Các địa phương tích cực khắc phục thiệt hại sau bão số 2
(Baonghean.vn) - Bão số 2 làm nhiều công trình, nhà cửa, cây xanh tại các địa phương ở Nghệ An hư hỏng nặng. Chính quyền và người dân đang nỗ lực khắc phục.
*Tại TX.Thái Hòa, 100% đường diện cao thế, hạ thế bị ảnh hưởng gây mất điện. Trong đó, có 4 cột điện bị đổ; 1 cột đèn chiếu sáng tại cầu Hiếu bị quật ngã.
Lượng mưa đo được là 106ml; gió giật cấp 8, cấp 9. Mưa to kèm gió mạnh đã khiến nhiều cây xanh ở các tuyến đường nội thị đổ gãy. Gió lớn cũng đã khiến 4 hộ bị tốc dàn tôn; 1 nhà bị tốc mái và 1 nhà xưởng bị hư hỏng.
» Hơn 5.750 cột điện ở Nghệ An bị gãy đổ trong bão số 2
Cột bóng đèn bị đổ trên cầu Hiếu làm lan can của cầu bị hư hại. Ảnh: Quang Huy |
Hiện tại 100 ha lúa bị ngập; 35 ha mía bị gãy; 6 ha ngô bị đổ. Cùng với đó, hàng nghìn cây cao su cũng bị gãy do mưa bão.
Ngay sau bão, các ngành, địa phương ở Thái Hòa đã tập trung khắc phục. Đến 12h30 ngày 17/7, khoảng 50% địa bàn được cấp điện trở lại. Thị xã tiếp tục triển khai các phương án ứng phó kịp thời, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do mưa bão gây ra.
* Nghĩa Đàn thiệt hại do cơn bão số 2 ước khoảng 1,6 tỷ đồng
Do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn có 193 nhà bị tốc mái, 1.000m tường rào bị đổ sập, 95 cột điện bị đổ gãy. Diện tích lúa mùa ở các cánh đồng, vùng trũng khe suối bị ngập úng, đổ là: 100 ha. Ngô, rau màu bị đổ, ngập nước: 250 ha. Cây ăn quả bị đổ gãy: 100 ha. Chuối bị gãy đổ: 50 ha. Mía bị gãy đổ: 2000 ha. Cây lâm nghiệp bị gãy đổ: 300 ha.
Có 2 hồ đập bị sạt lở đê quai từ 7-10 m là đập Khe Giang, đập Đanh 9 (xã Nghĩa Lộc); 5 ha diện tích ao nuôi trồng thủy sản bị tràn bờ làm thất thoát thủy sản của người dân.
Ước tính thiệt hại do cơn bão số 2 gây ra trên địa bàn Nghĩa Đàn khoảng 1,6 tỷ đồng.
Ngay sau khi cơn bão đi qua, chính quyền huyện Nghĩa Đàn đã cử các đoàn đi chỉ đạo khắc phục hậu quả của bão ở các địa phương cũng huy động các lực lượng cùng tham gia khắc phục hậu quả của bão với bà con.
* Theo số liệu báo cáo của BCH phòng chống bão lụt huyện Đô Lương, đến 10h sáng 17/7 bão số 2 đã gây ngập 200 ha lúa hè thu, gây đổ 120ha ngô. Gần 1.000 cây xanh và gần 200 ha cây lâm nghiệp bị gãy đổ.
Bão số 2 đã kèm theo gió giật mạnh làm 250 cột điện bị gãy đổ, toàn bộ hệ thống điện của Đô Lương bị mất. Cơn bão cũng làm tốc và sụt mái 465 nhà dân và một số trường học.
Đô Lương huy động lực lượng để giải toả ách tắc do bão số 2 gây ra. Ảnh Hữu Hoàn |
Hiện huyện Đô Lương đang tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả sau bão để ổn định đời sống cho nhân dân. BCH phòng chống bão lụt huyện thành lập các đoàn trực tiếp về cơ sở, đồng thời huy động lực lượng quân đội, công an, thanh niên tình nguyện tập trung giải tỏa cây cối ngã đổ, khắc phục tình trạng mất điện và hỗ trợ nhân dân sửa chữa nhà cửa.
Đến 14 h chiều cùng ngày ,một số xã và cơ quan đơn vị đã có điện, cớ bản các tuyến đường đã được lưu thông.
