Cán bộ công đoàn và 'chìa khoá vàng' cho sự đổi mới
(Baonghean.vn) - Trước yêu cầu đổi mới của tổ chức Công đoàn, những cán bộ Công đoàn Nghệ An đã không ngừng rèn luyện, học hỏi để hoàn thiện bản thân, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn.
Hướng tới sự đa năng
Trong hơn 11 năm làm cán bộ công đoàn chuyên trách tại Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam, chị Nguyễn Thị Mai Hương (sinh năm 1987) được giao phó nhiều vai trò như Ủy viên Ban Thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra… Người ta dễ dàng bắt gặp chị đang say sưa biên đạo múa cho một chương trình của đoàn viên, vui vẻ ngồi ăn sung chấm muối với công nhân, gặp gỡ nắm bắt tâm tư người lao động trong xóm trọ, tư vấn pháp luật lao động cho người lao động hay làm việc với lãnh đạo của một công ty… Đến với công đoàn một cách tình cờ nhưng chính bản thân chị Hương cũng không ngờ mình yêu và hợp với công đoàn đến vậy. Dù ở đâu, làm gì, chị Hương cũng nỗ lực để hoàn thành với kết quả tốt nhất.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, chị Hương cho rằng, đa năng chính là từ khoá mà đội ngũ cán bộ công đoàn cần hướng đến trong giai đoạn mới. “Đa năng cũng chính là mục tiêu của Ban Chấp hành Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam trong đào tạo đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên trách. Theo đó, bất kỳ cán bộ công đoàn nào cũng vừa phải được trang bị kiến thức pháp luật lao động, vừa phải có kinh nghiệm trong thương lượng thỏa ước tập thể, vừa phải thành thục trong việc vận động thành lập công đoàn cơ sở và am hiểu về tài chính công đoàn… Với đặc thù nhiều doanh nghiệp, đông công nhân, đa dạng hoạt động, bên cạnh lĩnh vực chuyên sâu của từng cá nhân, khi chúng tôi đa năng thì việc hỗ trợ công đoàn cơ sở, đoàn viên, người lao động sẽ kịp thời, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn” - chị Hương chia sẻ.
Để bản thân trở nên đa năng hơn, những cán bộ Công đoàn Khu kinh tế Đông Nam như chị Hương đã đầu tư rất nhiều thời gian vào nghiên cứu, học hỏi, chủ động tận dụng mọi cơ hội để va chạm và tích lũy kinh nghiệm. Mọi khúc mắc, sự việc từ cơ sở đều được đưa ra thảo luận cùng nhau để cùng bổ cứu, hỗ trợ.
Bên cạnh sự đa năng, chị Mai Hương còn được biết đến như một “gương mặt thân quen”, “hòm thư bí mật” của đoàn viên, công nhân lao động. Dù là cán bộ công đoàn cấp trên nhưng sự cởi mở, vui vẻ, gần gũi của chị đã giúp chị có được sự tin yêu, quý mến của công nhân, lao động.
Lấy người lao động làm trung tâm
Nhận xét về các hoạt động công đoàn của Công ty CP Sản xuất và Cung ứng rau quả sạch quốc tế FVF, chị Nguyễn Thị Quỳnh Trang – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Nghĩa Đàn nói: “Những hoạt động của Công đoàn Công ty CP Sản xuất và Cung ứng rau quả sạch quốc tế FVF luôn sáng tạo, tiên phong, thu hút sự tham gia sôi nổi của người lao động và lan tỏa đến nhiều đơn vị bạn. Để làm được điều này, đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở phải rất tâm huyết, nhiệt tình, có năng lực gây dựng phong trào cũng như nhận được sự tín nhiệm, ủng hộ của đoàn viên. Chị Trương Thị Ngọc Dung (sinh năm 1988) – Chủ tịch Công đoàn công ty chính là một cán bộ công đoàn như vậy”.
Là phó phòng sản xuất, chị Dung thường xuyên phải vào nhà xưởng, ra đồng ruộng để giám sát, quản lý công nhân. Chị có một nguyên tắc đặc biệt: Khi trò chuyện với đoàn viên, người lao động, luôn dành thời gian hỏi thăm họ trước, sau đó mới hỏi han công việc. Chia sẻ thêm về điều này, chị Dung nói: “Muốn đoàn viên, người lao động tham gia phong trào thì phong trào phải lấy người lao động làm trung tâm, cán bộ công đoàn phải hiểu họ, nắm bắt được nhu cầu, nguyện vọng của họ. Sự cởi mở, thân thiện và đến với người lao động bằng sự chân thành sẽ giúp người lao động mở lòng chia sẻ và đón nhận”. Đây là cách Công đoàn Công ty CP Sản xuất và Cung ứng rau quả sạch quốc tế FVF xây dựng các phong trào một cách thiết thực, hiệu quả.
