Phát triển thể thao học đường để tạo nguồn vận động viên thành tích cao

Minh Quân 26/11/2023 16:02

(Baonghean.vn) - Những năm qua, thể thao thành tích cao của Nghệ An đã có bước tiến nhất định trên đấu trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác tuyển chọn các vận động viên còn nhiều bất cập cần tháo gỡ.

Nhiều khó khăn

Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng tỉnh ta vẫn dành sự quan tâm thỏa đáng cho sự nghiệp thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao, thông qua các cơ chế, chính sách ưu tiên, đãi ngộ.

Điển hình là Nghị quyết số 11/2021/NQ-HĐND về Quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù và một số chính sách hỗ trợ đối với huấn luyện viên, vận động viên thành tích cao trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó, mức chi thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên trong thời gian tập trung tập luyện, huấn luyện và chính sách hỗ trợ kinh phí đối với huấn luyện viên, vận động viên đạt thành tích cao từ năm 2022 đều có sự cải thiện rõ nét so với trước.

bna_Một buổi tập của các vận động viên môn vật tại Trung tâm Huấn luyện và thi đáu TDTT Nghệ An.jpg
Một buổi tập của các vận động viên môn vật tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Nghệ An. Ảnh: Minh Quân

Có lẽ vì điều đó mà đến Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Nghệ An, dù chỉ còn hơn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2023, hầu hết các giải đấu trong năm đều đã hoàn thành, chúng tôi vẫn thấy không khí tập luyện diễn ra quy củ và sôi nổi. Hiện trung tâm đang đào tạo hơn 300 vận động viên ở 20 môn, gồm: Điền kinh, cử tạ, cầu mây, đá cầu, bi sắt, cờ vua, bơi lặn, bóng chuyền, bóng bàn và các môn võ (taekwondo, wushu, boxing, võ cổ truyền, karatedo, pencak silat, kickboxing, vovinam, jujitsu, muay và vật).

Trong khoảng 2 năm trở lại đây, thành tích của các vận động viên thành tích cao Nghệ An đã có sự chuyển biến tích cực; đã xuất hiện nhiều gương mặt vận động viên Nghệ An tạo nên dấu ấn đặc biệt ở đấu trường quốc tế như Nguyễn Trọng Dũng, Phạm Thị Hồng Thanh, Nguyễn Thị My…

Theo ông Nguyễn Hoàng Trung - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao Nghệ An, từ trước đến nay, việc tuyển chọn vận động viên của trung tâm được tiến hành thông qua 2 hình thức; Đào tạo tại cơ sở và qua các giải thể thao trong tỉnh. Với hình thức đào tạo tại cơ sở, Trung tâm ký kết hợp đồng với các Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông các huyện mở các lớp năng khiếu nghiệp dư để phát hiện, cung cấp cho Trung tâm những vận động viên có tố chất nổi bật. Với hình thức tuyển chọn qua các giải thể thao, các huấn luyện viên sẽ trực tiếp theo dõi các trận thi đấu, các cuộc đua ở các giải thể thao từ cấp huyện đến cấp tỉnh để lựa chọn ra các vận động viên phù hợp với tiêu chí.

bna_Một buổi tập của các VĐV bóng chuyền Nghệ An.jpg
Các vận động viên đội tuyển bóng chuyền nữ Nghệ An trên sân tập. Ảnh: Minh Quân

Tuy nhiên, công tác tuyển chọn vận động viên năng khiếu của Trung tâm đang gặp nhiều khó khăn. Dễ nhận thấy nhất là đối tượng vận động viên được tuyển chọn vào Trung tâm chủ yếu là học sinh, nhưng công tác phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo trong khâu phát hiện tuyển chọn vận động viên chưa có sự gắn kết chặt chẽ; các giải thể thao học sinh của tỉnh nhiều năm nay gần như không ăn nhập gì với các môn đào tạo tại Trung tâm. Cụ thể, trong số 21 môn đang đào tạo tại Trung tâm, chỉ có các môn bóng bàn, bóng chuyền, đá cầu, cờ vua và điền kinh là có trong chương trình giáo dục thể chất của các trường và được đưa vào thi đấu tại Hội khỏe Phù Đổng các cấp.

Ngay cả hệ thống giải thể thao của tỉnh cũng không hỗ trợ cho công tác phát hiện, tuyển chọn vận động viên năng khiếu cho Trung tâm, khi mà nhiều giải đấu cấp tỉnh hàng năm lại nằm ở những môn không nằm trong chương trình đào tạo của trung tâm như cầu lông, quần vợt, bóng chuyền hơi, kéo co, đẩy gậy…; trong lúc nhiều môn lại không tổ chức được giải đấu cấp tỉnh.

bna_bóng rổ là môn thể thao học đường phát triển nhưng không được đưa vào thi đấu thể thao thành tích cao.jpg
Bóng rổ là môn thể thao phát triển mạnh ở các trường học nhưng không được đưa vào thi đấu thành tích cao. Ảnh: Minh Quân

Cũng vì gặp khó khăn trong tạo nguồn vận động viên, không có vận động viên trẻ kế cận xứng đáng khi một số vận động viên nòng cốt suy giảm phong độ do chấn thương, tuổi tác… nên những năm gần đây, một số môn thể thao thành tích cao có dấu hiệu chững lại, thậm chí thành tích đi xuống tại các giải đấu trong nước như đá cầu, vật, bóng chuyền, bi sắt…

Mặt khác, hiện nay, không ít gia đình, người dân, nhất là ở khu vực đô thị chưa ủng hộ việc con em mình tham gia hoạt động thể thao, chưa coi đây là một nghề nên nhiều em có năng khiếu và tầm vóc tốt nhưng không tuyển chọn được. Huấn luyện viên môn lặn Hồ Phi Lược từng tâm sự: “Có những vận động viên được dự báo rất có tố chất để phát triển môn bơi, lặn nhưng gia đình không ủng hộ nên chúng tôi cũng đành “lực bất tòng tâm”...”. Ngoài ra, việc tuyển chọn một số môn thể thao đặc thù như cờ vua, bơi lội, bóng bàn... phải tuyển các vận động viên nhỏ tuổi (6 đến 7 tuổi) nên gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động các gia đình cũng như việc quản lý.

Cần đẩy mạnh phát triển thể thao học đường

Các chuyên gia thể thao đều cho rằng, để nâng chất lượng tạo nguồn cho thể thao thành tích cao, điều quan trọng là ngành thể thao cần có cơ chế phù hợp để tăng cường việc tuyển chọn vận động viên năng khiếu ngay từ các cơ sở, các trường học.

Ông Nguyễn Văn Kỳ - Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Quỳnh Lưu cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành ngành Văn hóa và Thể thao và ngành Giáo dục và Đào tạo.

“Ở huyện Quỳnh Lưu nhiều năm qua đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa 2 ngành trong việc phát hiện, tìm kiếm tài năng. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường học trên toàn huyện tăng cường tổ chức các hoạt động phát triển thể dục thể thao như ngoại khóa theo sở thích, các giờ tập ngoại khóa theo đội tuyển của trường phục vụ Hội khỏe Phù Đổng các cấp và các lớp năng khiếu của huyện. Nhờ đó, Quỳnh Lưu đã phát hiện, cung cấp cho tỉnh nhiều vận động viên nổi trội, không chỉ ở bóng đá mà còn ở các môn điền kinh, bơi lội”, ông Kỳ cho biết.

bna_karatedo Quỳnh Lưu.jpg
Một lớp năng khiếu võ thuật ở huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Minh Quân

Còn võ sư Bùi Duy Vinh - Chủ tịch Liên đoàn Võ thuật Nghệ An cho rằng, hiện nay hơn một nửa số môn đào tạo thể thao thành tích cao của tỉnh là các môn võ thuật, do đó, việc phát hiện vận động viên ở các môn này cần dựa vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của các câu lạc bộ võ thuật từ xã, phường đến huyện, thành, thị, các võ sư, huấn luyện viên ở cơ sở. Bên cạnh đó, Sở Văn hóa và Thể thao cần phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo đưa vào giảng dạy thí điểm một số môn võ như karatedo, boxing, vovinam… tại các trường học, vừa đa dạng hóa hoạt động giáo dục thể chất trong nhà trường, vừa phát triển phong trào cho các môn thể thao thành tích cao”.

Có thể thấy, để thể thao thành tích cao của tỉnh duy trì được thành tích, có nhiều hơn nữa những vận động viên đoạt huy chương ở các giải đấu khu vực, châu lục, thế giới, thì công tác tuyển chọn vận động viên năng khiếu cần được quan tâm, chú trọng hơn. Thời gian tới, cần đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn kinh phí để tổ chức nhiều hơn các giải đấu cho đối tượng học sinh để qua đó phát hiện các vận động viên có năng khiếu; đẩy mạnh phát triển thể thao học đường để tạo nền tảng vững chắc cho thể thao thành tích cao./.

Mới nhất

x
Phát triển thể thao học đường để tạo nguồn vận động viên thành tích cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO