Cái nghĩ 'lạ lùng' của một nữ sinh thủ khoa tại xã rẻo cao ở Nghệ An

Đ.Thọ - Đ.Tuân 05/04/2021 15:50

(Baonghean.vn) - Giáo dục công dân được xem là môn học khô khan nhất, nhưng đối với nữ sinh lớp 9 người Thái vừa đạt thủ khoa cấp tỉnh Lương Thị Thanh Thảo thì đây lại là môn học luôn mang lại sự mới lạ và bổ ích đối với cuộc sống xung quanh mình.

Chúng tôi tới nhà nữ sinh Lương Thị Thanh Thảo ở bản Tam Hương (xã Tam Quang, huyện Tương Dương) vào một ngày cuối tuần. Căn nhà nằm trong một hẻm nhỏ quay lưng ra dòng sông Lam. Chỉ có Thảo và bố em là Lương Văn Hòa còn ở nhà, mẹ em từ mờ sáng đã lên rẫy trồng keo. Thảo là học sinh lớp 9 Trường THCS Tam Quang vừa đạt thủ khoa môn Giáo dục công dân trong kỳ thi học sinh Giỏi cấp tỉnh Nghệ An với 15 điểm ở bảng B.

Em
Em Lương Thị Thanh Thảo tại Lễ tuyên dương khen thưởng học sinh và giáo viên đạt thành tích cao năm học 2020 - 2021. Ảnh: Đình Tuân

Anh Lương Văn Hòa, bố Thảo kể rằng, anh bị viêm giác mạc từ trước Tết đến nay và phải đi viện nhiều lần nhưng chữa trị vẫn chưa khỏi. Mọi chi tiêu trong nhà đều nhờ vào bàn tay người vợ. Cũng may, trời phú cho anh 2 đứa con đều ngoan ngoãn. Cháu đầu học nghề xong ra Hà Nội kiếm việc làm thuê, còn Thảo vừa học giỏi vừa biết đỡ đần bố mẹ mọi việc trong gia đình.

Chiếc rương vừa là nơi học tập cũng là dụng cụ đựng sách vở của em trong những năm học THCS. Ảnh Đ. Tuân
Chiếc rương vừa là nơi học tập cũng là dụng cụ đựng sách vở của em trong những năm học THCS. Ảnh: Đ. Tuân

Góc học tập của Thảo chỉ là chiếc rương kê trong căn nhà cấp bốn. Ảnh: Đ.Thọ
Góc học tập của Thảo. Ảnh: Đ.Thọ

Trong căn nhà cấp bốn có một góc học tập riêng của Thảo. Ở đó chỉ có một chiếc rương nhỏ vừa là nơi đựng sách vở và cũng vừa là “chiếc bàn” ngồi học hàng ngày của em. Anh Hòa cho hay, từ lúc làm xong nhà đến nay chưa có điều kiện để đóng cho cháu một chiếc bàn để ngồi học nên Thảo đành phải chịu khó khom lưng học trên rương. Tuy vậy, lúc học cháu rất nghiêm túc và tập trung.

Nghe bố nói vậy, Lương Thị Thanh Thảo bẽn lẽn chia sẻ với chúng tôi: Thấy bố mẹ vất vả nên cháu cũng cố gắng học. Khi nghe tin cháu được chọn đi thi môn Giáo dục công dân, ai cũng bất ngờ. Mọi người, kể cả bố mẹ cũng chỉ nghĩ đó là môn phụ và rất khô khan nên rất ít người ủng hộ. Nhưng với cháu, đây lại là môn bổ trợ cho cháu nhiều điều trong cuộc sống và luôn mang lại sự mới lạ.

Anh Lương Văn Hòa tự hào về những thành tích con đã đạt được. Ảnh: Đ. Tuân
Anh Lương Văn Hòa tự hào về những thành tích con đã đạt được. Ảnh: Đ. Tuân

“Ngày trước, cháu rất bướng và hầu như chỉ muốn làm điều mình thích mà chẳng bao giờ biết nghĩ đến người khác. Nhưng sau những giờ học Giáo dục công dân, cháu nhận thấy mình thực sự còn rất nhiều khiếm khuyết khiến mọi người xung quanh buồn. Những liên hệ thực tế trong môn học này đã làm cháu thức tỉnh và sống tốt hơn, biết yêu thương, chia sẻ và thêm yêu cuộc sống” - Lương Thị Thanh Thảo chia sẻ.

Khi được chúng tôi hỏi bí quyết để học giỏi môn học vốn được xem là khô khan này thì cô nữ sinh người Thái thẳng thắn: Cháu ở đây rất ít sách báo, mạng internet cũng không có nên chỉ tự học là chính. Với môn này thì ngoài học kiến thức trên lớp cháu phải liên hệ thực tiễn nhiều. Lúc rảnh thì xem tivi về những vấn đề nổi cộm trong nước và thế giới để hiểu biết thêm. Còn trong lúc học thì quan trọng nhất là cuộc sống mình đã làm được những gì thì cứ vậy mà áp dụng vào bài học.

Ngoài giờ học, Thảo còn phụ giúp gia đình vác tre từ rừng xuống để bán lấy tiền ăn học. Ảnh: Đ.Thọ
Ngoài giờ học, Thảo còn phụ giúp gia đình vác tre từ rừng xuống để bán lấy tiền ăn học. Ảnh: Đ.Thọ

Chỉ đơn giản là vậy nhưng đối với nữ sinh người Thái này thì đó lại là cách học hiệu quả nhất đối với môn Giáo dục công dân. Thảo cũng cho biết, thực tế thời gian em học không nhiều, tối chỉ học khoảng đến 22 giờ, sáng hôm sau 4 giờ dậy học tiếp rồi đến trường. “Thời gian học buổi sáng giúp em nhớ hơn vì lúc đó yên tĩnh có thể tập trung cho bài học” – Thảo “bật mí”.

Gia đình khó khăn nên những lúc học xong ở trường về, Thảo lại lên nương rẫy phụ giúp bố mẹ trồng keo, vác tre xuống rừng để bán. Cũng chính vì điều đó, ước mơ sau này của Thảo là được thi vào trường công an để gia đình đỡ phần nào vất vả.

Mới nhất
x
Cái nghĩ 'lạ lùng' của một nữ sinh thủ khoa tại xã rẻo cao ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO