Cách làm hay trong phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả ở Thái Hòa

04/11/2017 20:30

(Baonghean.vn) - Những năm gần đây, nhờ biết phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có, người dân vùng ven thị xã Thái Hòa đã đầu tư phát triển hàng chục trang trại, gia trại có hiệu quả; thu nhập cao.

Anh Nguyễn Thái Nhân ở xóm Đông Hòa, xã Nghĩa Hòa từng là chủ trang trại gà đồi lớn, nhưng sau một thời gian chăn nuôi gà hiệu quả thấp, anh chuyển sang nuôi thỏ New Zealand và lợn rừng; hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần.

Chỉ với vài chục con thỏ mẹ và lợn rừng nái làm giống từ năm 2016, sau gần 2 năm, anh Nhân đã xây dựng được cơ ngơi gia trại trên 800 triệu đồng, gồm 1 khu trại nuôi thỏ và 1 khu trại nuôi lợn rừng; tổng đàn thỏ gần 500 con, trong đó 200 con thỏ mẹ và 15 con lợn rừng nái.

Mô hình chăn nuôi thỏ của gia đình anh. Ảnh: Nguyễn Hải
Mô hình chăn nuôi thỏ và lợn rừng hơn 500 con của gia đình anh Nguyễn Thái Nhân ở xóm Đông Hòa, xã Nghĩa Hòa, mang lại lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/ năm. Ảnh: Nguyễn Hải

Anh Nhân cho biết: Nuôi thỏ và lợn rừng vừa tận dụng được mặt bằng đất đai và nguồn thức ăn tại chỗ; không phải thuê nhân công nên chi phí đầu tư cùng một lúc không quá lớn.

Để tiết kiệm chi phí, qua học hỏi, anh Nhân mua bã sắn về ủ men, trộn với giun quế và một số loại cám để chế biến thành hạt nhỏ cho thỏ và lợn ăn. Nguồn phân thỏ và lợn được anh tái sử dụng để bón các loại cây ăn quả, nuôi giun quế để làm mồi thức ăn nuôi cá.

Với mô hình chăn nuôi liên hoàn, gia đình anh tăng nguồn thu; lợi nhuận mỗi năm khoảng 200 triệu đồng. Anh dự định sẽ nâng tổng đàn thỏ lên 500 con mẹ và 50 lợn rừng sinh sản.

Còn ở xã Nghĩa Hòa thuận lợi về diện tích đất vườn đồi để phát triển cây ăn quả, đã có nhiều hộ xây dựng mô hình trang trại thành công. Gia đình ông Thái Quốc Huy ở xóm Đông Hòa, xã Nghĩa Hòa làm trang trại từ hơn 10 năm, nhưng 3 năm gần đây ông tập trung đầu tư trồng cam và một số cây ăn quả cho hiệu quả cao.

Mặc dù cam là cây đầu tư dài ngày, chi phí đầu tư lớn nhưng ông bố trí hợp lý các loại cây ngắn ngày như bí, đậu đỗ, mía trồng xen. Với cách làm này, mỗi năm gia đình thu hoạch các loại cây ngắn ngày khoảng 300 triệu đồng, để tiền trả công lao động và tiếp tục đầu tư cho cây cam.

Để giảm bớt nhân công, năm 2016, ông Huy đầu tư 150 triệu đồng để lắp đặt hệ thống bơm tưới nước cho toàn trang trại. Trung tâm khuyến nông tỉnh đã hỗ trợ 105 triệu đồng, để ông lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel và phân bón.

Hiện nay, gia đình ông Huy đã gây dựng được trang trại có giá trị trên vài tỷ đồng; trong đó 5,5 ha cam, 2 ha ổi Đài Loan, 1 táo và trên 2 ha mía, nhãn, vải… Khoảng vài năm tới, cây cam, ổi, chanh sẽ cho thu hoạch; hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn cho gia đình ông.

Hiện nay, để tìm đầu ra cho các sản phẩm, ông Huy đang cùng với một số chủ trang trại cây ăn quả lớn trên địa bàn Thị xã Thái Hòa và Nghĩa Đàn lập hiệp hội cây ăn quả và thành lập HTX Hợp Long. Đây là bước đệm để sản phẩm trái cây của các trang trại đến với thị trường lớn hơn.

Từ năm 2016, thị xã Thái Hòa có chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn chăn nuôi bò sữa, nhờ đó, đến nay, toàn Thị xã đã phát triển được 9 mô hình chăn bò sữa với tổng số 35 con; năng suất sữa bình quân đạt 20 lít/con/ngày; mang lại thu nhập ổn định cho các hộ nhận nuôi.

Mô hình bò sữa của gia đình ông Trần văn Hữu ở xóm 5, xã Nghĩa Hòa, TX. Thái Hòa. Ảnh: Nguyễn Hải
Mô hình bò sữa của gia đình ông Trần văn Hữu ở xóm 5, xã Nghĩa Hòa, TX. Thái Hòa cho thu nhập cao. Ảnh: Nguyễn Hải

Tiêu biểu như hộ gia đình ông Trần Văn Hữu ở xóm 5, xã Nghĩa Hòa, nhờ hỗ trợ vay vốn, (mỗi con bò sữa được hỗ trợ 5- 6 triệu đồng/năm), ông mạnh dạn vay 250 triệu đồng để mua 4 con bò sữa New Zeland. Sau hơn 2 năm, ông Hữu đã có đàn bò sữa trên 8 con.

Hiện nay, với 4 con bò đã cho sữa, mỗi ngày gia đình ông Hữu có thu nhập trên 1 triệu đồng. Điều đáng nói là nhờ nuôi bò sữa, gia đình không chỉ tận dụng được mặt bằng đất mà còn sử dụng được các nguồn thức ăn sẵn có trong vườn nhà.

Những mô hình trên là điển hình cho quy trình đầu tư hợp lý, bài bản, biết phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển sản xuất. Ngoài ra, trên địa bàn còn hàng chục mô hình chăn nuôi trên đất đồi mang lại hiệu quả kinh tế cao; thu nhập bình quân từ 100-150 triệu/mô hình.

Cùng với hàng chục mô hình bưởi hồng Quang Tiến, với diện tích khoảng 10ha được thị xã hỗ trợ, bà con mỗi năm thu nhập từ 200-250 triệu đồng/ha. Hiện, trên toàn thị xã còn khoảng trên 100 ha đất đồi có thể chuyển đổi để trồng các cây ăn quả và chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao.

Ông Đặng Thái Hòa – Quyền Trạm trưởng Trạm Khuyến nông thị xã Thái Hòa cho biết: Để khuyến khích bà con nông dân khai thác hiệu quả vùng đất đồi, Thị xã tiếp tục cơ chế hỗ trợ 3.000 đồng/mắt giống đối với các hộ trồng bưởi hồng Quang Tiến; đồng thời vận dụng lồng ghép các nguồn để hỗ trợ phân bón và hỗ trợ bao bọc chống sém nắng, ruồi vàng và làm nhãn hiệu cho bưởi hồng…

Đồng thời, hàng năm Trạm Khuyến nông huyện phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sữa, trồng cây ăn quả; hỗ trợ vay vốn giúp người dân chuyển đổi sản xuất, phát triển các mô hình trang trại hiệu quả./.

Nguyễn Hải

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Cách làm hay trong phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả ở Thái Hòa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO