Mở đầu câu chuyện về sản xuất vụ hè thu ở xã mình, ông Nguyễn Khánh Thành - Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Xuân trầm ngâm nhớ lại: Trước đây, mở đầu trong các báo cáo chính trị, kinh tế của xã đều có câu “Là địa phương vùng trũng, thấp, ngập úng, chỉ sản xuất được một vụ trong năm” đã trở thành “mô-tuýp”, và cũng chính vì sự “mặc định” đó mà đời sống người dân Thanh Xuân gặp không ít khó khăn.
Trăn trở trước thực trạng đó, Đảng bộ, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã Thanh Xuân đã đặt ra quyết tâm khắc phục khó khăn, trở ngại để sản xuất vụ hè thu, đưa sản xuất từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hoá.
Nay diện tích vụ hè thu ở xã Thanh Xuân đang dần được khép kín với gần 165ha, vượt 170% kế hoạch huyện giao. Ảnh: Thanh Phúc |
Năm 2019, theo đề án sản xuất vụ hè thu, ngoài cây sắn, cây ngô, cây đậu truyền thống ở những vùng cao cưỡng và 50ha làm lúa vụ hè thu ở vùng thuận lợi thì xã đã quyết tâm xuống giống 3ha lúa ở những vùng đồng mà từ trước đến nay chỉ để hoang, lên lúa “chét”.
“Người dân không ai chịu làm cả, bởi sản xuất vụ hè thu đầu vụ thì khó nguồn nước, đến khi sắp thu hoạch lại lũ lụt, ngập úng, nguy cơ mất mùa nhiều hơn được mùa. Thế nên, xã đã họp bàn và thống nhất giao cho Hội Nông dân xã đảm nhận “làm điểm” gieo trồng lúa hè thu. Theo đó, giống lúa, phân bón được Nhà nước hỗ trợ 50%, xã đứng ra kết nối với tư thương thu mua lúa tươi ngay tại ruộng sau thu hoạch. Đồng thời, gia đình cán bộ xã, tổ chức đoàn thể, cán sự xóm phải nêu gương, phải đi đầu làm trước để bà con noi theo. Những ngày “nông vụ tấn thời”, cán bộ xã ngoài công vụ thì bám đồng, bám ruộng đốc thúc sản xuất”, ông Nguyễn Khánh Thành cho biết thêm.
Những cánh đồng thấp trũng, trước đây "mặc định" làm 1 vụ còn 1 vụ bỏ hoang, nay đều đã làm đất, chuẩn bị xuống giống. Ảnh: Thanh Phúc |
Vụ hè thu năm 2019, lúa hè thu được mùa, được giá, 3ha lúa Sông Lam 9 trồng thử nghiệm cho sản lượng đạt 130 tấn, giá bán lúa tươi tại ruộng là 4.800 đồng/kg.
“Để làm cho ra hạt lúa vụ hè thu không phải dễ vì xung quanh toàn ruộng bỏ hoang, muốn bảo vệ lúa phải đóng cọc bê tông, căng thép gai ngăn trâu bò; đồng thời, phải tích cực bám ruộng vì những đám ruộng xung quanh họ không làm nên các côn trùng gây hại tràn sang ruộng lúa. Vất vả nhưng vẫn quyết tâm làm đến cùng, vì ngoài mục tiêu kinh tế thì vấn đề thay đổi tư duy cho người dân rất quan trọng”, anh Bùi Văn Đại - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Xuân cho biết.
Cơ giới hoá được vận dụng tối đa để tiết kiệm sức lao động. Ảnh: Thanh Phúc |
Sang vụ hè thu 2020, thêm 3ha nữa được mở rộng ở vùng đồng Phú Lập - nơi ruộng thấp, trũng nhất xã. Rất may, vụ hè thu năm đó, thời tiết thuận lợi, cơ cấu giống hợp lý, tuân thủ nghiêm khung thời vụ nên lúa được mùa, hoàn thành thu hoạch trước mưa lũ.
Nhận thấy, làm lúa vụ hè thu không “khó ăn” như lâu nay đã “mặc định”, người dân dần thay đổi nhận thức, đến vụ hè thu năm 2021, số hộ đăng ký làm vụ hè thu tăng lên, từ 3ha thử nghiệm ban đầu nay tăng lên 17ha và đến năm 2022, đã tăng lên 114ha, vượt chỉ tiêu kế hoạch huyện giao 170%.
Nông dân xóm Phú Lập làm bờ rào, ngăn trâu, bò phá hoại lúa hè thu. Ảnh: Thanh Phúc |
Những ngày này, trên những cánh đồng vùng lụt, cán bộ xã Thanh Xuân, trong đó nòng cốt là Hội Nông dân tích cực cùng bà con bám đồng, bám ruộng đắp bờ giữ nước, máy cày hoạt động rầm rộ để kịp gieo cấy vụ hè thu.
Ông Nguyễn Đình Tố - Xóm trưởng xóm Phú Lập cho biết: “Trước đây, cả vùng đồng gần 50ha này vào vụ hè thu để hoang, lúa lên chét thả trâu bò chứ không ai gieo cấy cả. Năm nay, người dân đang tích cực làm đất, đắp đập, be bờ để gieo cấy lúa vụ hè thu. Diện tích gieo cấy vụ hè thu đạt 85%. Nhiều hộ ngoài làm ruộng của gia đình thì còn nhận ruộng của các hộ khác để gieo cấy. Như bản thân tôi, ruộng nhà chỉ có 3 sào, tôi nhận thêm gần 1 mẫu của các hộ không sản xuất để làm vụ hè thu.
Các giống lúa chất lượng cao được đưa vào sản xuất vụ hè thu nhằm tăng năng suất, tăng giá trị kinh tế. Ảnh: Thanh Phúc |
Vụ hè thu năm ngoái, chi phí bỏ ra 6 triệu đồng, thu về gần 15 triệu đồng. Ngoài hiệu quả kinh tế thì quan trọng nhất là làm vụ hè thu giúp cải tạo môi sinh, môi trường cho xóm làng; cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh cho vụ xuân”.
Vụ hè thu 2023, chỉ tiêu huyện giao cho xã Thanh Xuân là 100ha lúa thì đến nay, diện tích bà con đã làm đất lên đến 165ha, ngoài lúa, trên các diện tích đất cao cưỡng, xã đã chỉ đạo bà con trồng bí, trồng sắn, trồng đậu.
Lãnh đạo xã Thanh Xuân bám đồng, chỉ đạo khắc phục thuỷ lợi để sản xuất vụ hè thu thắng lợi. Ảnh: Thanh Phúc |
Điều quan trọng nhất là không chỉ khép kín diện tích mà người dân đã thay đổi tư duy sản xuất, từ sản xuất được chăng hay chớ, tự cung, tự cấp thì nay đã chuyển sang sản xuất hàng hoá, đưa các giống năng suất, chất lượng cao vào đồng ruộng; trồng các loại hoa màu có giá trị, theo nhu cầu thị trường và có sự liên kết với các tiểu thương, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm.
Clip: Thanh Phúc |