Hệ thống điện lưới ở Đô Lương bị hư hỏng nặng do bão. Ảnh: Hữu Hoàn |
* Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, dọc hai bên suối Piệc xã Mường Phú, Thông Thụ (Quế Phong) bị sạt lở nghiêm trọng, khiến 10 hộ dân bị ảnh hưởng, một số hộ gia đình có nguy cơ bị cuốn trôi. Trước tình hình đó, lực lượng Dân quân tự vệ, Đồn biên phòng, công an xã đến giúp người dân vận chuyển đồ đạc, di dời đến nơi an toàn.
Ông Lương Thái Quý - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết: Đêm qua, nước lũ tại khe Nậm Hạt dâng cao, xã đã chỉ đạo cho các hộ dân đi tránh lũ ngay trong đêm. Trước mắt có nhiều diện tích lúa, ao hồ của người dân bị ngập, Trường Tiều học Đồng Văn 2 bị sút mái.
thiệt hại bão số 2 |
Đi kiểm tra tại các điểm tái định cư thuỷ điện Hủa Na, ông Lữ Đình Thi - Bí thư Huyện uỷ Quế Phong yêu cầu chính quyền các xã cử lực lượng hỗ trợ người dân vận chuyển đồ đạc đến nơi an toàn. Cắt cử người trực tại các bến sông suối, lòng hồ tuyệt đối không cho người dân đi đánh bắt cá, qua lại sông suối”.
Ông Lữ Đình Thi cho biết: "Huyện đã hoãn kỳ họp thứ 3, HĐND huyện khoá XVII để tập trung cho công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả, cũng như sẵn sàng chủ động, ứng phó nếu có hoàn lưu bão gây ảnh hưởng trên địa bàn".
* Huyện Quỳ Hơp có mưa vừa đến mưa to kém theo giông gió giật mạnh đã làm thiệt hại một số tài sản, hoa màu của nhân dân. Theo thống kê của ban chỉ đạo phòng chống lụt bão huyện Quỳ Hợp, toàn huyện có 1 nhà bị đổ sập hoàn toàn tại xã Hạ Sơn do cây xanh bật gốc đổ đè, rất may không có thương vong về người.
Có 9 ngôi nhà khác bị tốc mái hư hỏng, 50 ha lúa hè thu bị ngập úng, 70 ha hoa màu, mía bị ngập nước gãy đổ, 4 cầu tạm bắc qua sông ở xã Châu Cường, Tam Hợp, Thọ Hợp bị lũ cuốn trôi, nhiều cao su, cây xanh bị gió dật bật gốc, gãy đổ, nhiều diện tích ao hồ bị ngập.
Hiện nay trên địa bàn Quỳ Hợp vẫn đang diễn ra, nước từ đầu nguồn tiếp tục đổ về làm các khe suối dâng cao chảy xiết, lãnh đạo huyện thành lập nhiều đoàn để đi thị sát tình hình, chỉ đạo các địa phương vận động những hộ dân có nguy cơ sạt lở tiếp tục di dời khỏi vùng nguy hiểm, động viên những gia đình bị sập nhà, tốc mái khắc phục hậu quả sớm ổn định cuộc sống.
Hàng trăm diện tích hoa màu ở Thanh Chương bị đổ rạp khó khắc phục. Ảnh: Đình Hà |
* Thông kê bước đầu của UBND huyện Thanh Chương, bão số 2 đã làm tốc mái 285 nhà dân, đổ 167 cột điện, 11 cột truyền thanh. Làm ngập úng 76 ha lúa hè thu, 393 ha ngô đậu, đỗ, 70 ha sắn, đổ gãy gần 30 000 cây lâm nghiệp, cây ăn quả, đổ gãy 205 ha keo lai; làm ngập úng 22, 4 ha nuôi trồng thủy sản, làm chết 102 con gia súc, trên 2000 con gia cầm.
Ngay sau mưa bão trong ngày 17/7, lãnh đạo huyện và các ngành chức năng đã trực tiếp xuống tận cơ sở để đôn đốc cùng người dân khắc phục, sớm ổn định cuộc sống.
* Toàn huyện Nghi Lộc có 630 hộ bị ảnh hưởng; trong đó có 37 hộ có nhà bị tốc mái nặng; 451 cột điện bị gãy, đổ gây mất điện trên diện rộng; Có gần 50.000 cây xanh trên địa bàn bị đổ ngã; 6 km kênh mương bị sập đổ. Nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi khác bị hư hỏng nặng. Riêng sản xuất nông nghiệp toàn huyện có gần 673 ha diên tích hoa màu bị thiệt hại và 8 ha diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị ngập úng.
Hơn 7.000 bồn nước inox của Công ty TNHH MTV Sơn Hà do không néo giữ nên bị gió thổi bay xuống các tuyến đường QL 1A, Tỉnh lộ 536, trên núi và xuống ao hồ xung quanh.
630 hộ dân ở Nghi Lộc bị tốc mái nhà, hư hỏng nặng. Ảnh: Quang Dũng |
Ngay khi cơn bão đi qua, lãnh đạo huyện Nghi Lộc trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo các địa phương khắc phục hậu quả. Huy động toàn dân tham gia khắc phục công trình, cắt cành cây giải phóng đường giao thông, sửa chữa nhà cửa, tổng vệ sinh môi trường những vùng bị ngập úng, lũ, lụt, đề phòng dịch bệnh có thể xảy ra cho người và gia súc. Triển khai các biện pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp, kinh doanh, dịch vụ sau bão lũ và công tác cứu trợ để sớm ổn định lại đời sống nhân dân.
* Báo cáo nhanh của Sở giao thông vận tải Nghệ An,sau bão số 2, nhiều tuyến đường giao thông bị sạt lở với trên 18.000 m3 bùn đất. Cụ thể là tuyến QL 48 dài 160 km từ Yên Lý đi Quế Phong bị sạt lở 5 vị trí. Như Tại Km117+650 (thuộc địa phận xã Tiền Phong, huyện Quế Phong) sạt lở taluy dương lấp rãnh dọc dài 10m; rộng 5m; dày bình quân 1,5m. km120+100, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong, sạt lở taluy dương lấp nền; mặt đường rãnh dọc dài 7m; rộng 9m; cao bình quân 0,4m. Ước tính sạt lở 2500m3.
Đường tỉnh lộ 534, đoạn km1 (Khe Kiền, Nậm Càn, Kỳ Sơn) bị ngập 0,8 m lúc 10 h sáng nay ngày 17/7. Ảnh: Văn Trường. |
Đặc biệt hư hỏng nặng nhất là tuyến QL 16 (đường tây Nghệ An) dài hơn 200 km nối từ tỉnh Thanh Hóa đi qua địa bàn các huyện Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong; có trên 11 vị trí sạt lở trên 5.000 m3 đá. Như tại km305+600 trái tuyến (thuộc địa phận xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương) sạt lở taluy dương dài 40m, rộng 3m, cao 3m. Đường tỉnh 532, sạt lở taluy dương có 4 vị trí trên tuyến khối lượng ước tính khoảng 8000m3.
Hiện có 7 vị trí ngập úng, như QL 48E, tràn Km59+950 (tại xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn) ngập 0,7m. tràn Sông Sào Km61+800 (tại xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Đàn) ngập 2,7m, tràn Km39+400 (xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu) ngập 0,4m. Đường tinh 534B, tràn Khe Thần Km19+100 (xã Tiên Kỳ, huyện Tân Kỳ) ngập 0,8m, tràn Khe Trằng Km26+900 (xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn) ngập 0,4cm. Tổng thiệt hại ước tính khoảng trên 53 tỷ đồng. Hiện ngành Giao thông vận tải đang phối hợp với các địa phương kịp thời khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra.
QL 16, km 307+900 đoạn đi qua Nhôn Mai, Tương Dương bị sạt lở đất đá tràn lấp mặt đường, đơn vị quản lý giao thông trên tuyến đã huy động máy móc để giải tỏa lưu thông trên tuyến. Ảnh: Văn Trường. |
Ông Nguyễn Hồng Kỳ - Giám đốc Sở giao thông vận tải cho biết: Ngay sáng 17/7, Sở thành lập đoàn đi kiểm tra các tuyến giao thông để có kịp thời xử lý. Sở đã chỉ đạo 7 đơn vị quản lý giao thông phối hợp với các địa phương kịp thời khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra. Cụ thể là huy động các phương tiện máy móc, nhanh chóng khắc phục các điểm sụt trượt đảm bảo an toàn giao thông. Các vị trí ngập các đơn vị quản lý đã phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng thanh tra GTVT tổ chức trực gác, phân luồng đảm bảo giao thông.
Nhóm PV - CTV
TIN LIÊN QUAN |
---|