Bên cạnh đó, chị Dung cũng cho rằng, mỗi cán bộ công đoàn cần phải khẳng định vị thế của mình bằng cả năng lực chuyên môn và lẫn các kỹ năng mềm. Nếu như chuyên môn giúp tiếng nói của cán bộ công đoàn có trọng lượng hơn thì những kỹ năng mềm như giao tiếp, quản lý thời gian, sắp xếp công việc… sẽ giúp cán bộ công đoàn đảm bảo chất lượng hoạt động, cân đối giữa công việc và gia đình.
Cán bộ phải tiên phong, phong trào phải cụ thể
Những năm gần đây, công tác tuyên truyền, phong trào thi đua của Liên đoàn Lao động huyện Đô Lương liên tục gặt hái được nhiều thành tích cao và được Liên đoàn Lao động tỉnh ghi nhận. Là người phụ trách mảng nội dung này, anh Lê Văn Lai (sinh năm 1977) – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện khẳng định, sự tiên phong, gương mẫu của cán bộ công đoàn đóng vai trò quan trọng.
Chia sẻ bên lề sau khi nhận giải Ba Giải báo chí viết về phong trào công nhân và hoạt động công đoàn lần thứ I năm 2023 vừa qua, anh Lê Văn Lai bày tỏ: “Tôi viết bài dự thi không nghĩ rằng mình đạt giải, mục đích của tôi là để khuấy động phong trào, đôn đốc anh, chị em dưới cơ sở tham gia. Mà muốn anh em dưới cơ sở tham gia thì bản thân mình phải làm trước. Trước khi là một cán bộ công đoàn, tôi phải làm trọn nhiệm vụ đoàn viên đã”. Không chỉ trong cuộc thi này, anh Lai áp dụng cách làm trên trong tất cả các phong trào, phần việc mà mình phụ trách.
Ngoài quan điểm trên, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Đô Lương cũng cho rằng, công tác tuyên truyền cũng như các phong trào, phần việc thi đua cần được cụ thể bằng những sản phẩm nhìn thấy được, những số lượng đong đếm được. “Chúng tôi đánh giá kết quả của công đoàn cơ sở dựa vào sản phẩm cụ thể, số liệu chính xác, dù đó chỉ là một sản phẩm nhỏ, một công trình nhỏ, một đổi mới nhỏ. Điều này tránh được những báo cáo chung chung, hời hợt, mang tính hình thức, góp phần tạo nên những phong trào thực chất, tác động tích cực tới đoàn viên, người lao động và lan tỏa hình ảnh của tổ chức công đoàn trong nhân dân” – anh Lai nói.
Ứng dụng công nghệ vào hoạt động công đoàn
Một trong những vấn đề khó của các doanh nghiệp lớn là quản lý, thu thập, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của tất cả công nhân lao động. Tại Công đoàn Công ty Luxshare ICT Nghệ An, với hơn 7.000 công nhân, Chủ tịch Công đoàn Lê Khánh Minh (sinh năm 1988) đã tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ vào công việc này.
“Công nhân càng đông thì càng có nhiều ý kiến, nguyện vọng khác nhau, nhất là trong những vấn đề liên quan đến quyền lợi, phúc lợi. Để không bỏ sót bất kỳ ý kiến nào và thể hiện sự tôn trọng với người lao động, chúng tôi sử dụng mã QR để công nhân được lựa chọn, đề xuất ý kiến. Sau khi tổng hợp lại, công đoàn sẽ ra quyết định đảm bảo vừa dung hoà lợi ích các bên, vừa thuận theo số đông lựa chọn” – anh Minh chia sẻ. Dù khó có thể làm hài lòng 100% đoàn viên, công nhân nhưng cách làm của Công đoàn Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An đã đáp ứng được 80-90% nguyện vọng người lao động.
Không chỉ sử dụng mã QR, Công đoàn Công ty TNHH Luxshare ICT Nghệ An còn ứng dụng các kênh truyền thông nội bộ và mạng xã hội để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người lao động. “Mâu thuẫn trong quan hệ lao động có thể bắt nguồn từ những hiểu sai, hiểu nhầm không đáng có. Chúng tôi lựa chọn giải thích rõ ràng, minh bạch với thái độ chia sẻ, điềm tĩnh ngay từ khi vấn đề còn đơn giản để hài hoà mối quan hệ này” – anh Minh nói thêm.
Quả thật, mặc dù mới đến với công đoàn từ tháng 4/2022 nhưng với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trực tiếp cùng công nhân, lao động trong mảng sản xuất, nhân sự, quan hệ lao động, anh Minh đã có được sự tín nhiệm của cả công đoàn cấp trên, lãnh đạo công ty và người lao động. Thái độ điềm tĩnh, hoà đồng, chuyên nghiệp của chủ tịch công đoàn trẻ tuổi đã nhiều lần gỡ khó cho doanh nghiệp và đem lại cho người lao động nhiều lợi ích thiết thực./.