tháng 10, thì mới đưa quản lý ODA vào nền nếp", ông Phùng Quốc Hiển nói
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đặt câu hỏi: “Tại sao chưa đủ căn cứ mà anh lại trình ra để đề nghị Quốc hội phân bổ?”. Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương trả lời: “Khi đấy chúng tôi hy vọng thời gian đó làm xong thủ tục”. Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển ngắt lời: “Chúng ta phải làm theo luật, trong luật không có đoạn nào là hy vọng, phải có đầy đủ thủ tục mới đưa vào dự toán".
Phát biểu tại buổi họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đồng tình với đa số ý kiến của ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là chưa đủ cơ sở để Ủy ban cho ý kiến về việc điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Bộ Tài chính đưa ra các giải pháp lập lại kỷ cương và thực hiện nghiêm việc quản lý sử dụng các nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong đó có vốn nước ngoài. Tất cả chủ trương, phân bổ, điều chỉnh phải đúng luật, đúng quy định.
Theo Đoàn Loan/VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|